Những điều ít biết về thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết

19:53' - 05/02/2019
BNEWS Từ lâu, hoa thủy tiên trở thành một thú chơi tao nhã, lắm công phu của người Hà Nội, đòi hỏi người chơi thực sự hiểu và yêu nó mới có thể gắn bó được.
Hoa thủy tiên ngày Tết – Thú chơi tao nhã, công phu của người Hà Nội. Ảnh minh họa

Mỗi dịp Tết đến, trong nhiều gia đình người Hà Nội thường có bát hoa thủy tiên để trưng bày, vị trí đặt cũng là một nơi trang trọng nhất để mọi người cùng uống trà, thưởng hoa. Từ lâu, hoa thủy tiên trở thành một thú chơi tao nhã, lắm công phu của người Hà Nội, đòi hỏi người chơi thực sự hiểu và yêu nó mới có thể gắn bó được.

Hoa thủy tiên là một loài hoa quý phái, được ví như chén ngọc đĩa ngà, khi nở có mùi hương tinh khiết, quyến rũ và rất cao sang. Một bát hoa thủy tiên đẹp phải có sự kết hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có bộ rễ, làn lá đến ngồng hoa và hoa. Rễ hoa phải dài, trắng; làn lá xum xuê, mềm mại; ngồng hoa nhiều tầng tán, đặc biệt một bông hoa đẹp nhìn cánh hoa phải sáng, khi nở nhụy màu vàng.

Cánh hoa phải có màu trắng tinh khôi tức là nhìn thấy độ trong của màu trắng và trên cánh hoa có độ lấp lánh nhất định giống như kim tuyến. Chính vì sự tinh khôi, sang trọng mà hoa thủy tiên không chỉ phục vụ thú chơi hoa mà người ta còn sử dụng để thờ cúng dịp Tết.

Cái khéo léo của người gọt hoa thủy tiên phải căn cho hoa nở đúng Giao thừa vì nhiều người quan niệm hoa ở vào thời khắc này sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, người ta có thể gọt để hoa nở vào thời điểm lễ cúng ông Công ông Táo, rằm tháng Giêng; có nghĩa bắt hoa nở theo ý muốn của người gọt.

Những ngày Tết, nếu trong nhà có bát hoa thủy tiên đang độ mãn khai, nhiều người coi như một món quà quý. Khách đền chơi, sau những lời chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe, câu chuyện kế tiếp của gia chủ sẽ xoay quanh hoa thủy tiên và thú chơi hoa thấm đượm niềm tự hào.

Cũng chính bởi sự tao nhã, cầu kỳ nên xưa kia, người Hà Nội thuộc tầng lớp trung lưu mới thường chơi hoa thủy tiên. Nhưng thú chơi bị gián đoạn mất một thời gian dài, mãi đến những năm 90 mới được khôi phục lại, mà một trong những người có công đầu là ông Nguyễn Phú Cường trú tại khu tập thể Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội). Sau này rất nhiều người gọt và chơi hoa thủy tiên nhưng đạt đến độ nghệ thuật thì số đó không nhiều.

Những người có kinh nghiệm chơi hoa cho rằng, giá trị tạo nên một bát hoa thì ngoài dáng vẻ, hình thức bên ngoài còn là công sức của người chơi, từ lúc gọt củ, chăm dưỡng đến khi cho ra những bông hoa đầu tiên. Người chơi hoa phải dồn tâm huyết, công sức, thời gian mới tạo nên những bát hoa đẹp, đầy giá trị nghệ thuật và giá trị lao động chứ không đơn thuần là bát hoa mua ngoài chợ về trưng bày chơi Tết.

Dù mới tìm hiểu và chơi hoa được vài năm nay, song anh Nguyễn Việt Bắc, nhà ở phố Lãng Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng được giới chơi hoa thủy tiên tại Hà Nội đánh giá cao khả năng gọt, tạo thế, dáng và tác động để hoa nở theo ý muốn với những bát hoa đẹp.

Đầu mỗi vụ hoa, anh Bắc cùng một người bạn chơi hoa của mình và ông Nguyễn Phú Cường đi một vòng khắp Hà Nội xem tất cả các nơi nhập nguồn củ để lựa chọn nguồn củ tốt. Bởi đây là yếu tố đầu tiên để tạo ra một bát hoa có chất lượng.

Khi gọt củ cũng là cả một sự công phu, bởi lúc gọt là gây tổn thương cho củ, lượng dưỡng chất tích tụ ở củ dành để nuôi dưỡng cây bị mất đi nhiều nên cần hạn chế việc vứt bỏ bẹ củ. Đây cũng là một trong những yếu tố để đảm bảo vẻ đẹp, tạo sự khỏe khắn cho bộ rễ thủy tiên sau này.

Khi cầm củ hoa để gọt, người chơi phải hình dung củ hoa nên làm theo hướng nào, không nên cứ gọt rồi sau này mới lựa theo nó. Có nghĩa, người gọt phải hình dung câu chuyện của họ từ những nhát dao đầu tiên khi đặt lên củ. Để khi mầm thủy tiên bật lên, các ngồng hoa và làn lá, bộ rễ đảm bảo tính tương quan với nhau.

Để từng ấy yếu tố đẹp, trong quá trình chăm sóc phải có những kỹ thuật khác nhau. Ví như, để bộ rễ đẹp còn cần quan tâm đến nước và độ tỉ mỉ khi vệ sinh rễ. Môi trường nước, điều kiện ánh sáng, gió có tác động lớn đến việc phát triển của bộ rễ nên cần quan tâm đến những vấn đề này.

Việc xén lá cũng rất quan trọng, xén lá để tạo vết thương cho lá, làm lá không còn thẳng mà sẽ cong vẹo theo vết thương tạo ra và mức độ tổn thương được gây ra. Lá xén nhiều sẽ cong mạnh, lá xén ít sẽ mềm mại nhưng cần có độ xum xuê. Thực tế, việc xén lá không dễ, không để cho lá có hình răng cưa khi phát triển, nên ngay từ lần xén đầu tiên, nhát dao phải rất “ngọt”.

Người chơi cũng phải liên tục phải sửa trong suốt quá trình dưỡng, thay nước ngày hai lần để chống nhiễm trùng, uốn tỉa lá liên tục và trau chuốt nó. Nếu xén không “mượt” đường dao sẽ để lại vết dăm và trong quá trình phát triển, lá “cựa” liên tục và tạo các vết xé.

Các ngồng hoa cũng phải tạo dáng cho có lớp dưới, lớp trung, lớp trên, có tiền, có hậu. Người gọt chỉ tác động ở chỗ xếp ở vị trí nào, tầng tán ra sao còn chất lượng hoa một phần đến từ cách chăm dưỡng của mình. Nếu người chơi tương tác tốt thì sẽ được những bông hoa tốt.

Nếu người chơi muốn hoa nở đúng độ, thúc nở nhanh hoặc hãm nở chậm cũng cần có kỹ thuật khéo léo, có thể tác động lên nhiệt độ của nước, tăng cường hoặc hãm độ sáng, làm ấm môi trường hoặc che chắn gió. Từ khi gọt củ đến những khi hoa thủy tiên nở phải mất khoảng 20 ngày. Thời gian hoa nở kéo dài tới 10 ngày.

Anh Nguyễn Việt Bắc chia sẻ, mỗi ngày phải bỏ ra khoảng 30 phút cho việc chăm sóc một bát hoa nên khi chơi hoa thủy tiên phải có sự kiên nhẫn và sắp xếp được thời gian. Dù khéo tạo ra những bát hoa đẹp nhưng anh không có ý định gọt để kinh doanh do một bát thủy tiên chứa đựng quá nhiều công sức, tâm huyết và tri thức, không thể bán với giá thị trường, còn giá cao thì không thể. Bởi vậy, anh chỉ gọt thủy tiên đơn thuần chỉ là thú chơi và tặng một vài bạn bè thân thiết./.

>>> Muôn nẻo hoa Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục