Những người “giữ lửa” nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống
Mâm cỗ trông trăng của các gia đình ngày Tết Trung thu không thể thiếu những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đa dạng hình dáng từ hoa mai, hoa cúc đến con cá, con heo. Để làm ra được những hình dạng này, người thợ phải sử dụng khuôn bánh.
Xưa kia, khuôn bánh được làm bằng gỗ. Ngày nay, xã hội phát triển, các loại khuôn bánh Trung thu bằng nhựa với giá thành rẻ dần lên ngôi nhưng ở đâu đó vẫn còn những con người tâm huyết, lặng lẽ gìn giữ nét truyền thống của nghề làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ.
* Lưu giữ tinh hoa dân tộc Mỗi năm khi gần tới dịp Tết Trung thu, gia đình ông Trần Văn Bản, làng Thượng Cung (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật cho công việc làm khuôn bánh Trung thu phục vụ người tiêu dùng.Gia đình ông Bản đã có truyền thống làm khuôn bánh trung thu 40 năm nay và cũng là một trong số ít những gia đình trong làng còn duy trì nghề tới thời điểm hiện tại. Vì lý do kinh tế nên hầu hết người dân đều chuyển sang làm đồ mĩ nghệ.
Chia sẻ về công việc, ông Bản cho biết, khuôn bánh Trung thu trước đây được làm bằng gỗ thị nhưng hiện giờ loại gỗ này rất hiếm nên gia đình ông chuyển sang dùng gỗ xà cừ, loại gỗ này vừa dẻo, sánh lại bền, ít cong vênh sau một thời gian sử dụng. Để làm ra một khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh, người thợ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và làm nhiều công đoạn như: Xẻ gỗ thành khuôn, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực, đục tạo hoa văn...Xưa kia các cụ phải đẽo thành khuôn hoàn toàn thủ công, chỉ riêng việc làm phẳng phần bên trong của khuôn bánh cũng phải mất cả ngày, có khi còn bị hỏng.
Nhưng hiện nay, nhờ sự giúp đỡ của máy móc nên công việc này chỉ mất một vài phút là xong. Do đó, tùy vào độ phức tạp của mẫu mà chỉ cần từ 1 – 3 tiếng đồng hồ là có thể hoàn thành một khuôn bánh.
Tuy nhiên ông Bản cho biết, công đoạn cầu kì, quan trọng nhất là đục tạo hoa văn, đường nét trang trí cho khuôn thì vẫn phải làm hoàn toàn thủ công. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ để làm sao cho hoa văn sắc sảo, khuôn dóc không bị bám bột bánh…, bánh làm ra mới đẹp mắt. Khuôn bánh nướng và bánh dẻo cũng không giống nhau. Khuôn bánh dẻo phải được làm sắc nét, khô nét thì lên khuôn mới đẹp. Khuôn bánh nướng cầu kì hơn, đường nét phải dầy, đều và mềm mại. Để kiểm tra chất lượng của khuôn, người thợ sẽ dùng đất sét ốp vào khuôn như khi làm bánh thật để so sánh. Qua được bài kiểm tra này, chiếc khuôn trải qua công đoạn cuối cùng là dùng giấy nhám đánh mịn bề mặt. Những năm trước mỗi dịp gần Tết Trung thu gia đình ông Bản luôn bận rộn với những đơn đặt hàng của nhiều khách từ các tỉnh trong Nam ngoài Bắc và cả ở nước ngoài. Mỗi vụ trung thu gia đình ông có thể xuất xưởng khoảng vài trăm chiếc khuôn.Có những năm ông bà cùng con cháu trong nhà phải thức hết đêm mới có thể kịp sản xuất để đáp ứng hết các đơn hàng đúng thời hạn.
Thế nhưng thời gian gần đây khuôn bánh gỗ dần bị khuôn nhựa thay thế nên số lượng ông sản xuất đã giảm đi đáng kể. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên số lượng khuôn tiêu thụ của gia đình ông giảm hẳn 2/3 so với năm trước.
Tuy vậy, ông Bản vẫn chưa từng có tâm lý buông xuôi, luôn tâm huyết và duy trì nghề với mong muốn “giữ gìn, truyền lại cho thế hệ con cháu để những tinh hoa dân tộc không bao giờ mất đi”.* Đổi thay để giữ nghề và phát triển
Hàng ngày trong căn nhà nhỏ nằm nép mình ở một góc phố hàng Quạt, Hoàn Kiếm Hà Nội, ông Phạm Văn Quang vẫn miệt mài làm việc để cung cấp cho thị trường những chiếc khuôn bánh truyền thống, góp phần lưu giữ nét nghề độc đáo của cha ông. Ông Phạm Văn Quang cho hay, gia đình ông nhiều đời làm nghề mộc ở làng Thượng Cung,Thường Tín (Hà Tây cũ) Hà Nội. Những năm đầu thế kỷ XX, gia đình ông lên con phố này làm nghề bán khuôn bánh Trung thu, đến hiện tại ông cũng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề. Theo ông Quang, bánh nướng, bánh dẻo xưa kia chỉ có những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định mới có, người ta làm để bán cho Vua chúa, quan tước hay những người có tiền. Thợ ở khắp nơi cũng phải theo lên phố để làm nghề.Giai đoạn làm ăn sướng nhất là khi xóa bỏ bao cấp, không chỉ những thành phố lớn mới làm bánh Trung thu, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng làm, nên người dân các tỉnh lên Hà Nội để mua khuôn.
Có những mùa Trung thu, ông Quang bán vài trăm cái khuôn, thậm chí làm ra không đủ đáp ứng cho thị trường.
Bây giờ sự xuất hiện của khuôn bánh bằng nhựa khiến đất sống của những người làm khuôn bánh truyền thống cũng bị thu hẹp dần. Để giữ nghề, ông tập trung sáng tạo thêm những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, như khắc thêm tên công ty hay lời nhắn gửi yêu thương…Ông cho rằng, người thợ cần sáng tạo ra những chiếc khuôn riêng biệt mà khuôn nhựa hay máy móc không thể đáp ứng được. Xã hội phát triển, tất cả mọi ngành nghề đều phải biến đổi, nếu chỉ đứng im sẽ bị mài mòn theo thời gian.
Ông Quang chia sẻ, nghề này khó nhất là thực sự hiểu được nhu cầu của khách để làm ra những chiếc khuôn mà người làm bánh nhìn thấy ưng ngay và người mua bánh cũng thích. Khách hàng có hiểu việc, có sành sỏi mới tìm ra điểm chưa tốt ở sản phẩm để chê.Người thợ có kinh nghiệm sẽ thấy lời chê của khách hàng gợi mở cho mình nhiều ý tưởng mới. Do đó ông luôn tâm niệm “khách hàng là thầy, đáp ứng yêu cầu thị trường là yếu tố sống còn để cửa hàng tồn tại”.
Tất nhiên không phải cái gì khách bảo cũng làm theo vì như thế không còn cái độc đáo vốn có của người làm nghề, ông nói.
Với ông Quang, khuôn bánh Trung thu cũng được coi như một tác phẩm mỹ thuật, một bức tranh âm bản. Các cụ xưa thường lấy ý tưởng từ cuộc sống, từ thiên nhiên để đưa vào khuôn bánh nên hình ảnh trong khuôn cũng mang ý nghĩa.Do đó, khi bán khuôn cho khách Việt kiều mang sang trang trí ở nước ngoài, ông đều giới thiệu ý nghĩa đằng sau những chiếc khuôn này để gợi mở câu chuyện và nhắc nhở khách nhớ về thời kì bao cấp, ý nghĩa bánh nướng, bánh dẻo…
Cẩn thận, chỉn chu đến mức khó tính, với ông Quang, dù làm bất cứ nghề gì cũng cần có 3 điều: “cái duyên, sự kiên trì, sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng và nhu cầu thị trường”.
Do đó, trong quá trình làm nghề ông luôn tự học, tự sáng tạo ra những mẫu mới theo yêu cầu của khách hàng. Không chỉ làm các loại khuôn bánh Trung thu, xôi oản, ông Quang còn làm tranh khắc gỗ, làm ban thờ để bán cho các nơi thờ tự.
Có người khuyên ông Quang chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng với lòng tự tôn của một người thợ giỏi nghề, ông Quang tin rằng, bằng tâm huyết, trách nhiệm, đam mê thì vẫn sống được bằng nghề. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, ông Quang vẫn chọn gắn bó với nghề làm khuôn bánh bằng gỗ.Nhiều người bỏ nghề vì áp lực kinh tế nhưng ông Quang quyết không “quay lưng” với nghề truyền thống của cha ông. Chừng nào những người như ông Quang, ông Bản vẫn còn, nghề làm khuôn bánh truyền thống sẽ vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện đại./.
Tin liên quan
-
Đời sống
Trung thu Phố cổ Hà Nội với nhiều hoạt động truyền thống đặc sắc
13:56' - 25/09/2020
Ngày 25/9, tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc Tết Trung thu năm 2020 với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, hấp dẫn.
-
Đời sống
Cách cắt tỉa hoa quả thành con vật ngộ nghĩnh cho mâm cỗ Trung Thu
08:47' - 25/09/2020
Những mâm cỗ Trung thu được làm từ hoa quả cắt tỉa đang ngày một được ưa chuộng bởi sự sáng tạo và độc đáo.
-
Đời sống
Cách bày mâm cỗ Trung thu đơn giản mà đẹp
08:07' - 24/09/2020
Vào dịp rằm Trung thu, các gia đình Việt Nam thường bày một mâm cỗ thật đẹp để dâng cúng tổ tiên và trông trăng. Tuy nhiên, bày một mâm cỗ đơn giản mà đẹp thì không phải ai cũng biết.
Tin cùng chuyên mục
-
Đời sống
Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
07:48'
Một thiếu niên hiện đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện nhi ở Vancouver, Canada sau khi nhiễm virus cúm gia cầm H5N1.
-
Đời sống
Xem ngay lịch âm dương hôm nay 23/11
05:00'
Xem ngay lịch âm hôm nay 23/11 nhanh nhất và chính xác nhất. Xem giờ tốt xấu ngày 23/11, việc nên làm, không nên làm hôm nay và lịch vạn niên tháng 11, chuyển đổi lịch âm - dương 2024.
-
Đời sống
Hà Nội: Gần 150 bộ hài cốt phát hiện ở phố Tây Sơn sẽ được an táng tại Nghĩa trang Yên Kỳ
15:00' - 22/11/2024
Theo những người cao tuổi sống lâu năm ở ngõ 167 Tây Sơn, những bộ hài cốt vừa mới phát hiện cũng như những bộ hài cốt phát hiện trước đây đều có niên đại khá lâu, khoảng 50-70 năm về trước.
-
Đời sống
Xem ngay lịch âm dương hôm nay 22/11
05:00' - 22/11/2024
Xem ngay lịch âm hôm nay 22/11 nhanh nhất và chính xác nhất. Xem giờ tốt xấu ngày 22/11, việc nên làm, không nên làm hôm nay và lịch vạn niên tháng 11, chuyển đổi lịch âm - dương 2024.
-
Đời sống
Hội Cựu chiến binh TTXVN bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội”
18:08' - 21/11/2024
Hội Cựu chiến binh TTXVN phối hợp Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” tại xã Quảng Hưng, Quảng Trạch (Quảng Bình).
-
Đời sống
Ba câu hỏi giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer
15:20' - 21/11/2024
Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một phương pháp đơn giản sử dụng 3 câu hỏi để giúp nhanh chóng phát hiện bệnh Alzheimer và chứng suy giảm nhận thức nhẹ.
-
Đời sống
Xem ngay lịch âm dương hôm nay 21/11
05:00' - 21/11/2024
Xem ngay lịch âm hôm nay 21/11 nhanh nhất và chính xác nhất. Xem giờ tốt xấu ngày 21/11, việc nên làm, không nên làm hôm nay và lịch vạn niên tháng 11, chuyển đổi lịch âm - dương 2024.
-
Đời sống
Xem ngay lịch âm dương hôm nay 20/11
05:00' - 20/11/2024
Xem ngay lịch âm hôm nay 20/11 nhanh nhất và chính xác nhất. Xem giờ tốt xấu ngày 20/11, việc nên làm, không nên làm hôm nay và lịch vạn niên tháng 11, chuyển đổi lịch âm - dương 2024.
-
Đời sống
Thêm đơn vị được cấp phép tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Đức ÖSD
16:34' - 19/11/2024
Sau Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thêm đơn vị được cấp phép tổ chức thi ÖSD tại Việt Nam.