Những “cú sốc” đáng nhớ đối với các thị trường toàn cầu trong năm 2016

09:07' - 24/12/2016
BNEWS Năm 2016, bên cạnh những biến động chính trị bất thường, thị trường tài chính - tiền tệ cũng góp phần không nhỏ vào các mối quan ngại của các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.
Những “cú sốc” đáng nhớ đối với các thị trường toàn cầu trong năm 2016. Ảnh: EPA

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ và đồng bảng Anh đã trải qua những thời khắc đáng nhớ.

Sau đây chúng ta cùng điểm lại ba sự kiện khiến các thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu xáo động cực mạnh trong một ngày trong năm 2016.
Sự kiện đầu tiên diễn ra ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2016 (4/1/2016), chỉ số chứng khoán Shanghai (SCI) khi đó đã rơi tự do, giảm tới 6,9%.

Chỉ số chứng khoán Thâm Quyến để mất tới 8,2% trong một ngày giao dịch được cho là tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2007. Đến cuối tháng 1/2016, chỉ số SCI đã giảm 23%.

Đây có thể chỉ là “dư chấn” của những bất ổn trong năm 2015, song một điều không thể phủ nhận là những xáo động đầu năm ở Trung Quốc đã khởi đầu cho làn sóng bán mạnh cổ phiếu trên nhiều thị trường khác, từ London tới New York, cũng như thiết lập xu hướng biến động mạnh trên các thị chứng khoán toàn cầu trong suốt một năm qua.

“Cú sốc” thứ hai là sự rớt giá mạnh của đồng bảng Anh.

Trong năm 2016, đồng bảng Anh đã trải qua hai lần mất giá lớn. Đây là điều hiếm gặp đối với một đồng tiền mạnh.

Lần rớt giá mạnh đầu tiên diễn ra vào ngày 24/6, sau khi Anh công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy người dân nước này bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tại thời điểm kết quả kiểm phiếu xác nhận quyết định Brexit, đồng bảng Anh đã giảm 11,1%, xuống còn 1,3224 USD/bảng, mức thấp nhất trong 31 năm.

Điều này cho thấy sự bất an của giới đầu tư đối với tương lai của nước Anh khi đứng ngoài EU.

Trong ba tháng sau đó, đồng bảng Anh dao động quanh mức 1,28-1,33 USD/bảng.

Tuy nhiên, ngay sau khi thị trường châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 7/10, chỉ trong vòng hai phút, đồng bảng Anh đã bất ngờ giảm từ 1,26 USD/bảng xuống còn 1,18 USD/bảng, trong bối cảnh đồng bảng chịu nhiều sức ép kể từ sau khi Thủ tướng May tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3/2017.

Dù rằng sau đó thị trường phục hồi lên mức 1,24 USD/bảng, uy tín của đồng bảng Anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện nay, một đồng tiền tăng giá hay mất giá mạnh không phải là điều quá bất ngờ.

Tuy nhiên, hiện tượng một đồng tiền mạnh của thế giới bị mất giá lớn trong một khoảng thời gian ngắn lại là điều ít thấy.

Sự kiện thứ ba gắn với chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Thị trường kỳ hạn của chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 800 điểm, trong khi giao dịch của chỉ số S&P 500 bị tạm ngưng, sau khi chỉ số này giảm tới 5%.

Giới đầu tư lo ngại các cam kết bảo hộ kinh tế của ông Trump sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại và gây thiệt hại về kinh tế.

Tuy nhiên, rốt cuộc, thị trường đã tin rằng ông Trump sẽ không đối đầu với các đối tác thương mại toàn cầu, các chính sách của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời chủ trương nới lỏng các quy định kinh doanh của ông Trump cũng sẽ hỗ trợ nhiều ngành như ngân hàng hay y tế.

Đến ngày 9/11, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,1%, khởi đầu cho chuỗi ngày tăng giá và liên tục thiết lập các kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Mỹ.

Carl Icahn, nhà đầu tư tỷ phú và cố vấn cho ông Donald Trump, đã sớm rời bữa tiệc mừng chiến thắng của ông Trump để quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào cổ phiếu.

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CNBC, ông cho biết điều hối tiếc duy nhất là ông đã không mua nhiều cổ phiếu hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục