Những bước tiến mới trên chặng đường dài

17:21' - 14/11/2021
BNEWS Sau một năm bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, COP26 được đánh giá là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quan trọng nhất kể từ COP21 năm 2015 tại Paris (Pháp).

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã kết thúc với nhiều kết quả tích cực nhưng chưa thể làm vừa lòng mọi bên, dù các phiên thảo luận đã được kéo dài thêm 1 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Sau một năm bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, COP26 được đánh giá là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quan trọng nhất kể từ COP21 năm 2015 tại Paris (Pháp), do đây là giai đoạn “bản lề” để các bên chuyển từ đàm phán sang thực hiện những mục tiêu định hình mức phát thải khí nhà kính trong tương lai.

COP26 cũng được xem là bài kiểm tra quan trọng để đánh giá mức độ đáng tin cậy của tiến trình quốc tế và Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Hoạt động của con người hiện đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và sự gia tăng nhiệt độ này cũng tỷ lệ thuận với những rủi ro đối với nhân loại và hệ sinh thái.

Để tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo thế giới cần nỗ lực hết sức duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C, và lý tưởng nhất là trong khoảng 1,5 độ C, như mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Đây là lý do hội nghị COP26 được nhiều người ví là "cơ hội vàng cuối cùng" để cứu vãn khí hậu toàn cầu.

Đúng như dự đoán, hội nghị đã phải kéo dài thời gia họp do các bên không dễ thỏa hiệp trong những vấn đề gây tranh cãi. Tối 13/11 (giờ địa phương - tức sáng 14/11, giờ Việt Nam), toàn bộ 197 bên tham gia UNFCCC đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, theo đó khẳng định quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Dấu ấn đáng kể trong Hiệp ước khí hậu Glasgow là việc lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của hội nghị khí hậu LHQ, theo đó các bên nhất trí kêu gọi “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”.

Một bước tiến khác là việc Hiệp ước yêu cầu các bên vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, “có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau", để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo Hiệp định Paris.

Hiệp ước Glasgow cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD/năm; đồng thời hối thúc các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết của các nước này.

Ngoài ra, Hiệp ước cũng thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019. Trong khi các nước phát triển chịu trách nhiệm đối với phần lớn khí thải nhà kính, các nước đang phát triển lại chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Hiệp ước khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ phù hợp, bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động này.

Tại COP26, thế giới cũng chứng kiến nhiều cam kết mạnh mẽ. Lãnh đạo 137 nước nhất trí hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030; Gần 90 quốc gia cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020; Hơn 20 quốc gia cam kết đến năm 2035 toàn bộ các ô tô và xe tải được sử dụng sẽ là xe không khí thải; Hơn 40 nước cam kết dần loại bỏ điện than; Một loạt quốc gia sẽ đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới; Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cũng ra tuyên bố chung cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

COP26 cũng chứng kiến cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng số tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và ngừng tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tại COP26, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó nêu rõ Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và truyền thông quốc tế. Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã bày tỏ ấn tượng đối với tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định đây là một cam kết giàu tham vọng và cho thấy Việt Nam thực sự đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam - Anh, ông Paul Smith, cho rằng mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Truyền thông quốc tế, như Financial Times, đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước đặt mục tiêu rõ ràng nhất về cắt giảm khí thải. Việc Việt Nam tham gia cam kết giảm phát thải methane toàn cầu và Tuyên bố Glasgow về rừng, sử dụng đất cũng thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Xét về tổng thể, hội nghị này đã ghi nhận những bước đi quan trọng và cấp thiết để giảm bớt thảm họa khí hậu.  Đánh giá về kết quả COP 26, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres coi Hiệp ước Glasgow là “một bước tiến quan trọng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tạo ra "các thành phần để kiến thiết sự tiến bộ".

Tuy nhiên, người đứng đầu LHQ cũng cho rằng bước tiến này "chưa đủ xa”, phản ánh "những mối quan ngại, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới hiện nay".

Một thực tế rõ ràng là vẫn còn “sự thất vọng lớn” khi các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, như Guinea, Maldives hay Mozambique, cho rằng họ “ra về tay trắng” bởi những gì thu được tại COP26 chỉ là “những cam kết lớn hơn” chứ không phải “những hành động thực tế và những khoản tài chính thực tế".

Fiji, Tuvalu hay quốc đảo Antigua và Barbuda ở Caribe cũng tỏ ý không hài lòng khi sáng kiến thành lập quỹ đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu mà các nước này đề xuất chưa được thông qua. Đối với các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương do biến đổi khó hậu, thiên tai để lại những hậu quả xã hội không dễ bù đắp và chữa lành.

Nhiều quốc gia đã buộc phải chấp nhận các khoản vay để giúp phục hồi sau những biến cố khắc nghiệt và điều này đã khiến họ sa lầy trong các khoản nợ khí hậu. Do đó, với các nước này, thảo luận về tài chính là "vấn đề sống còn" tại COP26.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma nêu rõ Hiệp ước Glasgow đã đặt trọng tâm "chưa từng có" vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự ấm lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu. Theo ông, Hiệp ước dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ” vì một “Hành tinh Xanh”.

Trong khi đó, bà Laurence Tubiana - một trong những “kiến trúc sư” của Hiệp định Paris 2015 và hiện là Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu khẳng định “còn rất nhiều việc phải làm” để các cam kết và tuyên bố chung được chuyển thành chính sách thực tế.

Bà hoan nghênh việc tăng gấp đôi nguồn tài chính hỗ trợ để các nước thích ứng với biến đổi khí hậu, do các tác động của biến đổi khí hậu mỗi năm lại mạnh hơn. Bà cũng thừa nhận rằng COP26 "đã không thể cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những quốc gia đang chịu đau khổ.... Tổn thất và thiệt hại sẽ phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của COP27”.

Nếu nhìn vào thất bại của COP25 thì rõ ràng kết quả của COP26 là một bước tiến tích cực. Việc hiện thực hóa những kết quả đạt được ở COP26 vẫn còn là chặng đường dài và chỉ có thể kiểm chứng ở tương lai./. 

>>>Hội nghị COP26: Các nước nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển "xanh"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục