Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật tuần qua

10:32' - 29/08/2021
BNEWS Những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nổi bật trong tuần qua (23/8-28/8).

Khuyến khích các địa phương, đơn vị tìm mua vaccine phòng COVID-19; ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; Quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo; Hà Nội có 615 điểm 'vùng xanh doanh nghiệp' vừa sản xuất, vừa chống dịch; Đà Nẵng khôi phục hoạt động 2 chợ lớn ở trung tâm thành phố … là những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nổi bật trong tuần qua (23/8-28/8).

CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ, BỘ NGÀNH

Khuyến khích các địa phương, đơn vị tìm mua vaccine phòng COVID-19

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer. Xét kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.

Xuất cấp vật tư, thiết bị cho Bộ Quốc phòng để phòng, chống dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 100 bộ nhà bạt cứu sinh và 10 bộ máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) để cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ, bão lớn tại khu vực bị dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Theo đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch…

Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai.

Tại Quyết định số 1424/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 30 bộ xuồng cao tốc, 1.461 bộ nhà bạt cứu sinh, 175.699 chiếc phao cứu sinh, 90 bộ máy bơm nước chữa cháy (đồng bộ thiết bị chữa cháy rừng), 25 bộ máy phát điện, 15 bộ thiết bị khoan cắt từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để trang bị cho các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp...

Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp...

Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 2 học viên/doanh nghiệp/năm.

Chính phủ thống nhất giảm tiền điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách, chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.

Bộ Công Thương cho biết, dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất phương án hỗ trợ giảm tiền điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện là các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, chế biến và bảo quản rau quả và các doanh nghiệp sản xuất có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn do có nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25 tháng 8 năm 2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Thông tư bổ sung Điều 1a tại Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau: Giảm 50% mức phí thanh toán tại Điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.”

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu địa phương bãi bỏ quy định cản trở lưu thông hàng hoá

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải về “Hướng dẫn tạm thời tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19".

CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội sẽ kiểm tra toàn bộ các phương tiện vận tải được cấp mã nhận diện “luồng xanh”

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ban hành văn bản hỏa tốc số 3909/SGTVT-QLVT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý di biến động của lái xe, phụ xe vận tải hàng hoá từ các vùng dịch về thành phố Hà Nội.

Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng xe ô tô vận tải quan tâm, bởi thời gian qua có khá nhiều bất cập; trong đó có cả “lách luật”, dẫn tới khó khăn trong quản lý.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị lực lượng công an, thanh tra giao thông sẽ kiểm tra toàn bộ các phương tiện được cấp mã nhận diện “luồng xanh” qua hệ thống điện thoại thông minh: Quét mã QRcode, xác định thời hạn của Giấy xét nghiệm (hiển thị trên kết quả quét mã) và thực hiện các nội dung phối hợp kiểm tra khác theo phân công tại chốt.

Hà Nội sẽ thí điểm mô hình ''Chợ đêm trên mây''

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội và Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN tổ chức khai giảng khóa tập huấn bán hàng online, livestream thứ 3; đồng thời, xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo dự kiến, ''Chợ đêm trên mây'' sẽ được Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức vào 20h30 thứ 6 hàng tuần.

Trong phiên "Chợ đêm trên mây", giá bán các sản phẩm sẽ được các chủ thể ưu đãi để khuyến khích khách hàng và khách mời kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Mục tiêu cốt lõi mà phiên chợ hướng đến là “Sản phẩm thật - Giá trị thật - Giao dịch thật”.

Triển khai thí điểm túi an sinh combo nông sản tại Tp. Hồ Chí Minh

Để góp phần giảm ùn ứ nông sản cho nông dân ở các địa phương, đồng thời giúp người dân Tp. Hồ Chí Minh được tiếp cận gói combo 10 kg nông sản giá từ 100.000-150.000 đồng, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên triển khai thí điểm túi an sinh combo nông sản tại Thành phố.

Theo Tổ công tác 970, trước mắt UBND Tp. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  phối hợp với Sở Công Thương thí điểm triển khai mô hình combo 10 kg/túi nông sản theo hình thức hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký địa điểm giao nhận hàng hóa đủ điều kiện phòng chống dịch; người mua và người bán “tự mua - bán - thanh toán” trực tiếp; ưu tiên cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp thí điểm mô hình combo 10 kg/túi được vận chuyển hàng hóa đến nơi tập trung người mua. Hoặc sau khi người mua - bán - thanh toán xong, nhờ xe của cơ quan Nhà nước đến chuyển combo từ người bán đến người mua.

Đà Nẵng khôi phục hoạt động 2 chợ lớn ở trung tâm thành phố

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh đã thống nhất về nguyên tắc cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn và cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư.

Sở Công Thương thành phố cho biết, để khôi phục cho hoạt động lại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố và các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch và chủ động quyết định; trong đó chỉ cho phép những tiểu thương không thuộc các vùng cách ly y tế và tiểu thương đang lưu trú tại xã, phường có chợ được hoạt động trở lại tham gia vào việc cung ứng.

Các Ban quản lý chợ, các hộ tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vaccine, thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ thông điệp 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá bán tại quầy hàng; bố trí các quầy, sạp bán hàng cách nhau tối thiểu 5 mét, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng; có lắp tấm che chống giọt bắn theo từng quầy sạp; tạo vạch chia khoảng cách 3m tại các vị trí chờ mua hàng trong chợ.

Cần Thơ bãi bỏ quy định phải “đăng ký trước”, thu hồi văn bản không cho xe “quá cảnh” đi trên Quốc lộ 91, 91B

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè vừa ký công văn  bãi bỏ quy định phải “đăng ký trước” trong quản lý lưu thông hàng hóa gây bức xúc cho doanh nghiệp và giới tài xế những ngày qua.

Theo đó, công văn 3591/UBND-KT của UBND thành phố Cần Thơ nêu rõ “Bãi bỏ mục 1 Công văn số 3438/UBND-KT ngày 21/8/2021 của UBND thành phố Cần Thơ về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố”.

Mục 1 của Công văn 3438 quy định: Tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh... từ các địa phương tỉnh, thành khác đến thành phố Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước. Nếu không đăng ký trước thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho phương tiện vào địa bàn thành phố Cần Thơ.

Về phân luồng, trước đó, chiều 27/8, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ có công văn số 2346 hướng dẫn phân luồng giao thông như sau: Các phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn thành Cần Thơ không đi qua Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp vật tư, thiết bị y tế...

Tuy nhiên, ngay trong sáng 28/8, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đã ký văn bản thu hồi Công văn 2346. Việc thu hồi do có những nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Bình Định chỉ bố trí vốn cho những chương trình, dự án chuẩn bị triển khai

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo, các địa phương, các chủ đầu tư là các sở, ban ngành của tỉnh đang có công trình đầu tư phải thúc đẩy tiến độ công trình cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị, hoàn thành đến thời điểm 31/12/2021. Nếu cơ quan nào, địa phương nào không thực hiện tốt để bị mất, rút vốn đầu tư công thì lãnh đạo cơ quan, địa phương đó sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Rút kinh nghiệm cho việc bố trí vốn đối với các dự án không triển khai được, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ bố trí vốn cho những chương trình, dự án chuẩn bị triển khai, tránh những trường hợp dự án được cấp vốn xong lại không triển khai được.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đến ngày 30/9 cơ bản hoàn thành nguồn vốn 2020 kéo dài và đến 31/12/2021 thì phải cơ bản hoàn thành hết nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh.

Kiên Giang quy định số người được phép làm việc đặc thù trong khung giờ

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn để phòng, chống dịch nhưng để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ và phân phối hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân, tỉnh cho phép số lượng người làm việc trực tiếp tại các đơn vị đặc thù.

Cụ thể: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, doanh nghiệp thu mua nông sản, thủy sản… tối đa là 70% trong tổng số người làm việc và được phép làm việc trong khung giờ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau với điều kiện phải đăng ký danh sách người làm việc, phương án tổ chức làm việc với huyện, thành phố để xác nhận.

Người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ nhân viên đã được đăng ký làm việc, đảm bảo an toàn tuyệt đối việc phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình hoạt động.

Long An xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất theo ba giai đoạn

Theo UBND tỉnh Long An, địa phương đang xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh theo ba giai đoạn. Theo đó, giai đoạn một là thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội; giai đoạn hai là khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã ổn định (sau giãn cách) và giai đoạn ba là khi dịch bệnh được kiểm soát để bước sang giai đoạn bình thường mới.

Ở cả ba giai đoạn, các doanh nghiệp khi hoạt động phải cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Sau 3 ngày hoạt động, phải hoàn chỉnh việc cập nhật thông tin người lao động gửi về ngành chức năng để theo dõi, quản lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục