Những lớp "sương mù" che mờ triển vọng thị trường chứng khoán Nhật Bản

16:03' - 10/10/2021
BNEWS Thị trường chứng khoán Tokyo sẽ khó phục hồi mạnh sau đợt lao dốc gần đây trước chính sách kinh tế của tân Thủ tướng Fumio Kishida.

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán Tokyo nhiều khả năng sẽ rất chật vật để phục hồi mạnh sau đợt lao dốc gần đây, khi chính sách kinh tế của tân Thủ tướng Fumio Kishida làm tăng thêm lo ngại về triển vọng tăng trưởng hậu đại dịch của kinh tế Nhật Bản.
Chỉ số chứng khoán Nikkei-225 của thị trường Tokyo đã giảm 8,5% từ mức cao nhất trong 31 năm ghi nhận hồi giữa tháng 9/2021 và kết thúc ở mức 28.048,94 điểm trong phiên 8/10 vừa qua. Những yếu tố chính ảnh hưởng tới chứng khoán Nhật Bản trong phiên 8/10 bao gồm nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc, bên cạnh lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng với giá dầu leo cao hơn.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng chỉ số Nikkei-225 ít có khả năng giảm xuống dưới mức thấp nhất khi đóng cửa trong năm nay là khoảng 27.000 điểm, một phần nhờ Thượng viện Mỹ hôm 7/10 đã thông qua một dự luật tạm thời nâng trần nợ công của chính phủ liên bang và tránh nguy cơ vỡ nợ.
Ông Masahiro Yamaguchi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại ngân hàng SMBC Trust Bank, cho biết trong khi đợt bán tháo gần đây đang dần đi tới hồi kết, thị trường chứng khoán Nhật Bản hiện tại cũng không có khả năng leo lên những mức cao mới.
Các nhà phân tích nói rằng triển vọng về một mức giảm tương đối hạn chế không đồng nghĩa sẽ có một cuộc phục hồi nhanh. Kịch bản này sẽ chỉ xảy ra khi thị trường hoàn toàn tin tưởng những gì mà tân Thủ tướng Nhật Bản đang tìm cách làm để "hồi sinh" nền kinh tế vốn chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
* Cú sốc thị trường sau khi Nhật Bản có tân Thủ tướng

Kể từ khi ông Kishida giành được quyền lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào ngày 29/9, chỉ số Nikkei đã giảm 5,1%. Đáng chú ý, nhiều người trên mạng truyền thông xã hội đã gọi chuỗi giảm 8 ngày giảm liên tiếp của chỉ số Nikkei tính tới phiên 6/10 – chuỗi dài nhất kể từ tháng 7/2009 - là "Cú sốc Kishida".
Ông Kishida đã được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 4/10 tại một phiên họp Quốc hội bất thường.
Một sự trượt dốc như vậy trên thị trường chứng khoán khi đất nước có tân Thủ tướng hiếm khi xảy ra. Trong hầu hết trường hợp, giới đầu tư thường rất kỳ vọng nhà lãnh đạo mới sẽ thực hiện các biện pháp kinh tế quyết liệt để lôi kéo cử tri.
Ông Kishida, người đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước hạn trong những tuần tới, cho biết mình sẽ hướng tới tăng trưởng thông qua " nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chi tiêu tài khóa linh hoạt và một chiến lược tăng trưởng tương tự như mô hình kinh tế của những người tiền nhiệm Yoshihide Suga và Shinzo Abe.
Thủ tướng mới cũng đã tuyên bố sẽ thu hẹp chênh lệch thu nhập, tạo ra một chu kỳ tăng trưởng và phân phối tài sản hợp lý như một trụ cột trong chính sách kinh tế của mình. Nhưng ông Kishida không đưa ra chi tiết cụ thể nào.
Các nhà phân tích cho biết, thị trường đang cố gắng hiểu được làm thế nào kinh tế  Nhật Bản có thể đạt được tăng trưởng thông qua chính sách phân phối lại tài sản.
Chính phủ của ông Kishida có kế hoạch soạn một gói kinh tế trị giá "hàng chục nghìn tỷ yen" để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp đang chật vật đối phó với ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa rõ tính hiệu quả của các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Những người tham gia thị trường cũng cẩn trọng với kế hoạch của ông Kishida, khi tân Thủ tướng xem xét việc tăng thuế đối với thu nhập từ đầu tư và cổ tức như một lựa chọn để thực hiện chính sách phân phối lại của mình.
Ngoài những bất ổn này, kết quả xếp hạng mức độ ủng hộ khá khiêm tốn đối với Nội các mới ra mắt của ông Kishida trong các cuộc thăm dò trên phương tiện truyền thông khiến thị trường nghi ngờ khả năng triển khai các chính sách của tân Thủ tướng sẽ hiệu quả tới mức độ nào.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của hãng tin Kyodo News, tỷ lệ ủng hộ cho Nội các của ông Kishia đứng ở mức 55,7%. Con số này thấp hơn mức 66,4% và 62,0% được ghi nhận vào thời điểm ông Suga bắt đầu lãnh đạo vào tháng Chín năm ngoái và lần nắm quyền thứ hai của ông Abe vào tháng 12/2012.
Chuyên gia Yamaguchi nói rằng ông Kishida sẽ cần phải đề xuất các chính sách kinh tế quy mô lớn và kiềm chế việc tăng thuế đối với doanh thu tài chính để thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể thoát khỏi đà lao dốc hiện tại. Đồng thời, ông Yamaguchi cho biết thêm để vực dậy thị trường, ông Kishida sẽ cần phải chứng tỏ mình có vị thế mạnh mẽ trong số các cử tri trước cuộc tổng tuyển cử ngày 31/10.
* Những yếu tố bên ngoài
Thị trường Nhật Bản cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ của Mỹ và số phận của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang nợ nần chồng chất Evergrande.
Chiến lược gia Maki Sawada thuộc bộ phận đầu tư của công ty môi giới đầu tư Nomura Securities Co., cho biết thị trường đang dành nhiều sự chú ý vào cách Chính phủ Mỹ sẽ xoa dịu những lo ngại về đà tăng lạm phát “phi mã” gần đây như thế nào.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng trước đã báo hiệu rằng họ sắp ra quyết định bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình dựa trên những đánh giá về đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Fed cũng gợi ý về một đợt tăng lãi suất có thể trong năm tới.
Cùng với đó, mối quan tâm về số phận của tập đoàn Evergrande ngày càng tăng sau khi hoạt động giao dịch tại Hong Kong (Trung Quốc) đối với chứng khoán của tập đoàn và công ty con Evergrande Property Services Group tạm thời bị đình chỉ.
Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có tung ra bất kỳ biện pháp nào để giúp đỡ “gã khổng lồ” phát triển bất động sản hay không.
Giữa bối cảnh như vậy,  chuyên gia Sawada nói rằng hướng đi của thị trường chứng khoán Nhật Bản dự kiến vẫn chưa chắc chắn, khi vô số vấn đề chồng chéo lên nhau vẫn chưa được giải quyết triệt để./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục