Nhộn nhịp làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm

13:38' - 26/01/2019
BNEWS Vào những ngày này, ở làng nuôi cá chép Thủy Trầm thuộc xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp hẳn lên so với những ngày thường.
Nông dân thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) thu hoạch cá chép đỏ đưa vào bể xuất để xuất bán. Ảnh: TTXVN
Cá chép đỏ làng Thủy Trầm từ lâu đã thu hút đông đảo giới thương buôn mỗi độ Tết ông Công, ông Táo. Cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng.

Người buôn cá chép đỏ không chỉ từ Sơn La, Điện Biên, Hà Nội hay Hải Phòng, Quảng Ninh mà chép đỏ Thủy Trầm còn có mặt tại Trung Quốc để đảm nhận trách nhiệm “hộ tống” Táo Quân lên trời. Nhờ đó mà cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước.

Làng Thủy Trầm là một làng nhỏ ven sông Hồng với gần 700 hộ dân sinh sống ở 3 khu 1, 2 và 3, trong đó có tới 90% số hộ nuôi chép đỏ với diện tích hơn 30ha. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, hàng tấn chép đỏ được đưa đi khắp nơi để bán.

Bán cá giống và cá trưởng thành đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Đến nay, nhiều gia đình nơi đây đã xây được nhà to, mua sắm được đồ gia dụng phục vụ cuộc sống...

Nông dân thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) thu hoạch cá chép đỏ đưa qua nước sạch để xuất bán. Ảnh: TTXVN
Ông Bùi Văn Tuấn, một trong những hộ nuôi nhiều chép đỏ ở khu 3, làng Thủy Trầm cho hay: "Cá chép đỏ này muốn được vừa ý, lúc xuất phải đạt tiêu chuẩn khoảng 40 con/kg. Muốn có cá tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được cá bố mẹ. Cá mẹ đầu phải mình thon, cân đối, vây đuôi vàng, không rách, vẩy phải đều, đặc biệt khi lộ dưới ánh nắng phải óng ánh. Khi lật ngửa cá lên phía dưới bụng phải hơi có rãnh lõm ở giữa, hai bên hơi lồi, khi lấy tay vuốn nhẹ xuống dưới thì trứng cá phải phòi ra. Còn cá bố thì phải khỏe, chắc..."

Trước khi đánh bắt cá từ ao lên, các chủ cá đã chuẩn bị sẵn những túi lưới cho vào “ép”. Kể cả cá giống và cá cúng nếu như không có công đoạn “ép” này thì sẽ bị “bạch vĩ”, đứt ruột chết ngay trên đường vận chuyển. “Ép” làm cho cá thải ra ngoài hết lượng phân và thức ăn còn trong cơ thể, đồng thời làm cho cá quen với môi trường chật trội, ôxy thấp khi vận chuyển. Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân loại, giá bán tại làng từ 100.000 - 150.000/kg.

Hiện nay, nghề nuôi cá chép đỏ không chỉ là mục đích kinh tế mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ bao đời của người dân nơi đây. Mỗi hộ gia đình trong thôn đều có ít nhất từ 2 - 3 ao cá, khi nuôi người dân chăm sóc và cho cá ăn thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác.

Nông dân thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) thu hoạch cá chép đỏ đưa vào bể xuất chờ xuất bán. Ảnh: TTXVN
Theo những cụ cao niên trong làng, người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, mỗi độ giáp ngày 23 tháng Chạp, chợ phiên Thủy Trầm, xã Tuy Lộc lại đỏ rực màu cá. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng hay trong túi ni lông, người mua có thể ngắm nghía và nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về.

Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho hay: "Lúc đầu người ta chỉ nuôi cho đẹp, chứ cá chép đỏ thịt vừa nhão lại vừa tanh nên không được xếp vào hàng cá thịt. Đem bán thử vào ngày 23 tháng Chạp, người hàng phố chẳng hiểu sao cứ nhất mực cho là cá cảnh. Cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc” mang lại may mắn trong dịp Tết và từ đó người người đua nhau mua về cúng vợ chồng nhà Táo. Nhờ sinh lợi về kinh tế nên hiện nay nghề nuôi chép đỏ phát triển ra cả làng".

Ông Trần Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết, năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống cấp thoát nước. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm, điều đó tạo hướng đi vững chắc cho làng nghề truyền thống và người dân nơi đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục