Những điểm mới trong lễ hội gò Đống Đa năm 2019

21:46' - 08/02/2019
BNEWS Hằng năm, cứ vào Mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Hà Nội lại diễn ra Lễ hội gò Đống Đa. Đây là sự kiện gắn với chiến thắng của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ trước quân xâm lược nhà Thanh.
Quang cảnh Lễ hội Gò Đống Đa 2018. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Năm 2019, kỷ niệm 230 năm chiến thắng này, Lễ hội gò Đống Đa sẽ được tổ chức sôi nổi hơn. Đến với Lễ hội không chỉ để tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn, biểu thị lòng tôn kính những người anh hùng áo vải cờ đào mà còn là dịp để trở về với truyền thống, những giá trị văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức hằng năm tại Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Ngoài những nét văn hóa khá tương đồng với lễ hội Tây Sơn Thượng đạo (An Khê - Gia Lai), Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định), lễ hội gò Đống Đa có những điểm khác biệt rất độc đáo và hấp dẫn.

Lễ hội luôn có những nghi lễ truyền thống đặc biệt, cờ hoa rực rỡ, sắc phục lộng lẫy rợp trời, chiêng trống thôi thúc xung trận, làm sống lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, làm náo nhiệt cả thủ đô Hà Nội.

Sau phần dâng lễ (thường là cỗ xôi yến tầng, mâm đầu lợn, mâm con gà, trầu rượu…), ngũ bái tam khấu đầu (nghi lễ tế vua), đánh 2 hồi trống chuông xin phép các thần linh, vua chúa, tướng lĩnh là vào phần hội.

Phần hội thường có những nội dung chính như: đánh trống hiệu lệnh của nghĩa quân Tây Sơn, tổ chức rước rồng lửa, đọc diễn văn, đọc những câu nói nổi tiếng của vua Quang Trung như: “… Đánh cho nó chính luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Ngoài ra, trong phần hội còn có biểu diễn múa rồng, múa lân, múa võ cổ truyền, múa côn quyền, múa gậy đánh đuổi giặc ngoại xâm…

Sau phần hội, người dân vào chùa Đồng Quang (đối diện gò Đống Đa), chùa Bộc (gần đền thờ vua Quang Trung) phát tâm thiện nguyện.

Hội gò Đống Đa đã có từ rất lâu đời, tuy nhiên đến năm 1962, Nhà nước công nhận gò Đống Đa là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia thì các hoạt động văn hóa có thêm điều kiện phát triển bài bản.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-1989), Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập Công viên Văn hóa Đống Đa.

Từ đó đến nay, các công trình ở gò Đống Đa lần lượt được trùng tu, tôn tạo, xây dựng kiên cố, khang trang và các hoạt động văn hóa, thể thao, tâm linh phát triển mạnh mẽ hơn…

Năm 2019, lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa sẽ diễn ra từ 6h đến 21h ngày 9-2 tức Mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, tại công viên văn hóa Đống Đa.

Bên cạnh hoạt động chính, lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa còn có nhiều hoạt động như: tuyên truyền về chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ; giới thiệu về di tích lịch sử Gò Đống Đa; triển lãm thời kỳ Tây Sơn; tổ chức cho học sinh tiểu học và THCS đến tham quan, học tập tại công viên văn hóa Đống Đa...

 Tái hiện lại bối cảnh giặc Thanh chiếm thành Thăng Long. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa cách đây 230 năm (1789-2019), dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã đánh tan hơn 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Chiến thắng này có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Giá trị lịch sử của chiến thắng vẻ vang này mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam trân trọng, giữ gìn và luôn coi là một biểu tượng sáng chói của tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc trong công cuộc bảo vệ đất nước hôm nay và mai sau.

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, là nghệ thuật tác chiến chiến lược và trong riêng từng trận đánh và chính là nghệ thuật “chính, kỳ” cổ điển.

Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đập tan âm mưu xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Thanh mà tiêu biểu là Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập, tự do ngàn đời của nhân dân ta, là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường, là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta./.

>>> Hành trình trẩy hội Chùa Hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục