Những hòn ngọc xanh giữa trùng khơi

08:31' - 27/01/2025
BNEWS Những năm qua, chương trình “Xanh hóa Trường Sa” được triển khai nhằm khẳng định chủ quyền, đồng thời tạo ra không gian sống xanh nơi đầu sóng, ngọn gió.

Nằm giữa biển khơi quanh năm khí hậu khắc nghiệt, những hòn đảo ở huyện đảo Trường Sa luôn là “viên ngọc xanh”. Những năm qua, chương trình “Xanh hóa Trường Sa” được triển khai nhằm khẳng định chủ quyền, đồng thời tạo ra không gian sống xanh nơi đầu sóng, ngọn gió.

* Chồi non vươn mình trên vùng cát san hô

Đến các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, mọi người đều dễ dàng nhận thấy ở đâu cũng có những vườn ươm cây xanh được chăm sóc cẩn thận. Những vườn cây này được đặt tên là vườn ươm thanh niên do các cán bộ, chiến sỹ trẻ phụ trách.

Trong vườn ươm xanh mướt với hàng trăm chồi non bắt đầu vươn lên ở đảo Sinh Tồn Đông, đang nhanh tay trộn đất để ươm hạt cây bàng vuông, Thượng úy Lê Thành Chung cho biết, các anh thường xuyên ươm những loại cây đặc thù như: cây tra, bàng vuông, mù u. Chỉ có những những loại cây này mới phù hợp và sinh sôi, phát triển mạnh ở đảo. Do thổ nhưỡng chủ yếu là cát, đá san hô nên khả năng giữ nước rất hạn chế, nước tưới bao nhiêu thấm xuống bấy nhiêu. Mặt khác, trong những ngày sóng to, gió lớn, nước biển tràn qua đảo cũng làm cho cây chậm phát triển.

 

“Để ươm được một cây bàng vuông, đòi hỏi các chiến sỹ phải tỉ mỉ, cẩn thận chọn quả đã già rồi dùng dao tạo rãnh trên vỏ hoặc bóc ra để lấy hạt. Hạt bàng vuông sau đó được chôn vào đất, lúc này cần lưu ý để hạt theo đúng chiều. Sau khoảng 20 ngày, chồi bắt đầu vươn lên. Quá trình chăm sóc cũng cần lưu ý đảm bảo đủ độ ẩm cho cây”, Thượng úy Lê Thành Chung chia sẻ.

Nhờ sự tỉ mẩn trong từng công đoạn nên vườn ươm đã cung cấp đủ giống cây xanh để trồng trên đảo; đồng thời, cung cấp cây giống cho những đảo khác ở Trường Sa. Trung tá Lương Tú Đa, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết, chương trình “Xanh hóa Trường Sa” có tác dụng, ý nghĩa lớn, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Đồng thời, tạo cảnh quan, môi trường xanh, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ trong quá trình phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

 

Tại đảo Song Tử Tây, thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, năm 2024, địa phương đã trồng hơn 4.000 cây xanh các loại như: phi lao, dừa, tra, bàng vuông… Trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, việc trồng cây trên đảo gặp một số khó khăn như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khả năng giữ nước kém của đất cát san hô. Để khắc phục, khi cây mới trồng, bộ đội chủ động dùng lưới che gió, chắn sóng không để hơi muối mặn xâm nhập.

Nguồn nước tưới cây được cán bộ, chiến sỹ tận dụng tích trữ từ nguồn nước mưa, nước ngọt đã qua sử dụng. “Để trồng được cây xanh ở Trường Sa rất gian nan. Có những cây chăm sóc nhiều năm mới lớn lên được nhưng cứ mỗi đợt bão lại gãy đổ, bật gốc. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo lại phải cắt tỉa, thay thế, trồng lại từ đầu. Chính vì vậy, cây ở Trường Sa thường không mọc thẳng như ở đất liền. Từ những gốc cây gãy đổ vì bão tố, nhiều mầm xanh đâm chồi, lên lộc mới, kiên cường như đất và người nơi đây”, Trung tá Vũ Mạnh Hải cho hay.

* Những “cột mốc xanh” chủ quyền giữa trùng khơi

Ở Trường Sa, cùng với những cây phong ba, bàng vuông, mù u vừa mới được ươm trồng trong những năm gần đây còn có các cây cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi. Trải qua thời gian, những cây xanh này vẫn sừng sững, hiên ngang trước sóng gió, bão dông. Đến nay, nhiều cây cổ thụ trên huyện đảo Trường Sa đã được công nhận là cây di sản. Đây như những cột mốc văn hóa khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ bao đời nay.

Nằm ở phía sau Sở Chỉ huy của đảo Song Tử Tây là cây phong ba có chiều cao khoảng 25 m, tán rộng 35 m, tuổi đời hơn 300 năm. Đặc biệt vào tháng 12/2021, cơn bão số 9 giật cấp 16 đã quét qua đảo khiến khoảng 90% cây cối bị đổ, gãy, thế nhưng cây phong ba này vẫn đứng vững. Năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận cây phong ba này là cây di sản Việt Nam.

Hằng ngày, cán bộ, chiến sỹ trên đảo thường xuyên quét lá và dọn vệ sinh xung quanh gốc cây. Vào mùa mưa bão, các chiến sỹ tổ chức cắt tỉa cành sâu, cành yếu giúp cây không bị bão, gió quật đổ. Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết, việc chăm sóc cây di sản là một phần trách nhiệm nhưng cũng là niềm vinh dự và tự hào của quân và dân trên đảo. Bởi cây phong ba di sản là một cột mốc chủ quyền khẳng định quá trình phát triển của đảo Song Tử Tây cũng như Trường Sa của Việt Nam.

Nổi bật trong màu xanh của những cây bàng vuông, cây phong ba ở đảo Sinh Tồn là cây mù u cao khoảng 20 m, có tán lá rộng 6 m. Các nhà khoa học đánh giá, cây có tuổi đời hơn 100 năm, gắn liền với lịch sử khai phá, phát triển của người dân Việt Nam trên đảo. Theo người dân sinh sống ở đây, cây mù u bắt đầu ra hoa vào khoảng tháng 5 hằng năm, nở rộ nhất là vào tháng 6, tháng 7. Hoa mù u kết thành từng cụm, có màu trắng và mùi thơm đặc trưng.

Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo. Các cây đều được chăm sóc cẩn thận, đảm bảo sinh trưởng tốt nhất. Hằng ngày, hằng tuần, cán bộ, chiến sỹ đều quét dọn, cắt tỉa để các cây phát triển tốt nhất. Đặc biệt, cây mù u có tuổi đời trên 100 năm là “tài sản” quý của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

“Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của những cây di sản như chính sức mạnh của dân tộc Việt Nam bao đời nay kiên cường giữ biển, giữ đảo, giữ gìn từng tấc đất, chủ quyền thiêng liêng. Giữ gìn và phát huy những giá trị của cây di sản cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng mà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa luôn khắc ghi. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo của Việt Nam”, Trung tá Hoàng Văn Cường khẳng định./.(Còn nữa)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục