Những ẩn giấu đằng sau việc đồng nội tệ Malaysia mất giá nghiêm trọng

05:30' - 27/09/2022
BNEWS Trong khủng hoảng tài chính, mọi người đều mong muốn đồng nội tệ của quốc gia mình mạnh lên và điều này đã trở thành một điều dân túy, đặc biệt là ở Malaysia.
Từ đầu năm 2022 tới nay, giá trị đồng ringgit (RM, đồng nội tệ của Malaysia) liên tục giảm so với đồng USD. Ngày 21/9, đồng nội tệ của Malaysia ghi nhận kỷ lục buồn mới khi kết thúc phiên giao dịch sáng với mức quy đổi 1 USD đổi 4,560 RM. Thậm chí, các nhà phân tích vĩ mô toàn cầu của cơ quan nghiên cứu Trading Economics còn dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục biến động về mức 4,565 RM đổi lấy 1 USD vào cuối quý III/2022 và ở sẽ ở mức 4,6281 RM đổi 1 USD trong vòng một năm tới.
Trên tờ New Straits Times, Jamari Mohtar, Tổng biên tập của trang tin điện tử Let's Talk đã phân tích những nhân tố đằng sau sự mất giá của đồng tiền này. Nội dung bài viết như sau:
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mọi người đều mong muốn đồng nội tệ của quốc gia mình mạnh lên và điều này đã trở thành một điều dân túy, đặc biệt là ở Malaysia khi mà sức ép về cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 ngày càng gia tăng.
Trong kinh tế học, trái ngược với sự mất giá của tiền tệ, Malaysia cần phải rất cẩn thận khi đồng RM đột ngột giảm 20%. Nguyên nhân là do việc mất giá của đồng tiền cũng giống như việc phá giá tiền tệ, có thể dẫn đến tình trạng lạm phát nhập khẩu đối với những quốc gia là nhà nhập khẩu đáng kể.
Một khía cạnh khác khiến người ta cho rằng các chính trị gia đang ủng hộ đồng RM mạnh hơn đã sai lầm là cách nhìn nhận về câu chuyện đồng RM yếu hơn. Không phải là đồng RM đang suy yếu so với tất cả các loại tiền tệ khác, mà chủ yếu là so với đồng đô la Mỹ, đồng tiền dự trữ của thế giới.
Tại Mỹ và châu Âu, các biện pháp trừng phạt lớn được áp đặt liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ gây hại cho Nga mà còn khiến giá năng lượng và lương thực tăng đột biến chưa từng có, dẫn đến lạm phát phi mã trong nhiều năm.
Xu hướng lạm phát tăng cao này chỉ có thể được khắc phục từ việc lãi suất cao hơn và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện đang tập trung vào việc tăng lãi suất tích cực.
Gần đây nhất, Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp và thậm chí giới phân tích trước đó còn cho rằng tổ chức tài chính này có thể sẽ tăng nhiều hơn nữa sau khi một báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy giá tiêu dùng không giảm như mong đợi vào tháng trước và áp lực giá ngày càng gia tăng.
Với việc lãi suất tăng mạnh mẽ, đồng USD chắc chắn sẽ tiếp tục tăng giá so với tất cả các loại tiền tệ khác trong tuần tới, mặc dù Mỹ nhận thức được những chính sách mạnh tay như vậy có thể khiến kinh tế đất nước rơi vào một cuộc suy thoái. Điều này sẽ lây lan và đã lây lan sang phần còn lại của thế giới.
Như vậy, trên thực tế không chỉ đồng RM suy yếu so với đồng USD mà hầu hết tất cả các đồng tiền chủ chốt cũng đều đang giảm giá so với đồng đô la Mỹ, bao gồm cả đồng euro hùng mạnh.
Mặc dù vậy, tại một số thời điểm, dư luận vẫn sẽ đặt câu hỏi liệu Malaysia có phải là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự mất giá tiền tệ so với đồng đô la Mỹ hay không.
Theo Bộ trưởng Tài chính Zafrul Aziz, trong khi đồng RM mất giá 7,5% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm 2022, nhiều đồng tiền khác trong khu vực và các nước phát triển cũng giảm giá so với đồng USD.
Thậm chí, Malaysia còn đang ứng phó tốt so với Nhật Bản, Anh và Liên minh châu  (EU) vì mức trượt giá của đồng RM là thấp nhất so với tiền tệ của các nền kinh tế này. Đồng thời, đồng tiền của Malaysia cũng mạnh lên so với tiền tệ của các đối tác thương mại khác như Nhật Bản, Anh, EU, New Zealand và Hàn Quốc.
Ngoài ra, việc các nguyên tắc cơ bản về kinh tế tiếp tục được củng cố cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định độ vững chắc của đồng RM. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia đã tăng trưởng hàng quý, bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2021, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,7% vào tháng 7/2022, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nền kinh tế Đông Nam Á cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong Chỉ số Sản xuất công nghiệp cùng số liệu thương mại và xuất khẩu bán buôn, bán lẻ.
Tỷ lệ lạm phát của Malaysia cũng có thể kiểm soát được ở mức 2,8% trong giai đoạn tháng 1-7/2022 do các biện pháp kiểm soát giá cả, đặc biệt là thông qua việc cung cấp các khoản trợ cấp gần 80 tỷ RM trong năm 2022.
Mặc dù vậy, cũng có những phản ứng tiêu cực đối với tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz. Một số ý kiến đã cáo buộc ông Zafrul hạ thấp sự trượt giá của đồng RM, cho rằng xu hướng giảm so với đồng bạc xanh sẽ ảnh hưởng đến người Malaysia khi làm tăng chi phí thực phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, chi phí thực phẩm nhập khẩu tăng cao đã diễn ra trước khi đồng RM trượt giá, trong khi vấn đề chung của việc tăng giá sinh hoạt là một bài toán lâu dài.
Nhiều chuyên gia nhà kinh tế một mặt khuyến cáo người dân cắt giảm chi tiêu, một mặt khẳng định rằng việc đồng RM trượt giá tạo ra ảnh hưởng không quá lớn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục