Nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ

17:52' - 05/07/2024
BNEWS Nhu cầu nhân lực 6 tháng đầu năm 2024 ở Thành phố tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại dịch vụ với hơn 108.000 chỗ làm việc (chiếm 68,52% tổng nhu cầu nhân lực).

Ngày 5/7, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, qua khảo sát hơn 23.500 lượt doanh nghiệp với 158.600 chỗ làm việc và 79.000 người có nhu cầu tìm việc cho thấy, nhu cầu nhân lực 6 tháng đầu năm 2024 ở Thành phố tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại dịch vụ với hơn 108.000 chỗ làm việc (chiếm 68,52% tổng nhu cầu nhân lực).

 

Khu vực công nghiệp - xây dựng với gần 50.000 chỗ làm việc (chiếm 31,43%); khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 79 chỗ làm việc (chiếm 0,05%).

Trong đó, nhu cầu nhân lực lĩnh vực kinh tế tập trung nhiều ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần 46.184 chỗ làm việc (chiếm 29,12% tổng cầu). Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần 38.445 chỗ làm việc (chiếm 24,24%).

Về hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, nhu cầu nhân lực cần 13.655 chỗ làm việc (chiếm 9,02% ); hoạt động kinh doanh bất động sản cần 14.306 chỗ làm việc (chiếm 9,02%). Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 10.959 chỗ làm việc (chiếm 6,91%); thông tin và truyền thông cần 6.138 chỗ làm việc (chiếm 3,87%).

Tương tự, hoạt động Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cần 7.565 chỗ làm việc (chiếm 4,77%); dịch vụ lưu trú và ăn uống cần 5.503 chỗ làm việc (chiếm 3,47%); xây dựng cần 3.553 chỗ làm việc (chiếm 2,24%); giáo dục và đào tạo cần 2.791 chỗ làm việc (chiếm 1,76%).

Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần hơn 9.500 chỗ làm việc (chiếm 5,99%) ở các ngành kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; hoạt động y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.

Phân tích theo nhóm ngành, nghề, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu nhân lực tập trung ở kinh doanh - thương mại cần khoảng 46.000 chỗ làm việc ở các vị trí nhân viên bán hàng và tư vấn bán hàng, kinh doanh, giám sát bán hàng.

Dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 20.729 chỗ làm việc ở các vị trí nhân viên giao hàng, bảo vệ, đóng gói hàng hóa, chăm sóc sắc đẹp, dọn dẹp vệ sinh.

Đối với nhóm ngành, nghề kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản nhu cầu nhân lực cần 11.070 chỗ làm việc ở các vị trí nhân viên kinh doanh bất động sản, tư vấn, môi giới, giám sát, quản lý tòa nhà, chung cư.

Dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển cần 8.136 chỗ làm việc về chăm sóc khách hàng, trực tổng đài, tư vấn tuyển sinh, thống kê. Cơ khí - tự động hóa cần 6.629 chỗ làm việc ở các vị trí kỹ sư bảo trì máy, thiết kế cơ khí, chế tạo máy; quản lý vật tư cơ khí, kỹ thuật cơ khí, nhân viên cơ khí, thợ hàn tiện, gia công, lắp ráp máy móc cơ khí; thiết kế khuôn mẫu, cơ khí ô tô.

Các nhóm ngành, nghề hành chính - văn phòng - biên phiên dịch cần 6.281 chỗ làm việc; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm cần 6.265 chỗ làm việc; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử cần 5.678 chỗ làm việc; dệt may - giày da nhu cầu nhân lực cần 5.091 chỗ làm việc; công nghệ thông tin cần 4.298 chỗ làm việc; nhân sự cần 3.981 chỗ làm việc; marketing cần 3.791 chỗ làm việc; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần 3.632 chỗ làm việc.

Ngoài ra, các nhóm ngành, nghề Công nghệ lương thực thực phẩm, hóa chất nhựa cao su, kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng, tài nguyên môi trường cấp thoát nước, kế toán kiểm toán, giáo dục đào tạo, y dược, dịch vụ du lịch lưu trú và ăn uống, dịch vụ bưu chính viễn thông, quản lý điều hành… cần 27.056 chỗ làm việc.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, thị trường lao động 6 tháng đầu năm diễn biến tích cực, sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023; nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động song cũng nhiều doanh nghiệp mới thành lập và tuyển dụng nhiều lao động mới. Đặc biệt, nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ cao…

Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, bà Hiếu cho rằng các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động.

"Ngược lại, người lao động cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay; cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng và hội nhập", bà Hoàng Hiếu khuyến nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục