Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật tuần từ 13-18/9

11:15' - 19/09/2021
BNEWS Trong tuần qua (từ 12 - 18/9) đã có nhiều văn bản, chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp tại các địa phương.

Bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa; Xuất cấp gạo và hàng dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh phòng, chống dịch COVID-19; Gia hạn thời gian đăng ký tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường năm 2021; Hà Nội hướng dẫn người vận chuyển hàng hóa tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19… là những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nổi bật trong tuần từ 13-18/9.

Các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành

Một tài xế trình các giấy tờ tại chốt kiểm soát. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Tại Nghị quyết 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận tải, lưu thông hàng hóa trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, thông suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch COVID-19;

Xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, yêu cầu các cơ quan, địa phương bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định không phù hợp, làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xử lý và công bố công khai. Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo việc này.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố về việc triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến tổ chức giao thông, kiểm soát dịch COVID-19 đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo UBND tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương bãi bỏ các văn bản, quy định có những "cách làm riêng" trong phòng dịch đối với vận tải hàng hóa bằng xe ô tô chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg và Công điện số 12/CĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Về việc xuất cấp gạo và hàng dự trữ quốc gia cho 3 tỉnh phòng, chống dịch COVID-19, tại Quyết định số 1499/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 208,875 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021.

Tại Quyết định số 1500/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền nhà bạt, máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho UBND các tỉnh Bình Phước, Sóc Trăng để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với số lượng mỗi tỉnh được xuất cấp 30 bộ nhà bạt (gồm 10 bộ loại 16,5 m2 và 20 bộ loại 24,75 m2), 2 bộ máy phát điện loại 30 KVA.

Cũng liên quan việc đấu thầu gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn số 215/QLG - NLTS đề nghị các công ty sản xuất, kinh doanh lương thực cung cấp báo giá gạo sản xuất năm 2021 tại thời điểm hiện nay, nhằm phục vụ xuất cấp gạo để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ triển khai mua gạo đưa vào dự trữ quốc gia trong thời gian tới với 3 gói thầu, gồm 2 gói 25.000 tấn và 1 gói 25.413 tấn.

Cục Quản lý giá đề nghị các công ty sản xuất, kinh doanh lương thực chào giá bán gạo đối với loại gạo sản xuất năm 2021 tiêu chuẩn 15% tấm, chất lượng gạo xuất kho dự trữ quốc gia quy định tại quy chuẩn QCVN06: 2019/BTC Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia ban hành theo thông tư số 78/2014/TT BTC ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Giá bao gồm chi phí bao bì, bốc vác lên phương tiện bên mua, giám định, có thuế giá trị gia tăng. Điều kiện gạo tồn kho để các công ty tham gia các gói thầu trên là phải có số lượng tồn kho tối thiểu 30.000 tấn/gói thầu đang nằm trong kho của công ty ký hợp đồng bán gạo.

Thời gian giao hàng theo yêu cầu của Bộ Tài chính đến trung tâm các huyện thị của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau tối đa 15 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Và sẽ thanh toán theo tiến độ giao hàng.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-NHNN về hoàn phí giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Quyết định nêu rõ, hoàn phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các giao dịch thực hiện giải ngân cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Chương X Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Liên quan đến việc gia hạn thời gian đăng ký tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường năm 2021, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 của Bộ Công Thương đã gia hạn thời gian chính thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của các thương nhân đến 17h00 ngày 22/9/2021.

Trước đó, ngày 6/9/2021, Hội đồng đấu giá đã thông báo về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 108.000 tấn đường năm 2021 và chính thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của các thương nhân kể từ 8h00 ngày 3/9/2021 đến 17h00 ngày 17/9/2021.

Tuy nhiên, do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển bưu kiện, bưu phẩm gặp nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển bị kéo dài.

Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức tại Phòng họp Trụ sở Bộ Công Thương tại địa chỉ: số 23 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào 8 giờ 30 ngày 29/9/2021.

Ngoài ra, trong tuần qua, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa với thời gian thực hiện thí điểm 4 tuần. Cụ thể, trong kế hoạch này, Cục Hàng không Việt Nam phân 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước thành 3 nhóm A, B, C.

Trong đó, nhóm A là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Nhóm B là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Nhóm C là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Các chính sách, giải pháp hỗ trợ của địa phương

Trong tuần từ 13-19/9, một số tỉnh, thành phố đã có những đề xuất, văn bản quy định, giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn.

Cụ thể, tại Hà Nội, từ ngày 16/9, Hà Nội đã mở lại một số dịch vụ thiết yếu như kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về; văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập... tại các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 03/9/2011 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc cộng đồng từ ngày 6/9 đến nay, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động trở lại và người dân, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố cho phép xe mô tô, xe hai bánh được hoạt động vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện và hàng hoá thiết yếu bao gồm: xe có sử dụng phần mềm ứng dụng kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động tại địa bàn 19 quận, huyện vùng xanh. Thời gian hoạt động từ 9-21 giờ hàng ngày.

Tuy nhiên, các nhân viên giao hàng phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID – 19, khi vận chuyển, giao, nhận hàng hóa phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT - PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 còn thời hạn theo quy định của ngành y tế.

Đồng thời, chủ động khai báo y tế qua website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi ra đường tham gia giao thông và xuất trình thêm căn cước công dân, chứng minh nhân dân khi được kiểm tra.

Thêm vào đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã ban hành Văn bản số 3491/SCT-QLTM về việc tuân thủ các quy định vận chuyển hàng hóa bằng mô tô, xe hai bánh đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương.

Sở Công Thương Hà Nội phối hợp thực hiện cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương trong vùng 1 để được thuận lợi cung ứng, lưu thông hàng hóa, phục vụ an sinh xã hội trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Cụ thể, Sở thông báo, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên giao hàng được cấp giấy đi đường có nhận diện không làm thêm bên ngoài, không nhận chuyển hàng của các doanh nghiệp khác, nhóm giao hàng trên ứng dụng mạng xã hội…

Tại Tp. Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hỗ trợ thành phố 17.234 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án trọng điểm, cấp bách gồm: dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, cải tạo kênh Hy Vọng và tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đã và đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đảm bảo kinh phí cho việc phòng, chống dịch COVID-19 nên việc phân bổ nguồn vốn cho các dự án đầu tư công gặp rất nhiều khó khăn.

Qua rà soát, thành phố xác định 3 dự án nêu trên có tính chất trọng điểm, cấp bách trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị cần ưu tiên triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, chỉnh trang đô thị và tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn tại các “vùng xanh” từ nay đến hết ngày 30/9.

Theo đó, các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp nằm trong các địa phương kiểm soát được dịch bệnh an toàn gồm: Quận 7 và huyện Củ Chi sẽ được thí điểm lựa chọn phương thức hoạt động sản xuất an toàn cụ thể sau.

Tại Quận 7, các doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận có thể áp dụng 1 trong 3 phương thức sản xuất là "4 xanh" (tức người lao động xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh), "3 tại chỗ" (tức sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) hoặc kết hợp giữa "4 xanh" và "3 tại chỗ".

Tại huyện Củ Chi, các doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi từ nay đến ngày 23/9 được lựa chọn 1 trong 2 phương thức sản xuất an toàn là "4 xanh" hoặc "3 tại chỗ". Các doanh nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục hoạt động và được phép giảm hoặc bổ sung người lao động. Sau ngày 23/9, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố sẽ xem xét đánh giá để áp dụng kéo dài thí điểm đến 30/9.

Tại Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18/9 nhằm giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp đã đóng cửa từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội đang mong muốn được hoạt động trở lại;

Đồng thời, phù hợp với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" tập trung sang một hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Việc tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18/9 được UBND thành phố Cần Thơ chia làm 3 giai đoạn triển khai.

Giai đoạn 1, khi các doanh nghiệp có đề án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch được cơ quan có thẩm quyền quản lý phê duyệt (Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp phê duyệt đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Sở Công thương phê duyệt đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có trên 100 lao động, UBND quận, huyện phê duyệt đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp dưới 100 lao động và các hộ kinh doanh cá thể,...).

Khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố ngày càng tốt hơn, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể mở rộng thêm trong giai đoạn 2 (trừ các ngành nghề, lĩnh vực: vui chơi giải trí, trò chơi điện tử, quán bar, vũ trường,...và những lĩnh vực chưa thiết yếu).

Trong giai đoạn 3, sẽ cho phép tất cả các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trở lại khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất ít mỗi ngày, liên tục từ 14 ngày trở lên chỉ ghi nhận từ 1 - 2 ca mắc COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục