Những doanh nghiệp nào cần có thành viên HĐQT độc lập?

11:30' - 17/05/2022
BNEWS Số lượng thành viên HĐQT độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo theo quy định ra sao? Điều kiện để trở thành thành viên HĐQT độc lập như thế nào?

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tập đoàn Hòa Phát số tiền 125 triệu đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Hiện tại, Hòa Phát có 7 thành viên HĐQT, nhưng không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Số lượng thành viên HĐQT độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo theo quy định ra sao? Điều kiện để trở thành thành viên HĐQT độc lập như thế nào?

Quy định về thành viên độc lập của Hội đồng quản trị

Tại Điều 276 của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán quy định:

“1. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị của công ty đại chúng ít nhất là 03 người và nhiều nhất là 11 người.

2. Cơ cấu Hội đồng quản trị của công ty đại chúng phải đảm bảo tối thiểu một phần ba (1/3) tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên không điều hành.

3. Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị của công ty phải đảm bảo ít nhất một phần năm (1/5) tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình nêu trên có ít hơn 05 người, công ty phải đảm bảo có 01 thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

4. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo quy định sau:

a) Có tối thiểu 01 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 03 đến 05 thành viên;

b) Có tối thiểu 02 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 06 đến 08 thành viên;

c) Có tối thiểu 03 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên Hội đồng quản trị từ 09 đến 11 thành viên."

Những doanh nghiệp nào cần có thành viên HĐQT độc lập ?

Tại khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

a) Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT.

Như vậy, khi công ty cổ phần được tổ chức theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập. 

Điểm a, khoản 3 Điều 41 Luật Chứng khoán qui định: đối với công ty cổ phần đại chúng thì cơ cấu HĐQT phải đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên HĐQT điều hành hay không điều hành, số lượng thành viên HĐQT độc lập để đảm bảo tính độc lập của HĐQT”. Còn theo qui định tại Khoản 3 Điều 276 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán thì qui định:

“3. Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp, cơ cấu thành viên HĐQT của công ty phải đảm bảo ít nhất một phần năm (1/5) tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên HĐQT của công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình nêu trên có ít hơn 5 người, công ty phải đảm bảo có 1 thành viên HĐQT là thành viên độc lập” và khoản 4 điều này qui định công ty niêm yết phải đảm bảo các số lượng thành viên độc lập cụ thể trong HĐQT, tùy thuộc vào số lượng thành viên của HĐQT mà có thể có từ 1 đến 3 thành viên độc lập.[4]

Với các qui định này, đối với các công ty cổ phần có niêm yết bắt buộc phải có số lượng thành viên độc lập HĐQT theo đúng qui định tại Khoản 4 của Điều luật trên. Còn đối với các loại công ty cổ phần khác và công ty đại chúng chưa niêm yết, pháp luật cho phép công ty có thể tùy chọn mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp lựa chọn mô hình hoạt động theo qui định tại điểm b khoản 1 Điều 137 phải tuân thủ qui định về thành viên độc lập HĐQT như nêu trên đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục