Nhu cầu dầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022

10:02' - 04/07/2020
BNEWS Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020, trước khi tăng trở lại ở mức 6% vào năm 2021 và hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch vào năm 2022.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022, nhờ hoạt động đi lại gia tăng và xu hướng chuyển sang phương tiện giao thông cá nhân cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cao hơn.

Cụ thể, Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020, trước khi tăng trở lại ở mức 6% vào năm 2021 và hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch vào năm 2022.

Xăng dự kiến sẽ là sản phẩm có nhu cầu phục hồi nhanh nhất do các hoạt động đi lại sẽ trở lại bình thường lại sau đại dịch.

Ngoài ra, sự dịch chuyển từ giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân và xu hướng sử dụng ô tô để du lịch nội địa thay vì di chuyển bằng đường hàng không - đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – cũng sẽ hỗ trợ nhu cầu xăng trên toàn cầu.

Nhu cầu về diesel được dự báo sẽ phục hồi về mức của năm 2019 vào năm 2021 nhờ các chính phủ tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, Goldman Sachs cảnh báo nhu cầu đối với liệu máy bay sẽ chịu thiệt lớn nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ngân hàng này cho rằng mức độ tin tưởng của người tiêu dùng đối với việc đi lại bằng đường hàng không sẽ ở mức thấp khi thế giới chưa có vắc-xin phòng ngừa COVID-19.

Hành vi của người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ còn thay đổi trong dài hạn. Do đó, Goldman Sachs nhận định nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ không quay lại mức trước đại dịch COIVD-19 trước năm 2023.

Về triển vọng dài hạn, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng nhu cầu dầu trên thế giới sẽ không đạt đỉnh trước năm 2030, viện dẫn đà tăng trưởng kinh tế cơ bản vững chắc, tình hình nhân khẩu học của các thị trường mới nổi và giá dầu tương đối thấp.

Goldman Sachs cũng cho rằng các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và ngành hóa dầu nói riêng sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong thập kỷ tới.

Dự báo của Goldman Sachs được đưa ra sau khi giá dầu đã phục hồi mạnh trong quý II/2020 với mức tăng lần lượt 80% của giá dầu Brent Biển Bắc và 91% cho dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI).

Đây là mức tăng hàng quý cao nhất trong vòng 30 năm qua, song cả hai giá dầu trên vẫn thấp hơn 30% so với hồi đầu năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục