Những lưu ý trong sản xuất vụ Đông ở miền Bắc sau mưa lũ

10:12' - 19/10/2017
BNEWS Thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như: dưa, bí, khoai lang, ngô đã kết thúc. Tuy nhiên, một số địa phương có thể trồng ngô với mục tiêu lấy thân, lá làm thức ăn xanh phục vụ cho chăn nuôi.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh:Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Đợt mưa lũ vừa qua ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đã làm hàng trăm nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, đặc biệt là lúa Mùa chưa kịp thu hoạch và vụ Đông đã bước vào sản xuất. Về vấn đề sản xuất sau lũ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua ở miền Bắc và Bắc Trung bộ?

Ông Trần Xuân Định: Đối với sản xuất lương thực khu vực Bắc Trung bộ từ Thừa Thiên Huế trở ra đến Thanh Hoá, cơ bản diện tích lúa Hè Thu và lúa Mùa đã thu hoạch xong.

Chỉ còn khoảng 20.000 ha lúa Mùa muộn tập trung ở các vùng miền núi ở Nghệ An, Thanh Hóa và các huyện của hai tỉnh này giáp với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng chưa thu hoạch kịp. Vùng Bắc Trung bộ thiệt hại úng ngập lúa mùa chưa thu hoạch cũng không phải lớn.

Còn đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng đang vào giai đoạn thu hoạch rộ trà lúa mùa chính vụ, đặc biệt là đối với các tỉnh ven biển do thời vụ gieo cấy cũng muộn hơn cho nên thời điểm thu hoạch gặp mưa liên tục nên cũng ảnh hưởng cản trở đến tiến độ thu hoạch.

Bởi vậy, mặc dù là cơ giới hóa đã được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi nhưng do mực nước ngập cao nên máy gặt đập liên hợp không thể hoạt động được vì vậy tiến độ thu hoạch cũng bị chậm trễ.

Đến nay, diện tích lúa đã bị ngập của Nam Định xấp xỉ 15.000 ha, một số diện tích đã thoát được nước và bà con cũng kịp thu hoạch. Tỉnh Hà Nam bị ngập khoảng 10.000 ha, trong đó khoảng 7.000 ha lúa còn lại là rau màu. Tỉnh Thái Bình thời điểm cao nhất bị ngập đã lên đến 40.000 ha.

Hiện, Thái Bình còn khoảng 10.000 ha lúa và hoa màu. Các địa phương đang tích cực bơm nước “cưỡng bức” để ứng cứu những diện tích lúa bị ngập và nếu mực nước được rút cạn, bà còn có thể tập trung thu hoạch.

Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, trời hửng nắng thì việc thu hoạch mới thuận lợi và mới giải quyết vấn đề. Còn nếu mưa vẫn tiếp diễn thì việc hong khô hạt lúa cũng rất khó khăn. Thậm chí có khi thu hoạch về rồi không hong khô kịp thì hạt lúa cũng nảy mầm.

Vụ mùa năm nay, rất nhiều địa phương cũng bị thiệt hại bởi bệnh lùn sọc đen, nhưng những diện tích không bị nhiễm lùn sọc đen được đánh giá là khá tốt. Tuy nhiên, thiệt hại này đối với sản xuất lúa của các tỉnh phía Bắc gần như là “thiệt hại kép”.

Phóng viên: Đối với cây vụ Đông bị thiệt hại thế nào?

Ông Trần Xuân Định: Đối với cây vụ Đông, hầu hết các địa phương cũng đã hoàn thành cơ bản việc gieo trồng nhóm cây trồng ưa ấm.

Ví dụ, Hà Nam tất cả những vùng trong diện tích gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm đã gieo trồng xong hơn 10.000 ha. Tuy nhiên, trận mưa trước bão số 10 làm hầu hết cây vụ Đông ưa ấm của địa phương này đã ngập chìm trong nước.

Thanh Hóa cơ bản diện tích ngô, rau màu đã gieo trồng xong với gần 30.000 ha. Diện tích ngô Đông bị thiệt hại 12.000 ha, bởi thời gian ngập kéo dài 3-4 ngày mà ngô đang ở giai đoạn 4-5 lá nên gốc thối. Thái Bình có các huyện Quỳnh Phụ, Phương Hà là vùng trọng điểm cây vụ Đông.

Hầu hết nhóm cây vụ Đông ưa ấm trồng của tỉnh ở giai đoạn này là cây có giá trị kinh tế rất cao như: các loại dưa, bầu, bí, ớt, các loại rau củ nhưng cũng bị ngập úng gần như toàn bộ với hơn 10.000 ha.

Tuy nhiên, các huyện cũng đã chủ động khoanh vùng, tích cực chủ động hơn trong việc thoát lũ, tiêu úng và đã khắc phục kịp thời.

Phóng viên: Có thể tiếp tục sản xuất cây vụ Đông không thưa ông, và ngành có khuyến cáo gì nông dân trong sản xuất vụ này?

Ông Trần Xuân Định: Đến hôm nay, thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như: dưa, bí, khoai lang, ngô về mặt thời vụ đã kết thúc.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ và đặc biệt phụ thuộc vào mục tiêu gieo trồng, một số địa phương có thể trồng ngô không lấy hạt với mục tiêu lấy thân, lá làm thức ăn xanh phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc thì vẫn có thể tiếp tục.

Còn những loại như dưa, bầu, bí hết sức lưu ý là nằm trong nhóm ưa ấm cho nên khi ra hoa kết trái điều kiện nhiệt độ phải cao thì mới có khả năng cho sản phẩm thu hoạch.

Còn nếu muộn, bị tác động của các trận lụt vừa qua, thời gian sinh trưởng bị kéo dài, tức là giai đoạn sau cây con bị chột và thời điểm ra hoa kết trái sẽ bị đẩy lùi, nếu gặp không khí lạnh (dưới 20 độ C) sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến việc ra hoa kết trái. Do đó, nếu trồng để lấy quả, hạt, khuyến cáo nông dân là thời vụ nhóm cây này đã hết.

Diện tích bị ngập còn lại nếu như thoát nước kịp, nông dân nên “dặm” và tích cực chăm sóc. Khi thời tiết cải thiệt, có nắng có hanh, mặt luống se lại, bà con tích cực xới, sáo phá váng để tạo khí thông thoáng cho đất và tạo điều kiện cho rễ của các cây phục hồi nhanh.

Đi đôi với việc đó là các biện pháp chăm sóc tích cực cũng sẽ góp phần phục hồi nhanh diện tích cây bị thiệt hại ảnh hưởng. Supe lân rất hữu hiệu đối với việc phục hồi rễ cây bị tổn thương.

Song song với việc sử dụng phân bón có thể sử dụng một số chất hỗ trợ sinh trưởng sẽ mang lại hiệu quả phục hồi rễ rất nhanh và sẽ đảm bảo qúa trình sinh trưởng ra hoa kết trái, đảm bảo thời vụ cũng như yêu cầu sinh học của nó.

Đoàn viên thanh niên là các cán bộ trong các lực lượng của Công an tỉnh gặt và thu hoạch lúa tại xã Gia Tân huyện Gia Viễn. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Phóng viên: Ngành đã có kiến nghị gì trong việc hỗ trợ người dân giống cây trồng để tái sản xuất?

Ông Trần Xuân Định: Chính phủ có Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Các địa phương nên có thống kê đầy đủ, chi tiết và đảm bảo tính xác thực và trình hỗ trợ theo nghị định.

Cùng với việc xin hỗ trợ này, các địa phương nên chủ động trích từ nguồn ngân sách của địa phương chủ động hỗ trợ sớm cho nông dân, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại, khôi phục sản xuất nhanh và đảm bảo thị trường cung cầu sản phẩm.

Trong danh mục dự trữ quốc gia có 3 loại: lúa, ngô và rau màu các loại. Tuy nhiên, 2-3 năm vừa qua, thiên tai bão lũ, khô hạn liên tục nên kho dự trữ hạt giống gần như đã xuất hết. Hiện trong kho còn 100 tấn giống lúa, 700 tấn ngô, các giống rau gần như không còn.

Theo đề nghị của một số địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ triển khai mua bù hạt giống dự trữ quốc gia. Nếu như lượng mua bù đáp ứng yêu cầu, may ra giống lúa đáp ứng yêu cầu và kịp thời cho hỗ trợ sản xuất vụ Xuân tới.

Nhiều địa phương xin hỗ trợ khoai tây. Tuy nhiên, nhiều năm nay, khoai tây không có chính sách hỗ trợ và không có trong dự trữ quốc gia. Bộ sẽ xem xét đề xuất Chính phủ hỗ trợ bằng tiền.

Phóng viên: Với những thiệt hại như vậy, liệu ngành trồng trọt có đạt tăng trưởng 2% như kỳ vọng?

Ông Trần Xuân Định: Thời gian qua mưa nhiều, mưa liên tục vào đúng thời điểm đang vào vụ thu hoạch vụ mùa và gieo trồng cây vụ Đông. Việc gieo trồng cây vụ Đông cơ bản tính cho năm sau nhưng quan trọng nhất là thiệt hai cây lương thực, cây thực vật.

Vùng Bắc Trung bộ đã gần như thu hoạch xong. Đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc mới thu hoạch trung bình được 50-60% diện tích gieo cấy. Những tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa như Nam Định, Thái Bình thì diện tích còn lại thấp.

Mặc dù chưa có số liệu chính xác, nhưng thông tin từ các địa phương cũng dự báo sản lượng vụ mùa sẽ bị giảm sút. Còn mức giảm bao nhiêu còn chờ thống kê cụ thể mới có thể đưa ra được.

Nhưng năm nay, một số khu vực khác như Duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu năng suất tăng, vụ Thu Đông ở Đồng bắng sông Cửu Long cũng sẽ tăng mặc dù diện tích có giảm. Theo nhận định nhanh, sản lượng ra tăng ở các vùng trên có thể bù đắp một phần thiệt hại lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc.

Về xuất khẩu rau hoa quả, chúng ta vẫn đảm bảo và duy trì tốt xuất khẩu mặt hàng này và có thể đạt ngưỡng 3 tỷ USD. Việc tăng trưởng ngành hàng này góp phần nâng cao tăng trưởng chung của ngành trồng trọt. Bên cạnh đó, năm nay, nhiều mặt hàng nông sản có giá cả nhích lên, đảm bảo được nông dân có lãi.

Tôi nhận định có thể những đánh giá bây giờ có thể sẽ khác những đánh giá cách đây khoảng 1,5-2 tháng nhưng hy vọng mức giảm không sâu, không nhiều.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục