Những dấu ấn kinh tế của Hà Nội sau 15 năm mở rộng

13:09' - 30/07/2023
BNEWS Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước.

15 năm trôi qua, kể từ ngày thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII (1/8/2008 - 1/8/2023), mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến đã thay da đổi thịt rõ nét. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng tương xứng với tầm vóc mới. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ năm 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao, no ấm và hạnh phúc hơn, góp phần tạo nên một Hà Nội năng động, tràn đầy sức sống.

 

* Giữ vai trò đầu tàu về kinh tế

Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm). Quy mô GRDP năm 2022 đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (tương đương khoảng 5.950 USD), gấp 1,45 lần cả nước, gấp 3,5-3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - tương đương khoảng 1.697 USD).

Đặc biệt, sau dịch bệnh COVID-19, kinh tế thủ đô phục hồi và phát triển nhanh. Năm 2022, GRDP trên địa bàn Hà Nội đã tăng 8,89% so với năm 2021 (vượt kế hoạch đề ra là từ 7,0% đến 7,5%), hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, với 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 333 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán (trong đó, thu nội địa đạt 303 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước). 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ bình quân GRDP đạt 5,97%, cao hơn 1,6 lần so với mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hàng năm 11,04%.

So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Năm 2022, toàn thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 10,3% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội đạt 2.265 triệu USD vốn FDI.

Hoạt động thương mại của Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021-2022 tăng 9,3%. Quy mô giá trị Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 vẫn tăng cao hơn giai đoạn trước với mức tăng bình quân 7,67% so với mức tăng 5,25% của giai đoạn 2011-2015. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2022 tăng trưởng bình quân đạt 6,16%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt hơn 17 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần năm 2010.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư và gắn bó với Thủ đô, góp phần thúc đẩy kinh tế, phát triển thành phố ngày càng văn minh và hiện đại.

* Phát triển làng nghề, thúc đẩy kinh tế địa phương

Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, Hà Nội đã có nhiều cơ chế hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển làng nghề, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thủ đô. Trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cơ sở công nghiệp nông thôn trên 235,2 tỷ đồng. Thông qua chương trình khuyến công của Hà Nội, trên 3.790 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố được thụ hưởng chính sách khuyến công.

Dưới sự hỗ trợ từ nhiều mặt của thành phố, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương, quy mô sản xuất nhiều làng nghề được mở rộng và phát triển. Các cụm công nghiệp được hình thành, tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp, hộ làng nghề sản xuất tập trung. Nhiều hộ sản xuất đã đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, trang thiết bị máy móc, tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời tăng năng suất lao động. Nhờ đó, các làng nghề của Hà Nội tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh.

Với sự hỗ trợ, đầu tư của thành phố Hà Nội, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng bình quân đạt trên 6 - 8%/năm. Thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Đặc biệt, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong giai đoạn 2012 - 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 4 kỳ bình chọn (năm 2015, 2017, 2019, 2021) và công nhận 180 sản phẩm, bộ sản phẩm là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội”.

Có thể thấy, việc đầu tư phát triển, mở rộng các ngành nghề truyền thống đã giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương, tạo nguồn thu ngân sách, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, góp phần gia tăng khối lượng hàng hoá bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

* Dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới

15 năm mở rộng địa giới hành chính cũng là quãng thời gian Hà Nội bắt tay vào nhân rộng phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xóa dần khoảng cách giữa giữa thành thị và nông thôn. Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn đối với phát triển thủ đô, trong suốt 3 nhiệm kỳ gần đây (2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025), Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác toàn khóa hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ thành phố đến cơ sở, đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước; hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả...

100% các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. 95% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải. 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa.

Bộ mặt nhiều vùng nông thôn Hà Nội khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp, cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm, gìn giữ. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú từ vùng nội đô tới vùng ven đô, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, no ấm và hạnh phúc hơn, góp phần tạo nên một Hà Nội năng động, tràn đầy sức sống.

Mới đây, ngày 21/4/2023, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đánh giá cao thành tích của Hà Nội, đồng thời cho rằng, nông thôn thủ đô đã và đang khơi dậy sức sống mới, năng động và ngày càng văn minh…

Để phát triển ngành nông nghiệp Hà Nội trong thời gian tới, thành phố đang sớm hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực; cùng với những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bài bản để có những bước đột phá vượt bậc. Các cơ chế, chính sách hướng về cơ sở, hướng về người dân đi vào thực tiễn, hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc về kinh tế và nông thôn Hà Nội trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục