"Nhức nhối" vấn đề an toàn thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh

12:46' - 30/08/2016
BNEWS Kết quả thanh tra từ ngày 1/12/2015 đến 15/7/2016 tại 641 cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 211 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, chiếm hơn 30% tổng số cơ sở thanh tra.
An toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề nhức nhối ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, thí điểm quản lý thực phẩm thông qua việc truy xuất nguồn gốc, hình thành các chợ an toàn thực phẩm và kết nối, tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn là những điểm nhấn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

* Nhức nhối vấn đề an toàn thực phẩm 

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 512 người mắc, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 4 vụ với 199 người mắc. Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thí điểm thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Kết quả thanh tra từ ngày 1/12/2015 đến 15/7/2016 tại 641 cơ sở ở 5 quận, huyện và 10 phường, xã, thị trấn đã phát hiện 211 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm hơn 30% tổng số cơ sở thanh tra; trong đó đã phạt tiền 159 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 750 triệu đồng; còn 53 cơ sở, cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý. 

Trong tháng 7/2016, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 31 cơ sở tập trung ở các nhà hàng, quán ăn, cơ sở chế biến nước đá, với vi phạm chủ yếu là không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh… Đơn cử như một nhà hàng trên đường Võ Văn Tần, quận 3 đã bị phạt 26 triệu đồng với hành vi có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết thời hạn trên 3 tháng và kho chứa thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh. 

Các trạm Thú y trên địa bàn thành phố cũng phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm vụ vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh việc kiểm dịch tại các trạm đầu mối giao thông, phương thức vận chuyển không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y… 

Để quản lý an toàn thực phẩm, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, đặc biệt là việc quản lý an toàn thực phẩm tại nguồn như: Xây dựng đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố; đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm… Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố, hiện có khoảng 70-80% thực phẩm cung cấp cho thành phố là từ các nguồn ở địa phương lân cận. 

Với đặc thù này, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết với 22 tỉnh, thành phố về xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các sở, ngành liên quan cũng đã cấp 21 giấy chứng nhận tham gia chuỗi, lũy kế đến nay đã cấp cho 97 trang trại, cơ sở sản xuất chế biến của thành phố và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ với hơn 35.300 tấn thực phẩm, 202 triệu quả trứng. 

* Quảng bá thực phẩm sạch 

Chợ phiên nông sản an toàn do Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hàng Đông Hồ (phường 12, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), đã thu hút rất đông người tiêu dùng đến mua sắm, qua đó giúp người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm an toàn đạt chứng nhận VietGap, GlobalGap hoặc sản phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố. 

Liên kết để tiêu thụ và quảng bá thực phẩm sạch. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đều đạt chứng nhận VietGap, GlobalGap hoặc nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn, song khi tham gia Chợ phiên, các sản phẩm đều phải trải qua các đợt kiểm tra “gắt gao” của các ngành chức năng ở nơi sản xuất và ngay tại Chợ phiên. Những sản phẩm của các đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố lân cận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương đó phải chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị tham gia phải xác nhận khả năng sản xuất, tránh tình trạng sản lượng ít nhưng cung cấp nhiều hơn khả năng, không để xảy ra tình huống lấy hàng nơi khác (không rõ chất lượng) đưa vào, tạo ra sự an tâm và tin cậy của người tiêu dùng với chợ phiên. Sản phẩm ở chợ phiên là an toàn không chỉ trên giấy tờ chứng nhận mà trên thực tế kiểm soát tại chợ"- ông Nguyễn Văn Trực cho biết. 

Đây không phải lần đầu tiên thực phẩm sạch được giới thiệu đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, thực tế đã có rất nhiều đơn vị đưa nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng thông qua nhiều kênh. Đơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ An Hạ phối hợp với dự án LIFSAP đưa thịt lợn VietGap vào các điểm bán lẻ tại chợ, cửa hàng hoặc hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C... đã liên kết với các nhà sản xuất, sản xuất hàng nhãn riêng của mình và chịu hoàn toàn trách nhiệm từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa. Khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, quy trách nhiệm và xử lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị này đã chủ động liên kết hợp tác với các nhà sản xuất để đưa sản phẩm chất lượng đến khách hàng trên các điểm bán lẻ. Saigon Co.op cũng dành riêng một khu vực nhận diện các sản phẩm hữu cơ ở mỗi siêu thị để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận. Hiện đơn vị đã có 180 điểm bán thực phẩm tươi sống đạt chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh với mức tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 2.750 tấn rau củ quả, 420 tấn thịt gia cầm, 770 tấn thịt gia súc… 

Về phía các ngành chức năng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển thành phố cũng công khai và thường xuyên cập nhật các điểm bán thực phẩm an toàn, thực phẩm Vietgap, GlobalGap… trên website để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng này. Việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm an toàn được xem là giải pháp quan trọng để khuyến khích người sản xuất tăng cường sản xuất thực phẩm sạch và người tiêu dùng không phải lo lắng khi sử dụng thực phẩm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục