Những "làn gió ngược” đối với kinh tế Đông Nam Á

06:00' - 31/08/2019
BNEWS Các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức từ bên ngoài trong phần còn lại của năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực tới khu vực này.
Kiểm đồng baht Thái tại ngân hàng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Nikkei Asia Review, những “làn gió ngược” từ bên ngoài buộc chính phủ các nước trong khu vực phải có những biện pháp như giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu gây bất lợi cho kinh tế Đông Nam Á kể từ cuối năm ngoái.

Theo các số liệu thống kê chính thức, trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 5 trong số 6 nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã chậm lại so với quý I/2019.

Trong đó Thái Lan và Singapore là những nước có tỷ lệ tăng trưởng giảm tốc mạnh nhất do nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của các nước này như hàng điện tử bị sụt giảm. 
Hôm 19/8, Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2019 xuống còn 2,7%-3,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó (3,3-3,8%). Trong quý II/2019, nền kinh tế này tăng trưởng ở mức 2,3%, thấp nhất trong gần 5 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới suy giảm tốc độ tăng trưởng là do xuất khẩu sụt giảm.

Chính phủ Thái Lan dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính bằng USD của nước này trong năm nay có thể giảm 1,2%, so với mức tăng 7,5% trong năm ngoái.

Văn phòng của Hội đồng Phát triển Kinh tế-Xã hội Quốc gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do “sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế đối tác và áp lực ngày càng tăng từ các biện pháp bảo hộ thương mại”. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu chiếm tới 66% trong GDP của Thái Lan trong năm 2018.
Cùng với Thái Lan, tuần trước, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ ngưỡng 1,5-2,5% trước đó xuống còn 0-1%. Tỷ lệ tăng trưởng của quốc đảo này trong quý II năm nay chỉ đạt 0,1% - thấp nhất trong 10 năm qua do sự suy giảm trong ngành điện tử.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhận định nền kinh tế nước này có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với những "làn gió ngược" tương đối mạnh trong phần còn lại của năm 2019, trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô bên ngoài ẩn chứa nhiều thách thức và sự suy giảm trong ngành điện tử trên thế giới đang gia tăng.
Các nước khác trong khu vực này có vẻ ít bị tổn thương hơn với các nhân tố bên ngoài, nhưng các số liệu thống kê quý II/2019 cho thấy tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung và sự suy giảm toàn cầu cũng đã tác động tới các nền kinh tế này.

Tốc độ tăng trưởng ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã chạm mức thấp nhất trong hai năm khi chỉ đạt 5,05% trong quý II/2019, do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu như dầu cọ. Điều này đã tác động tiêu cực tới tâm lý của người tiêu dùng ở quốc gia này.
Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong quý II/2019, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% trong quý I/2019. Philippines cũng chứng kiến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tương tự, từ 5,6% xuống còn 5,5%. Điều này cho thấy Việt Nam và Philippines đang phải đối mặt với các yếu tố trong nước, như đầu tư công yếu và sự thiếu hụt nước ở Phillippines và sự tăng trưởng chậm của ngành nông nghiệp ở Việt Nam.
Riêng Malaysia đi ngược xu thế khi đạt tốc độ tăng trưởng 4,9% trong quý II/2019, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước đó, nhờ đà tăng trưởng 7,8% của chi tiêu dùng của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Malaysia vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng “yếu tố bên ngoài có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh các căng thẳng thương mại vẫn đang tiếp diễn”.
Do đà tăng trưởng quý II/2019 chậm lại và môi trường bên ngoài bất ổn, chính phủ và các ngân hàng trung ương ở khu vực này đang phải đối mặt với áp lực vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp tiền tệ và tài khóa trong những tháng sắp tới.
Nhà phân tích Margaret Yang tại công ty CMC Markets ở Singapore nói: “Các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với những bất lợi toàn cầu từ sự suy giảm sản xuất, các rủi ro thương mại và sự tái bố trí các chuỗi cung ứng trong một vài quý tới. Cùng với việc cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ cần phải tiến hành các biện pháp kích thích tài chính, giảm thuế và tạo việc làm nếu xảy ra suy thoái nghiêm trọng”.
Hôm 23/8, Thái Lan đã công bố gói kích thích có tổng trị giá 316 tỷ baht (10,2 tỷ USD) để hỗ trợ cho nông dân và những người có thu nhập thấp, nhằm tăng chi tiêu dùng trong nước.
Trong bài phát biểu tuần trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết tình hình hiện tại không cho phép một biện pháp kích thích ngay lập tức, nhưng “nếu tình hình tiếp tục xấu đi, chúng tôi sẽ ngay lập tức phản ứng bằng các biện pháp can thiệp phù hợp để duy trì đời sống của người lao động”. 
Trước đó, vào đầu tháng này, các ngân hàng trung ương Thái Lan và Philippines đã giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, xuống lần lượt 1,5% và 4,25%. Trong tháng Bảy vừa qua, Ngân hàng trung ương Indonesia đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần hai năm qua. 
Theo dự đoán của Prakash Sakpal, một nhà kinh tế tại ING, sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa ở Thái Lan trong quý IV năm nay. Malaysia cũng có thể giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản từ mức 3% hiện nay xuống còn 2,5% vào cuối năm 2019.
Ông nói: “Thật khó tưởng tượng nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn so với phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh quy mô của các căng thẳng thương mại toàn cầu đã chuyển sang cấp độ cao hơn. Tỷ lệ lạm phát thấp (1,4% trong tháng 7/2019) cho phép nước này thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng chính sách”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục