Những điều cần biết về biến thể mới của virus SARS-CoV-2

15:09' - 28/01/2021
BNEWS Ba biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã dấy lên lo ngại cho cộng đồng thế giới về tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Ba biến thể mới của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) thường được nhắc đến gần đây là các biến thể được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Nhật Bản (có nguồn gốc từ Brazil).

Đột biến đầu tiên được phát hiện ở Anh, chính xác là ở miền Đông Nam nước Anh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được thông báo về phát hiện này vào ngày 14/12/2020.

Chủng thứ hai đã được phát hiện ở Nam Phi, được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 18/12/2020 cho WHO. Đột biến mới nhất được tìm thấy ở Nhật Bản. Quốc gia này đã thông báo cho WHO về sự xuất hiện của biến thể mới của virus này, vào ngày 10/1/2021.

Các biến thể của Anh và Nam Phi đã được phát triển ở một số quốc gia. Theo WHO, chủng của Anh hiện đang phát tán ở 50 nước/bang và biến thể Nam Phi đã được tìm thấy ở 20 quốc gia.

Cho đến nay, các biến thể mới này vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật.

GS.BS Anne Goffard ở Bệnh viện khu vực Đại học Lille (Pháp) cho biết có nhiều thông tin nói về chúng nhưng không phải thông tin nào cũng có chứng cứ khoa học vững chắc.

Giới khoa học biết được bao nhiêu về các biến thể?

Biến thể ở Anh, VUI202012/01, được phát hiện ở Anh vào tháng 11/2020 nhưng kết quả điều tra cho thấy biến thể đã phát tán từ tháng 9/2020, sau đó chiếm lĩnh ở Anh rồi đến nay làm mưa làm gió ở ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ (theo WHO).

Biến thể thứ hai, 501.V2, được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 10/2020, lây lan nhanh chóng nhưng chậm hơn biến thể ở Anh và đã có mặt tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sở dĩ hai biến thể này "giành dân lấn đất" quá hung hãn vì khả năng lây nhiễm tăng lên.

Cuối cùng, biến thể thứ ba được phát hiện ở Nhật từ các du khách đến từ bang Amazonas (Brazil). Dữ liệu về biến thể này vẫn còn chắp vá.

Hai biến thể ở Anh và Nam Phi có khoảng 10 đột biến liên quan đến gen sản sinh glycoprotein của protein S trên bề mặt virus giữ vai trò chìa khóa mở cửa cho virus xâm nhập tế bào thông qua thụ thể ACE-2.

Một số đột biến của protein S là đặc điểm chung của hai biến thể. Ví dụ như đột biến N501Y là tác nhân gây ra tính lây nhiễm cao nhất đối với người.

Ngoài ra, biến thể ở Anh còn mang một đột biến mất đoạn làm mất một đoạn gen của protein S nên ban đầu một số xét nghiệm Real-time PCR không phát hiện ra chúng.

Các xét nghiệm hiện nay là xét nghiệm cùng lúc nhiều đột biến (multiplex) nên kết quả xét nghiệm chẩn đoán đáng tin cậy hơn.

Biến thể Nam Phi có một đột biến đáng lo ngại gọi là đột biến E484K giúp biến thể có thể tránh né vaccine COVID-19 (đột biến từng được phát hiện trong các biến thể làm bệnh nhân COVID-19 tái nhiễm).

Song cần lưu ý đến nay không có bằng chứng khoa học nào chứng minh các loại vắc xin đang được tiêm chủng vô hiệu đối với chúng.

Tác động của ba biến thể là gì?

Trái với những gì được công bố ban đầu, các biến thể mới không tấn công một nhóm tuổi cụ thể nào. Chúng lây nhiễm cho tất cả mọi người theo cùng một cách nhưng dễ lây lan hơn nên tỉ lệ người nhiễm cao hơn. Điều tương đối yên tâm là chúng không gây ra các dạng bệnh nặng hơn.

Hai biến thể ở Anh và Nam Phi có các điểm chung và các điểm khác biệt, như vậy chúng tương cận với nhau. Dù vậy không nhất thiết chúng có chung nguồn gốc là các điều kiện môi trường giống nhau thúc đẩy chúng có đột biến giống nhau xuất hiện. Cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để giải đáp vấn đề này.

Biến thể Brazil cũng mang đột biến N501Y và đột biến E484K nhưng chúng ta có quá ít thông tin khoa học đáng tin cậy để kết luận gì về hậu quả của biến thể.

Một điều chắc chắn là càng nhiều SARS-CoV-2 lưu hành trên thế giới thì càng có nhiều biến thể xuất hiện. Điều này sẽ gây khó khăn thêm cho công tác quản lý dịch bệnh.

Vì lẽ đó, điều quan trọng là hạn chế biến thể virus mới lưu thông bằng cách tôn trọng giãn cách xã hội và tiêm chủng vắc xin càng sớm càng tốt. Cuối cùng là cần thường xuyên giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể mới xuất hiện.

Biện pháp phòng chống dịch COVID-19 người dân cần biết:

- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).

- Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.

- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.

- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.

- Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

- Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.

- Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.

- Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục