Những con đường bền hơn gấp 3 lần nhờ nhựa tái chế

14:51' - 30/07/2018
BNEWS Mới đây, Toby McCartney tại Scotland cùng 2 người bạn đã tạo ra một loại hỗn hợp nhựa mới được cho là có thể làm nên những con đường chắc chắn và bền vững hơn nhiều so với vật liệu thông thường.

Điều thú vị là hợp chất này là sản phẩm tái chế từ những vật dụng nhựa đã qua sử dụng. Vì vậy dự án của McCartney được cho là mang lại giải pháp cho hai vấn đề lớn trên thế giới. Một mặt vừa giúp giải quyết vấn nạn rác thải nhựa tràn lan gây ô nhiễm môi sinh, mặt khác giúp cải thiện chất lượng các tuyến đường giao thông trên thế giới.

Loại hợp chất này được cô lại thành những viên nhỏ và được dùng thay thế cho khoảng 20% lượng nhựa đường thường được trải trên bề mặt các con đường. Mỗi tấn nhựa đường kết hợp theo công thức này giúp "giải quyết" được khoảng 20.000 chai nhựa sử dụng một lần hoặc khoảng 70.000 túi nilon sử dụng một lần.

Theo McCartney, cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra một loại nhựa đường bền hơn. McCarrtney cũng khẳng định những đoạn đường được làm từ cách kết hợp này bền hơn 60% so với đường truyền thống.

Trong khi đó, các kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy những con đường này có tuổi thọ cao gấp 3 lần so với đường được làm từ các vật liệu truyền thống.

Cho tới nay, công ty của McCartney là MacRebur Plastic Roads Company đã cung cấp những viên nhựa này cho các việc xây dựng các con đường ở Anh và các nước vùng Vịnh cũng như ở Canada, Australia và New Zealand.

Ý tưởng của McCartney nảy ra từ khi anh du lịch tới miền Nam Ấn Độ và nhận thấy người dân ở đây chất các đống to nhựa phế thải vào các hốc sâu và đốt cháy chúng cho tới khi chảy ra và bịt chặt những hốc sâu này.

Trên thực tế, phương pháp sử dụng nhựa phế thải trong thi công làm đường từng được áp dụng tại Ấn Độ theo một qui trình mà giáo sư hóa học Rajagopalan Vasudevan phát triển.

Theo cách làm này, nhựa được cắt nhỏ và rải đều trên bề mặt đá nóng tạo thành một lớp "áo phủ" mỏng trước khi được trộn với nhựa đường tạo ra hỗn hợp có độ kết dính cao.

Cho tới nay phương pháp này đã được áp dụng với khoảng 100.000 km đường trênn toàn Ấn Độ. Tới năm 2015, Bộ Giao thông Ấn Độ đã yêu cầu tất cả các công trình làm đường phải sử dụng nhựa phế thải nhưng qui định này không dược thực hiện đồng đều ở tất cả các bang

McCartney và nhóm bạn khẳng định những hạt nhựa dùng để làm đường sẽ không bị nước mưa xối đi và trôi về sông suối bởi chúng được kết dính chặt chẽ trong lớp nhựa đường.

Nhóm cũng khẳng định qui trình nấu chảy nhựa không dùng các loại nhựa như PET hay PVC và cũng được thực hiện ở mức nhiệt thích hợp đảm bảo không có khói độc hại bị xả ra môi trường. Với nhóm của McCartney, nhựa là một chất liệu tuyệt vời vì tính bền của chúng.

Vì vậy, nếu bị lãng phí, rác thải sẽ gây ra nhiều vấn đề nan giải về môi trường./.

>>> Sản phẩm tái chế của Myanmar thu hút khách du lịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục