Những người chắn "sóng" COVID-19 ở Hà Nội - Bài 1: “Đê chắn” trên tuyến đầu

07:34' - 30/07/2021
BNEWS Dịch COVID-19 tấn công 4 đợt liên tiếp vào Thủ đô, gây những hậu quả nặng nề đến đời sống; học sinh phải tạm nghỉ học; bệnh viện bị phong tỏa; doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động...

Dịch COVID-19 tấn công 4 đợt liên tiếp vào địa bàn Thủ đô, gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội; học sinh phải tạm nghỉ học; bệnh viện bị phong tỏa; doanh nghiệp một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động; hoạt động ở một số cơ quan, công sở bị gián đoạn; siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn… phải tạm đóng cửa, thu ngân sách trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Đợt dịch lần này được đánh giá nguy hiểm hơn các đợt trước, các ca F0 đã hiện diện ở chợ, khu công nghiệp, ngân hàng, cơ quan, công sở, bệnh viện, khu công nghiệp, trong đó có nhiều ca ghi nhận ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang trong giai đoạn rất khó khăn, đặt ra những yêu cầu cấp bách cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết chủ đề Những người chắn 'sóng' COVID-19 ở Hà Nội, đăng phát ngày 30/7. Xin trân trọng giới thiệu:

Bài 1: “Đê chắn” ở tuyến đầu

Họ là những chiến sỹ trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, những cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch; lực lượng quân đội, công an…

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, khi trên địa bàn xuất hiện ca F0, họ lao vào tâm dịch, bất kể ngày, đêm, quên ăn, quên ngủ để thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và có những người trong số đó đã bị lây nhiễm căn bệnh chết người này.

* Tranh thủ “giờ vàng”, tập trung truy vết

2 giờ ngày 17/7/2021, nhận được thông báo trên địa bàn xuất hiện 1 ca F0, là người làm nghề bán xổ số, thuê trọ tại phòng 202, tập thể số 422 Trương Định cùng với 3 người trong gia đình, chính quyền phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) đã ngay lập tức có mặt trong đêm chỉ đạo các lực lượng: Công an, quân sự, y tế, dân phòng, tổ dân phố, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng... khẩn trương điều tra truy vết, phong tỏa toàn bộ khu vực tầng 3, nơi gia đình này sinh sống; đưa F0 đến bệnh viện và F1 đi cách ly tập trung; phun khử khuẩn khu nhà, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 73 nhân khẩu trong khu tập thể.

Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xác minh được 21 trường hợp F1, các trường hợp này đã được khai thác lịch sử dịch tễ và gửi tới các đơn vị liên quan để điều tra, truy vết.

Số ca F0 của ổ dịch đã tăng lên 4 trường hợp trong cùng gia đình, nhưng rất may toàn bộ 73 nhân khẩu sinh sống trong khu tập thể số 422 Trương Định đều âm tính với SARS-CoV-2.

Chưa kịp nghỉ ngơi, 5 giờ 30 phút ngày 18/7, nhận được tin báo từ Bệnh viện Bạch Mai qua test nhanh sàng lọc phát hiện 5 người trong cùng một gia đình ở phòng 205 tập thể B8 Tân Mai, quận Hoàng Mai dương tính với SARS-CoV-2, các “chiến sỹ” lại lao vào trận chiến mới. Số ca F0 tại ổ dịch này đã tăng nhanh lên 11 trường hợp.

Qua điều tra lịch sử dịch tễ có 30 trường hợp F1 đã được xác minh khai thác thông tin gửi tới các đơn vị liên quan kịp thời truy vết.

Lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ khu tập thể B8 Tân Mai, đưa F0, F1 đi cách ly, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 219 người là cư dân sinh sống trong khu tập thể và hộ kinh doanh tại ngõ bên cạnh. 

Đại diện lãnh đạo phường Tân Mai cho biết, đến 10 giờ ngày 20/7 đã ghi nhận 15 trường hợp F0 trên địa bàn.

Các lực lượng chức năng đã khoanh vùng, phong tỏa ổ dịch; cố gắng kiểm soát tình hình, hạn chế dịch lây lan; đồng thời tuyên truyền tới mọi người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Công điện số 15/CĐ-UBND; cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa.

Trên đây là một ví dụ điển hình về xử lý ổ dịch khi xuất hiện ca F0 đang được phường Tân Mai và các địa phương trên địa bàn Hà Nội áp dụng hiệu quả nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Tại quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm đến nay ghi nhận các chùm ca mắc COVID-19 ở các địa chỉ: số 132 Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du; chung cư Green City số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy; số 41 phường Bạch Đằng; phòng 404, dãy A3 số 29 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy; số 101 B6 Trại Găng, phường Thanh Nhàn…

Đặc biệt, khi tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, đòi hỏi quận phải tăng tốc vừa lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng cư trú tại các điểm có trường hợp mắc COVID-19, vừa rà soát và xét nghiệm cho những người trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh.

“Việc khẩn trương phát hiện sớm những người đi từ vùng dịch về và lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm những ca nghi ngờ là tiền đề kiên quyết trong công tác dập dịch tại cộng đồng và chúng tôi cũng đã tiến hành rất quyết liệt theo đúng chỉ đạo của thành phố”, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân viên trạm Y tế quận Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết.

* Tăng tốc xét nghiệm

Báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội vào ngày 20/7 về tình hình dịch trên địa bàn quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, hiện quận Đống Đa có 10 khu vực phát sinh các ca dương tính và có yếu tố dịch tễ liên quan.

Trong đó, phức tạp nhất là khu vực các nhà thuốc xung quanh nhà thuốc Đức Tâm số 95 Láng Hạ, nơi ghi nhận chuỗi lây nhiễm phức tạp đã lên tới 15 ca F0 vào ngày 24/7 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Quận đã khoanh vùng, lấy mẫu toàn bộ người dân khu vực này. Đây là ổ dịch rất phức tạp, ngoài 7 ca dương tính với SARS-CoV-2 ban đầu, một số trường hợp F1 đang có dấu hiệu trở thành F0”, ông Nguyễn Hoàng Giáp nói.

Liên quan đến các ca F0, Quận Đống Đa đã chỉ đạo lực lượng Y tế lấy 1.366 mẫu xét nghiệm liên quan đến 10 khu vực có dịch. Trong đó, riêng nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ đã lấy mẫu xét nghiệm cho 242 người trong khu vực phong tỏa.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, lãnh đạo quận Đống Đa đã yêu cầu toàn bộ cơ quan đơn vị trực thuộc, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng rà soát, truy vết các trường hợp liên quan, tiếp xúc, khoanh vùng, khử khuẩn.

Đồng thời đã giao công an điều tra, làm rõ các vi phạm của nhà thuốc Đức Tâm số 95 Láng Hạ khi để dịch bệnh lây lan, tạo ổ dịch phức tạp trên địa bàn.

Ông cũng kiến nghị thành phố giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hỗ trợ quận Đống Đa đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, bởi diễn biến dịch trên địa bàn đang rất phức tạp, quận cần lấy mẫu sớm và với số lượng lớn để kiểm soát dịch bệnh.

Để bắt kịp tốc độ lây lan dịch COVID-19, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã áp dụng triệt để việc lấy mẫu và xét nghiệm theo công thức 4-6: tổ chức lấy mẫu trong 4 ngày chuyển cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong vòng 6 ngày. Việc quản lý chặt chẽ các trường hợp F1, F2 đã giúp Hà Nội xác định khoanh vùng nhanh khi đối tượng F1 chuyển thành F0.

Trong những ngày dịch COVID-19 ở Thủ đô trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” hẹn gặp được những cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội không đơn giản khi họ đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành khối lượng công việc “khổng lồ” để sớm có những kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ công tác khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch.

Những nhân viên y tế ở đây không có khái niệm ngày nghỉ, ánh điện ở Trung tâm dường như sáng thâu đêm để các cán bộ, nhân viên y tế kịp hoàn thành số mẫu xét nghiệm ngày càng nhiều lên.

Mái tóc bạc trắng thêm từ những ngày “mất ăn, mất ngủ” vì dịch COVID-19, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, tất cả lực lượng phòng, chống dịch của thành phố phải nỗ lực tối đa, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm.

Ngày cao điểm, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tiếp nhận khoảng 10.000 mẫu/ngày, do đó thường phải ưu tiên làm các mẫu có yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 trước, sau đó mới đến các mẫu sàng lọc, để kịp thời khoanh vùng dập dịch.

Hiện khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có thể đáp ứng được 14.000-15.000 mẫu/ngày, bao gồm cả mẫu đơn, mẫu gộp.

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, hơn 100 nhân viên Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã làm việc không kể ngày đêm, làm việc theo 3 ca nhưng ngày cao điểm tất cả dồn vào một ca mới có thể kịp tiến độ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, với năng lực xét nghiệm toàn hệ thống các bệnh viện trên địa bàn cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố đã nâng công suất xét nghiệm từ 5.000 mẫu lên 30.000 mẫu và phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, công suất này sẽ được nâng cao. Ngành Y tế đang thực hiện mọi phương án, mọi giải pháp, thậm chí huy động cả y tế tư nhân tham gia công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Công tác lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết là 3 hoạt động có mối liên hệ chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần độ chính xác và nhanh.

Để làm được điều này trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô đang ngày càng phức tạp, đòi hỏi các cán bộ, nhân viên y tế, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, những người làm nhiệm vụ "chắn sóng" COVID-19 phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa 3 hoạt động này để tận dụng tối đa 24 giờ vàng đầu tiên để kịp thời truy vết, khống chế dịch bệnh./.

>>> Bài 2: Cùng chung sức, đồng lòng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục