Những biện pháp phòng dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè

10:53' - 13/07/2017
BNEWS Ngành Y tế tăng cường hoạt động truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, chiến dịch truyền thông theo mùa dịch.

Ngày 13/7, tại hội thảo báo chí về tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa hè, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh mùa hè như cúm, sốt xuất huyết, viêm não vi rút, dại, tay chân miệng...

Trạm y tế phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng phun thuốc diệt muỗi tại cộng đồng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Thực phẩm không bảo đảm an toàn; tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước sạch... cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa.

Đồng thời, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện để muỗi và véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.

Sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt còn lạc hậu của người dân... cũng khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao...

Gia tăng nhiều loại dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận hơn 45.000 người mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp tử vong. Số mắc bệnh tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung; riêng Hà Nội tăng gần 300%.

Các tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tích lũy cao nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa... So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 0,3%, tử vong tăng 2 ca.

Với dịch viêm não vi rút, 6 tháng đầu năm ghi nhận 367 ca mắc và 10 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 0,8%, tử vong giảm 3 ca.

Bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 62 ca và có một ca tử vong (tại Sơn La). So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tăng 11,4%.

Từ tháng 1 đến 22/6/2017, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Bộ Y tế) tiếp nhận cấp cứu, điều trị 453 ca SXH. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H5N6), cúm A(H5N1) ở người. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố lại liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm.

Kết quả xét nghiệm 1.370 mẫu cho thấy: cúm A(H1N1) chiếm 9,3%, cúm A(H3N2) chiếm 2,5%, cúm B chiếm 7,9%...

Riêng đối với bệnh dại, 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 35 trường hợp tử vong (giảm 3 trường hợp so với cùng kỳ 2016). Tất cả các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch năm 2017; tổ chức hai hội nghị quốc gia, 4 hội nghị khu vực về phòng chống dịch; thành lập 145 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch (trong đó có 7 đoàn của Trung ương và khu vực). 39 tỉnh, thành phố đã tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng.

Thời gian tới, ngành Y tế chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch; kiệt toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân đảm bảo không lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị.

Đồng thời, ngành Y tế tập trung tăng tỷ lệ tiêm chủng trong cả nước, loại bỏ vùng lõm về tiêm chủng; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin viêm não; tăng cường tiếp cận điểm tiêm vắc xin phòng dại; đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời.

Ngoài ra, ngành Y tế tăng cường hoạt động truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, chiến dịch truyền thông theo mùa dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng chống dịch bệnh mùa hè, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Các gia đình nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Người dân tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ...). Đặc biệt, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục