Những quy định mới đáng chú ý trong Luật Nhà ở vừa được thông qua

13:36' - 29/11/2023
BNEWS Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua có nhiều quy định mới về quản lý chung cư mini, bỏ thời hạn sở hữu nhà chung cư và nhiều chính sách đáng chú ý dành cho nhà ở xã hội.
Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 433/472 phiếu tán thành (tương đương 87,65% tổng số đại biểu Quốc hội). Theo đó, Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Một số nội dung đáng chú ý trong dự án luật là siết chặt quy định về việc xây dựng chung cư mini, mở rộng đối tượng thuê nhà ở công vụ, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Siết quy định xây dựng chung cư mini

 
Điều 57 Luật Nhà ở mới quy định để đảm bảo năng lực của nhà đầu tư là cá nhân phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Chủ đầu tư chung cư mini phải chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; việc bán, cho thuê, cho thuê mua phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Trường hợp cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có các căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ quy định trong hai trường hợp này được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, việc đầu tư chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ trưởng Xây dựng ban hành. Khu nhà phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.

Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc đáp ứng yêu cầu, điều kiện quy định của các dự án trên địa bàn.

Bỏ điều kiện cư trú với người mua nhà ở xã hội

Liên quan đến điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Luật Nhà ở mới đã bãi bỏ điều kiện cư trú. Giao cho Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Điều 85 Luật Nhà ở cũng quy định chủ đầu tư dự án đầu tư nhà ở xã hội không phải bằng vốn ngân sách Nhà nước được hưởng các ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế…

Ngoài ra, khoản 4 Điều 80 quy định Tổng Liên đoàn là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê. Nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn tài chính công đoàn.

Việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, để thuận lợi cho việc phát triển các dự án, Luật Nhà ở sửa đổi quy định ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Đối với khu vực nông thôn, ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Hoặc, quỹ đất nhà ở xã hội có thể được bố trí ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó. 

Doanh nghiệp cũng có thể đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Miễn tiền sử dụng đất cải tạo, xây dựng mới lại chung cư cũ

Luật Nhà ở quy định cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư với nhiều cơ chế ưu đãi như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Mở rộng đối tượng thuê nhà ở công vụ

Về đối tượng được thuê nhà ở công vụ, Điều 45 Luật Nhà ở sửa đổi đã bổ xung thêm các đối tượng được thuê nhà ở công vụ là người làm công tác cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu không phụ thuộc vào địa bàn công tác; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa. 

Trước đó, đối tượng được thuê nhà ở công vụ gồm cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc trường hợp ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ; cán bộ, công chức thuộc cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển, biệt phái từ địa phương về cơ quan trung ương công tác giữ chức vụ từ Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên.

Cán bộ được điều động, luân chuyển, biệt phái từ cơ quan trung ương về địa phương công tác hoặc từ địa phương này đến địa phương khác để giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên.

Ngoài ra, đối tượng được thuê nhà ở công vụ còn có cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo...

Quy định về quỹ bảo trì nhà chung cư

Điều 152, Điều 153 và Điều 154 Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì và không được sử dụng kinh phí bảo trì vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.

Đồng thời quy định trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì.

UBND cấp huyện phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư và trong thời hạn 10 ngày.

Kể từ ngày có văn bản của UBND cấp huyện mà chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục