Những tác động kinh tế từ đà giảm của đồng yen

16:34' - 20/04/2022
BNEWS Đồng yen đã giảm đáng kể trong năm nay, khi các ngân hàng trung ương lớn tại châu Âu và Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá hàng hóa quốc tế tiếp tục tăng và củng cố tác động từ sự sụt giảm của đồng yen đối với kinh tế Nhật Bản.

 

Theo thống kê, đồng yen đã giảm khoảng 5,7% trong quý I/2022. Trong tháng Ba, đồng tiền này đã giảm 6,9% so với đồng USD. Cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản tiếp tục giảm do đà giảm của đồng yen.

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết do các vấn đề như đà tăng của giá nhập khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm từ cuối tháng Tám và rơi vào trạng thái thâm hụt trong tháng 12/2021. Mức thâm hụt đã tăng lên 1.188 tỷ yen (9,26 tỷ USD) trong tháng 1/2022.

Tờ The Nikkei ước tính thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật Bản sẽ chạm mức 16.000 tỷ yen (124,63 tỷ USD) trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng Ba), nếu đồng yen tiếp tục giảm và giá dầu tăng lên 130 USD/thùng.

Đà giảm của đồng yen càng đào sâu tác động của đợt tăng giá hàng hóa quốc tế đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), chỉ số lạm phát doanh nghiệp của Nhật Bản đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 112 trong tháng Ba, tăng tháng thứ 13 liên tiếp, do giá nhập khẩu tiếp tục tăng.

Nhật Bản đang đối mặt với sức ép giảm phát trong một thời gian dài, và đại dịch COVID-19 làm suy giảm nhu cầu trong nước.

Một trong những nguyên nhân chính khiến đồng yen giảm mạnh là do sự khác biệt về chính sách giữa BoJ và các ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu và Mỹ.

Kể từ đầu năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, BoJ vẫn bám sát chính sách tiền tệ siêu lỏng. Ngoài ra, còn có những lý do về cơ cấu như sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu của quốc gia này.

Mặc dù đồng yên giảm giá có lợi cho Nhật Bản trong hoạt động xuất khẩu, song một số chuyên gia cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, tác dụng của việc mở rộng xuất khẩu để cắt giảm thâm hụt cán cân vãng lai đã giảm đi đáng kể.

Sự kết hợp của giá dầu cao và đồng yên giảm giá đã dẫn đến nhu cầu USD tăng vọt và một lượng lớn vốn chảy khỏi Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Junichi Suzuki cho biết sự ổn định của tỷ giá hối đoái là rất quan trọng và Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường ngoại hối và tác động đối với nền kinh tế Nhật Bản, đồng thời duy trì liên lạc chặt chẽ với các cơ quan quản lý tiền tệ tại Mỹ và các nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục