Những phong tục đón Giáng sinh có 1-0-2 trên thế giới

20:03' - 19/12/2016
BNEWS Giáng sinh đang đến rất gần với tất cả mọi người trên khắp hành tinh này và tại mỗi quốc gia, khu vực đều có cách đón Giáng sinh độc đáo theo nét văn hóa truyền thống riêng của mình.

Phần Lan: Tắm hơi trước khi ông già Noel ghé thăm

Được biết đến như là nơi xuất xứ của ông già Noel, Phần Lan sở hữu cả một ngôi làng ông già Noel nổi tiếng ở Rovaniemi, nằm ngay vành đai Bắc Cực. Mọi hoạt động trong làng rất sôi động mỗi dịp Giáng sinh và năm mới đến.

“Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính. Ảnh: Turks and Caicos All Inclusive

Người dân đất nước này chuẩn bị đón Noel cả tháng trước đó để chắc rằng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Vào ngày Noel, hầu hết mọi người đều đến Nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình để tưởng nhớ những người đã khuất.

Và đặc biệt, người dân Phần Lan có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel ghé thăm rồi cùng các thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối.

“Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính và ông luôn hỏi các bé có ngoan không trước khi tặng quà.

Món ăn Giáng sinh truyền thống của Phần Lan gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. 

Pháp: Tặng trẻ con tấm lịch đặc biệt chứa chocolate

Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ Pháp sẽ mua cho con mình một tấm lịch “Calendrier de I’Vvent”. Bên trong tấm lịch đặc biệt này là những viên kẹo chocolate vuông, mỗi viên kẹo ứng với một cửa sổ, có đánh số ngày, từ mùng 1 đến 24, sắp xếp lộn xộn. 

“Calendrier de I’Vvent” - Tấm lịch đặc biệt mùa Noel của trẻ con Pháp. Ảnh: Whipper Berry

Mỗi sáng, trẻ em phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt này chỉ dành cho tháng Noel.

Cùng với đó, trẻ em Pháp sẽ để những đôi giày của mình gần đống lửa vào đêm trước Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel. Trong khi đó, những trẻ lớn hơn sẽ đi với người lớn tới nhà thờ lúc nửa đêm rồi mới quay về nhà dùng bữa ăn nhẹ gọi là “LeRe’veillon”.

Người Pháp còn tổ chức những màn biểu diễn con rối vào đêm Noel, phổ biến nhất là ở Paris và Lyons.

Anh: Viết thư cho ông già Noel rồi ném vào lò sưởi

Mỗi mùa Giáng sinh tới, trẻ em Anh thường viết những lá thư cho ông già Noel nói lên mong ước của mình rồi ném vào lò sưởi. Bọn trẻ tin rằng những lá thư này sẽ bay qua ống khói đến Bắc cực, nơi ở của ông già Noel.

Tại Anh, Giáng sinh diễn ra trong 3 ngày: Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12) và Boxing Day (26/12). Trong đó, người ta không ăn lễ nửa đêm ngày 24 mà vào chiều 25/12. Ðêm 24/12, họ đi dự lễ, khi về là ngủ ngay.

Trẻ con Anh tin rằng những lá thư sau khi được ném vào lò sưởi sẽ bay qua ống khói đến Bắc cực. Ảnh: istockphoto.com

Vào đêm Noel, những chiếc bánh pudding là món ăn không thể thiếu. Trong quy trình làm bánh, người dân Anh có truyền thống là ước một điều khi trộn các nguyên liệu với nhau theo chiều kim đồng hồ. Người ta cho rằng đó là con đường duy nhất để điều ước trở thành sự thật. 

Và bánh Pudding của người Anh thường có những điều đặc biệt ẩn giấu trong nhân bánh: Hạt đậu, đồng xu… Người nào nhận được phần bánh có nhân đặc biệt sẽ được may mắn cho cả năm.

Sau này chiếc bánh pudding đã xuất hiện trên bàn tiệc Giáng sinh của nhiều nước khác. Và Anh cũng là quốc gia đầu tiên trưng cây tầm gửi (biểu tượng cho hòa bình và hạnh phúc) trong dịp Giáng sinh.

Đức: Đi chơi chợ phiên Giáng sinh

“Alle Jahre wieder” tức là “Đến hẹn lại lên” - câu thành ngữ ấy luôn nảy ra trong tâm trí người Đức mỗi mùa Giáng sinh về. 

Từ đầu tháng 12, khắp nước Đức đều xuất hiện những phiên chợ đặc biệt, từ những phiên chợ chỉ vài ba gian hàng ở những thị trấn nhỏ trang trí bằng lồng đèn với cành thông đơn giản, cho đến những hội chợ lớn ở các đô thị.

Bánh "Dresdner Christstollen” không thể thiếu trong các phiên chợ Giáng sinh tại Đức. Ảnh: The Bell Kitchen

Đi chơi chợ Giáng sinh là truyền thống của người Đức. Loại hàng hóa nổi tiếng nhất của chợ là bánh "Dresdner Christstollen”. Thuở xưa, còn có tên là bánh Striezel - nổi tiếng đến mức chợ cũng mang tên loại bánh này. Hiếm có ai, nhất là khách du lịch đến chợ lại không thưởng thức loại bánh này và mua về làm quà tặng cho người thân.

Còn tại nhà riêng, người Đức thường kê một chiếc bàn gần cửa sổ với nhiều bát đĩa. Trẻ em Đức vẽ những bức tranh để trên cửa sổ suốt đêm để ông già Noel không quên trút đầy kẹo bánh, quà thưởng vào bát đĩa cho chúng.

Người Đức yêu thích một loài hoa gọi là hoa Giáng sinh vì những cánh hoa vẫn nở tươi giữa trời tuyết lạnh giá.

Italy: Bà già Noel mới là người tặng quà cho trẻ em

Theo tục lệ truyền thống của Italy, vào đêm sau ngày lễ Noel, không phải ông già Noel mà là bà già Noel tên là Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em. Truyền thuyết kể rằng bà Noel bay quanh nước Italia trên một cây chổi và tặng đồ chơi, kẹo, trái cây cho những trẻ em ngoan, đồng thời cũng phạt những đứa trẻ không ngoan.

Ở Italy, không phải ông già Noel mà là bà già Noel tên là Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em. Ảnh: Pinterest

Bữa tối 24/12 của người Italy thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm một món ăn với cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Những ngọn nến được thắp sáng lung linh, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ''em bé thần thánh''.

Ukraine: Ngày Giáng sinh chính thống là 7/1

Ngày Giáng sinh chính thống của đất nước này là 7/1 và ông già Noel đến thăm trẻ em bằng chiếc xe trượt tuyết được kéo bởi ba con tuần lộc chứ không phải bằng sáu con như thường lệ. 

Ông già Noel đi cùng một cô bé tên là “Cô bé bông tuyết” vì cô mặc y phục màu xanh bạc và đội một chiếc mũ bông tuyết trắng.

Ngày Giáng sinh chính thống của Ukraine này là 7/1. Ảnh: ForeignUkraine24

Người Ukraine trang trí mạng nhện giả lên cây Giáng sinh để ước vọng gặp nhiều may mắn. Theo truyền thuyết, một đàn nhện đã giăng tơ trang trí cây thông giúp một gia đình nghèo. Kỳ lạ thay, vào đúng Giáng sinh, những sợi tơ bình thường ấy bỗng hóa thành những sợi tơ bằng vàng và bạc.

>>> Lễ Giáng sinh diễn ra vào đêm 24 hay 25/12?

Áo: Ông già Noel phát quà từ ngày 6/12

Từ ngày 6/12, ông già Noel của Áo đã đi phát kẹo, hạt dẻ và táo cho trẻ em. Còn đến ngày 24/12, một nhân vật tí hon có cánh tên là Kristkindl mang quà và cây thông Noel tới. 

Bọn trẻ sẽ chờ đợi tới khi nào nghe tiếng chuông leng keng mới được mở cửa bước vào phòng, nơi có cây thông Noel được trang trí những ngọn nến và kẹo mứt đang chờ đón.

Na Uy: Đặt tô cháo mạch trong nhà cầu mong ấm no

Vào đêm Noel, thay vì những món ăn phổ biến vùng Bắc Âu như gà tây quay, bánh khúc gỗ..., người dân Na Uy sẽ đặt một tô cháo mạch trong nhà để thờ thần bảo vệ nông trại, cầu mong ông đem lại một năm mới ấm no.

Chú lùn Giáng sinh Julenissen. Ảnh: Sketcher-Guy - DeviantArt

Chú lùn Giáng sinh Julenissen sẽ đội một chiếc mũ chóp dài với bộ râu dài trắng xóa, mang quà đến cho trẻ em. Mọi người trong gia đình cũng tặng quà nhau trong ngày Giáng sinh và nắm tay nhau nhảy múa, hát hò quanh cây thông Noel trang hoàng lộng lẫy.

Theo phong tục, trẻ em Na Uy mặc trang phục ngày Giáng sinh và đi từ nhà này sang nhà khác để đòi quà, cũng giống như trẻ em Mỹ trong lễ Halloween. Đứa trẻ dẫn đầu sẽ hóa trang thành con dê và phong tục này được gọi là “going Julebukk”.

Ba Lan: Bày 5, 7 hay 9 đĩa trên bàn ăn đêm Giáng sinh

Là một đất nước theo Thiên chúa giáo, người Ba Lan luôn chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời ngày Giáng sinh. Ai nhìn thấy nó đầu tiên có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối. 

Bữa ăn này thường có đến 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và thường bắt đầu với món súp củ cải đỏ hoặc rau bắp cải, sau đó là cá hoặc gà tây.

Gia đình người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng con số đĩa.

Phần quan trọng đặc biệt của bữa tiệc là lúc bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa Jesus ra đời. Chiếc oplatek bẻ ra được chia cho tất cả mọi người trên bàn ăn.

New Zealand: Giáng sinh bắt đầu vào giữa mùa Hè

Giáng sinh tại New Zealand lại bắt đầu vào giữa mùa hè. Ảnh: utest.com

Nằm ở Nam bán cầu, Giáng sinh tại New Zealand lại bắt đầu vào giữa mùa hè. Thay vì uống nước nóng, ông già Noel thường nhận được một cốc bia mát lạnh. Nhiều gia đình đi picnic hay tắm biển vào chiều Giáng sinh.

Theo truyền thống, họ thường thích dùng thịt xông khói hơn ăn một con gà tây.

Australia: Kangaroo sẽ kéo xe trượt tuyết của ông già Noel

Tại xứ sở của những chú chuột túi Australia, thay vì những chú tuần lộc như ở Bắc Âu, xe trượt tuyết của ông già Noel thường được kéo bởi tám con Kangaroo trắng. 

Một trong những sự kiện nổi bật không thể thiếu trong những ngày này là “Đêm đốt nến hát Thánh Ca mùa Giáng sinh” (Carols By Candlelight).

Kangaroo sẽ kéo xe trượt tuyết của ông già Noel. Ảnh: Love Santa

Sự kiện này bắt nguồn từ thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngàn người tụ tập cùng hát vang những bài Thánh Ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp “hòa bình trên khắp trái đất và niềm vui đến mọi nhà.”

Ngày Giáng sinh ở Australia còn là ngày truyền thống của việc tặng quà và các sự kiện thể thao diễn ra như thi bóng chày và đua thuyền buồm.

Thụy Sĩ: Ông già Noel chở trẻ em vòng quanh thành phố bằng... xe buýt

Ông già Noel tại Thụy Sĩ không giống như bất kỳ ông già Noel của đất nước nào trên thế giới. Không có mũ đỏ, không cưỡi tuần lộc mà ông lại đi trên một chiếc xe buýt huyền thoại, chở trẻ em đi chơi vòng quanh khắp thành phố, hát hò với chúng và cho chúng một giỏ đầy kẹo.

>>> Những điểm vui chơi thú vị tại Sài gòn trong dịp Giáng Sinh

>>> Địa điểm check-in hot nhất Giáng sinh năm nay không thể bỏ qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục