Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

10:30' - 26/05/2022
BNEWS Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều nước trên toàn cầu. Hiện ghi nhận 237 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ tại 19 nước.

Đáng chú ý, nhiều nước không thuộc khu vực Tây và Trung Phi - vốn là nơi bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành.

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều nước trên toàn cầu

Anh là nước đầu tiên ghi nhận đợt bùng phát đậu mùa khỉ. Cơ quan an ninh sức khỏe Anh ngày 23/5 cho biết vùng England đã ghi nhận thêm 36 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, đưa tổng số ca mắc bệnh này tại vùng England kể từ ngày 7/5 lên 56 ca.

Ngoài Anh và một số nước châu Âu, Mỹ, Canada và Australia, Israel cũng đã ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều trường hợp trong số đó là nam giới có quan hệ đồng giới.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã ghi nhận 237 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ tại 19 nước - những nơi thường không ghi nhân căn bệnh này. Cơ quan này cho rằng sắp tới, các ca nhiễm sẽ xuất hiện nhiều hơn khi mở rộng giám sát.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người này đến người khác thông qua tiếp xúc gần, kể cả qua đường tình dục.

Ngoài ra, bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây lan qua tiếp xúc gần với da của người bệnh hoặc qua việc chạm vào quần áo, khăn tắm hoặc giường của người bị bệnh đậu mùa khỉ.

Điều khiến các chuyên gia hiện nay lo lắng là virus lây lan một cách bất thường tại những nơi nó không lưu hành trước đây. Có hai chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%.

Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh. Hiện các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa Tây Phi.

Đậu mùa khỉ trước đây không nằm trong nhóm bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các đợt bùng phát gần đây có thể là bằng chứng cho thấy virus có đặc tính này.

Theo Giáo sư Hunter (Trường Y Norwich thuộc trường Đại học East Anglia, Anh), trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ bị nặng hơn, điển hình là tại châu Phi, nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh nặng hơn người lớn.

Chuyên gia Anh nhấn mạnh đây không phải là căn bệnh dễ lây lan, vì vậy, có thể không gây nhiều rủi ro cho dân chúng dù rằng số ca mắc có thể tăng lên trong những tuần tới. Chắc chắn với một bộ phận người dân có nguy cơ, vẫn cần biện pháp quản lý thích hợp khi họ tiếp xúc với ca bệnh.

Bỉ trở thành nước đầu tiên trên thế giới quy định cách ly người bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày, sau khi ghi nhận ba ca nhiễm.

Theo Cơ quan y tế Bỉ, người nhiễm virus sẽ phải cách ly trong vòng ba tuần kể từ khi được xác nhận dương tính. Các trường hợp tiếp xúc gần không bắt buộc tự cách ly, song giới chức yêu cầu nhóm này hết sức cảnh giác, đặc biệt nếu họ ở cạnh những người dễ bị tổn thương.

Bà Sylvie Briand - Giám đốc của WHO, xác nhận sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là "không bình thường", nhưng bà Briand nhấn mạnh bệnh "có thể kiểm soát được" vì đã có vaccine và phương pháp điều trị.

Nhà chức trách Pháp khuyến cáo tất cả những người lớn thuộc dạng có nguy cơ - đã từng tiếp xúc với người nhiễm đậu mùa khỉ và các nhân viên y tế tiếp xúc với người nhiễm - nên tiêm vaccine. Đan Mạch cũng đưa ra khuyến cáo tương tự sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm.

Hiện nay công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch là đơn vị duy nhất cung cấp vaccine chống lại bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Công ty cho biết rất nhiều quốc gia đang tiếp cận công ty để mua vaccine với số lượng từ vài trăm đến hàng nghìn liều.

Việt Nam đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này

Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết các đơn vị chức năng vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan.

Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh. Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục