Những sự kiện trong nước đáng nhớ ngày 29-7

10:29' - 28/07/2021
BNEWS - Ngày 29-7-1982: Thành lập Cục sáng chế (tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ).

* Sự kiện

- Ngày 29-7-1982: Thành lập Cục sáng chế (tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ)

Sự ra đời của Cục sáng chế khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Cùng với sự phát triển của đất nước, đến nay Cục SHTT đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ và Bộ KH&CN thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2019, với chỉ số chung đạt 38,84 điểm, Việt Nam đứng thứ 42/129 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng (GII) 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/ nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 – được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam.

- Ngày 29-7-1985: Tại Hà Nội, tổ chức kỳ họp đầu tiên Ủy ban Hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật liên Chính phủ Việt Nam-Angola. Hai bên ký Nghị định thư hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa hai nước.

- Ngày 29-7-1993: Kỳ thủ cờ vua Đào Thiên Hải giành Huy chương Vàng Giải cờ vua trẻ tổ chức tại Slovakia.

- Ngày 29 và 30-7-2005: Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VI

Đại hội diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của gần 500 đại biểu.

Đại hội tập trung vào những vấn đề thời sự của điện ảnh Việt Nam như: tính chuyên nghiệp, đổi mới tư duy trong sáng tác, công tác bồi dưỡng đội ngũ những nhà làm phim trẻ, công tác phát hành phim, công tác lý luận phê bình... Đại hội thống nhất cần đổi mới cả tư duy sáng tác và hoạt động quản lý, nhanh chóng nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác điện ảnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VI gồm 10 ủy viên, do ông Trần Luân Kim làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2005-2010.

- Ngày 29-7-2009: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 99/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020

Theo đó, Thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ được xây dựng thành trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; trở thành động lực phát triển vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đây là hạt nhân của khu kinh tế mở, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hoá-xã hội và đảm bảo vùng biên giới hoà bình, hữu nghị, cùng phát triển. Động lực phát triển chính của thành phố là thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông quốc tế.

Đến năm 2020, thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái trở thành đô thị loại II biên giới, có quy mô dân số khoảng 175 ngàn người. Từ nay đến năm 2020, Móng Cái sẽ tập trung ưu tiên cho 26 dự án phát triển hạ tầng để phục vụ giao thông, thương mại, du lịch, giải trí...

- Ngày 29-7-2011: Lễ công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội và của cả nước.

Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý việc đầu tư xây dựng phát triển đô thị, phát huy có hiệu quả hơn nữa mọi tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô để từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân.

Gắn sự phát triển của Thủ đô với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, bảo đảm sự thống nhất trong chiến lược phát triển chung để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự là động lực phát triển của cả nước.

- Ngày 29-7-2011: Lễ thông xe thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước - Việt Nam) - Trapeang Sre (tỉnh Kratie - Vương Quốc Campuchia).

Đây là cặp cửa khẩu thứ 5 trong 7 cặp cửa khẩu được quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ ngày 1-6-1998 và Nghị định thư ngày 10-5-2005.

Việc thông xe tại cặp cửa khẩu này cho phép phương tiện vận tải thương mại của hai nước đi sâu vào lãnh thổ của nhau, góp phần làm giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi đối với người, hàng hóa và phương tiện qua lại biên giới, qua đó, tạo điều kiện để phát triển, giao lưu kinh tế, thương mại giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ của Việt Nam với các tỉnh phía Đông của Campuchia nói riêng và giữa Việt Nam và Campuchia nói chung…

- Ngày 29-7-2014: Khánh thành Trung tâm nội soi tiêu hóa Việt Nam-Nhật Bản

Trung tâm được thành lập trên nền tảng hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trường đại học Nagoya (Nhật Bản).

Trong khuôn khổ hợp tác, phía Nhật Bản cung cấp hệ thống thiết bị nội soi hiện đại có độ phóng đại lớn và phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm, với tổng kinh phí là một triệu USD.

Bệnh viện Trường đại học Nagoya cũng cử bác sĩ, điều dưỡng sang làm việc tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai để giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đặc biệt tuyến trung ương, là tuyến cao nhất trong hệ thống y tế đảm nhận chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn bộ các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

- Ngày 29-7-2015: Lễ khánh thành Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Bến Lức, Long An

Được khởi công từ tháng 7-2010, công trình có diện tích hơn 1 ha, tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 78 tỷ đồng.

Khu lưu niệm là một tổng thể công trình với nhiều hạng mục như: khu tái hiện nhà ở lúc sinh thời của Luật sư, công viên, cây xanh, thảm cỏ… trong đó hai hạng mục quan trọng nhất là Nhà tưởng niệm và Nhà trưng bày - Thư viện giới thiệu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.  

Tại buổi lễ khánh thành, lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.  

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10-7-1910 tại Long An. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách cách mạng.

- Ngày 29-7-2015: Hệ thống đu dây tự do Sông Chày - Hang  Tối lập kỷ lục dài nhất Việt Nam

Với độ dài lên tới 400m, hệ thống đu dây tự do (zip-line) tour du lịch Sông Chày - Hang Tối, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được đánh giá là hình thức giải trí vô cùng hấp dẫn với những du khách thích trải nghiệm, chinh phục và khám phá. Hệ thống đu dây tự do này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là hệ thống zip-line 2 dây dài nhất Việt Nam.

Không chỉ có độ dài kỷ lục mà  hệ thống đu dây còn được xây dựng tại nơi có địa thế rất đẹp, được đầu tư khá bài bản và hiện đạị. Khi tham gia loại hình này, du khách sẽ như những cách én chao liệng mặc sức thỏa mãn đam mê trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp tuyến du lịch từ trên không. 

Kể từ khi đưa vào sử dụng từ tháng 9/2014, hệ thống zip-line này đã phục vụ một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.

- Ngày 29-7-2017: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg Thành lập Khu kinh tế Thái Bình

Theo đó, Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình là Khu kinh tế ven biển bao gồm 30 xã, một thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Trong đó huyện Thái Thụy gồm 14 xã và một thị trấn; huyện Tiền Hải gồm 16 xã.

Khu Kinh tế có diện tích tự nhiên 30.583 ha, bao gồm các khu chức năng như: khu trung tâm điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư…

Mục tiêu là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.

- Ngày 29-7-2017: Khánh thành Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn

Được khởi công xây dựng ngày 26-5-2015 trên diện tích 2.700m2, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Tỉnh đoàn Bến Tre, Khu lưu niệm là một tổng thể công trình với nhiều hạng mục như: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, quầy lưu niệm…

Đây là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên gắn với tấm gương anh dũng của liệt sĩ Trần Văn Ơn.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn sinh ngày 14-4-1931 tại tỉnh Bến Tre. Những năm 1947-1948, Trần Văn Ơn tham gia dẫn đầu phong trào học sinh, sinh viên biểu tình đòi các quyền tự do: “Trả tự do cho các sinh viên bị bắt”, “Đòi mở cửa trường”, “Đòi học tiếng mẹ đẻ”…

Ngày 9-1-1950, anh đã hy sinh khi mới 19 tuổi. Ngay sau đó ngày 9-1 được lấy làm Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên.

* Nhân vật:

- Ngày 29-7-1885: Ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật

Sinh ngày 4-11-1825, suốt cuộc đời, Phạm Thận Duật luôn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, một sĩ phu yêu nước tiêu biểu, một nhà nho yêu nước đầu tiên phát động phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Sự nghiệp văn hóa của ông  để dấu ấn trên nhiều mặt hoạt động: giáo dục, sử học khoa học trị thủy, khảo cứu sưu tầm, ngôn ngữ,… Ông còn có vốn tri thức sâu sắc về quản lý hành chính, quân sự, ngoại giao, hình luật và kinh tế. Ông là người đã tổng duyệt bộ chính sử lớn nhất triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”.

Năm 2000, Giải thưởng sử học mang tên Phạm Thận Duật ra đời với mục đích góp phần động viên các tài năng sử học xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành khoa học lịch sử Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục