Những điều chưa biết về FTA Nhật Bản-EU

07:00' - 13/08/2018
BNEWS Việc Nhật Bản-EU ký kết FTA sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới với khoảng 600 triệu dân.
Thỏa thuận tự do thương mại Nhật Bản - EU sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân. TTXVN phát
Sau 5 năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã chính thức khép lại các cuộc đàm phán thương mại bằng việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA). Theo đó, thương mại giữa hai bên sẽ được tăng cường trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.

Việc Nhật Bản-EU ký kết FTA sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới với khoảng 600 triệu dân. 

* Nhật Bản - EU ký thỏa thuận tự do thương mại 

Ngày 17/7/2018, các nhà lãnh đạo EU và Nhật Bản đã gặp nhau và ký kết thỏa thuận thương mại tự do. 

Lễ ký diễn ra tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. 

Tuy nhiên sau khi ký kết, cơ quan lập pháp hai bên sẽ phải phê chuẩn để thỏa thuận này có hiệu lực vào cuối tháng 3-2019 - thời điểm dự kiến Anh sẽ chính thức rời EU hay còn được gọi là Brexit. 

Sau khi Nhật Bản và EU ký kết FTA, các nhà lãnh đạo hai bên cũng như lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã lên tiếng hoan nghênh. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận thương mại tự do này là một "thông điệp rõ ràng" chống chủ nghĩa bảo hộ. Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết tại Tokyo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ". 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker cho rằng với việc ký thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đang phát đi thông điệp về thương mại tự do và công bằng, và các bên trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác. 

Thỏa thuận FTA được ký trong bối cảnh cả EU và Nhật Bản, những đồng minh lâu đời của Mỹ, đều nằm trong danh sách các nước và khu vực bị Washington áp thuế mới. Theo ông Juncker, thỏa thuận này cho thấy thương mại không chỉ là thuế quan và rào cản, mà nó là giá trị. Ông khẳng định "không có sự bảo hộ trong chủ nghĩa bảo hộ". 

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mô tả thỏa thuận FTA mới được ký cho thấy những ưu điểm của thương mại tự do vượt trội chủ nghĩa bảo hộ. 

Các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã hoan nghênh thỏa thuận thương mại tự do vừa được EU và Nhật Bản ký kết, cho rằng sự kiện này nhằm gửi thông điệp đến thế giới về tầm quan trọng của tự do thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. 

Phát biểu với phóng viên sau khi tham dự lễ ký kết tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe ở thủ đô Tokyo, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản Hiroaki Nakanishi (Hi-ro-a-ki Na-ca-ni-si) nhấn mạnh FTA giữa EU và Nhật Bản là thành tựu rất lớn trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. 

Trong khi đó, Yoshimitsu Kobayashi, Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận trên vào thời điểm các văn kiện thương mại đa phương khác đang đối với mặt với nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ. 

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Nhật Bản Akio Mimura trong một tuyên bố nhận định rằng việc EU dỡ bỏ các mức thuế đối với hàng hóa từ Nhật Bản sẽ góp phần cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có hàng hóa xuất khẩu sang EU. 

* Tác động tích cực tới kinh tế các quốc gia thành viên 

Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại tự do song phương từ năm 2013. Hai bên đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-EU vào tháng 7-2017 và nhất trí đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12-2017. 

Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU, trong đó có 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp. Điều này sẽ giúp các sản phẩm bơ sữa, pho-mát, rượu vang, các sản phẩm nông nghiệp, thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản. Đổi lại, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ôtô, phụ tùng là sau 8 năm và máy thu hình là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực. Đồng thời, EU cũng dỡ bỏ thuế đối với rượu sake và trà xanh của Nhật Bản. 

Việc Nhật Bản-EU ký kết FTA sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới với khoảng 600 triệu dân. Cũng cần phải nói thêm rằng cả EU và Nhật Bản đều đang tham gia tích cực vào các liên minh thương mại lớn nhất hiện nay. Cụ thể, EU trong những năm gần đây đang tích cực đàm phán với Mỹ về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tiếp tục các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Còn Nhật Bản đang tham gia TPP, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) hứa hẹn sẽ được ký kết trong năm nay. Do vậy, việc ra đời của hiệp định đối tác thương mại mới giữa hai “người chơi” chính và quan trọng trong nền kinh tế thế giới sẽ có tác động tích cực tới thương mại quốc tế. 

FTA giữa EU và Nhật Bản sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho nền kinh tế các quốc gia thành viên khi EU là đối tác thương mại quan trọng thứ 3 của Nhật Bản và Nhật Bản xếp vị trí thứ 6 về trao đổi thương mại với EU. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và EU đạt khoảng 125 tỷ euro (148,69 tỷ USD)/năm. Với EU, sau khi gỡ bỏ các rào cản thương mại, theo ước tính sơ bộ, lượng hàng xuất khẩu của các nước EU sang Nhật Bản với thị trường hơn 126 triệu dân và GDP 5.405 tỷ USD sẽ tăng thêm 30%. Các công ty châu Âu sẽ được tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hóa cho 48 thành phố lớn của Nhật Bản và tất nhiên là các công ty này sẽ được gỡ bỏ các rào cản tại thị trường Nhật Bản trong việc cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. 

Ngược lại, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU sẽ tăng 23,5%, mang lại nhiều cơ hội và việc làm hơn. Nhận xét về ý nghĩa của FTA giữa EU và Nhật Bản, ông Sugawara Junichi, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho cho rằng việc Nhật Bản được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường EU, với gần 500 triệu dân và tổng GDP toàn khối lên tới 16.000 tỷ USD, và sự liên kết kinh tế khổng lồ EU - Nhật Bản sẽ tiếp thêm động lực cho kinh tế của Xứ sở hoa anh đào. 

Mặt khác, theo ông Junichi, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đứng trước ngã ba đường trong lựa chọn chiến lược thương mại. Do đó, việc ký kết FTA với EU là bước đi mới trong chiến lược thương mại của Nhật Bản, điều này được hi vọng sẽ giúp thúc đẩy đối thoại kinh tế Nhật - Mỹ, và đóng vai trò thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa 11 nước thành viên còn lại tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết chính thức vào ngày 9-3 vừa qua tại Chile để thỏa thuận này có thể có hiệu lực. 

Còn theo đài NHK của Nhật Bản, Hàn Quốc đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với EU và dỡ bỏ thuế quan, do đó FTA với EU sẽ giúp Nhật Bản không còn bất lợi khi cạnh tranh với Hàn Quốc./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục