Những thách thức đối với hệ thống ngân hàng Thái Lan

08:28' - 03/06/2023
BNEWS Ngành ngân hàng Thái Lan đã phải đối mặt nhiều thách thức từ cuộc khủng hoảng liên quan đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong việc xử lý nợ để hỗ trợ những người đi vay gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần phục hồi, các doanh nghiệp đang thích nghi và tự điều chỉnh để trở lại bình thường.

 

Trong nửa cuối năm 2023, mặc dù hệ thống ngân hàng Thái Lan nói chung vẫn khá mạnh và sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động kinh tế, tuy nhiên hệ thống này cũng phải cảnh giác với các rủi ro kinh tế và chuẩn bị cho các thách thức khác nhau.

Hoạt động và kết quả của hệ thống ngân hàng Thái Lan phản ánh sức mạnh của hệ thống này như một cơ chế hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.

Hệ thống ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện trong quý đầu tiên của năm nay, với lợi nhuận ròng tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là nhờ thu nhập lãi thuần cao hơn và mở rộng cho vay, mặc dù tốc độ tăng không nhanh, nhất là trong lĩnh vực tài chính và thương mại, bao gồm thế chấp nhà ở và cho vay cá nhân.

Một trong những thách thức đối với hệ thống ngân hàng Thái Lan đang ở phía trước là vấn đề nợ xấu. Chất lượng các khoản cho vay có cải thiện nhẹ so với cuối năm 2022, nhưng nợ xấu (NPL) vẫn chiếm 2,7% tổng nợ. Điều này cần được tính toán kỹ để chủ động quản lý nợ và hỗ trợ khách hàng trong việc cơ cấu lại nợ.

Về tính ổn định của hệ thống ngân hàng, quỹ dự trữ và thanh khoản luôn duy trì ở mức cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng cao trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc mở rộng cho vay được dự đoán sẽ chậm hơn trong năm nay do tác động của việc tăng lãi suất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một phần đáng kể các doanh nghiệp lớn tìm vốn thông qua chứng khoán nợ, trong khi các khoản vay cá nhân mở rộng cùng với sự phục hồi kinh tế. Mặc dù tăng trưởng kinh tế liên tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự phục hồi của ngành du lịch và tăng chi tiêu tiêu dùng, tuy nhiên những thách thức có thể nảy sinh từ lĩnh vực xuất khẩu, có khả năng ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay.

Hơn nữa, hệ thống ngân hàng thương mại phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm mức độ cạnh tranh cao trong huy động tiền gửi, vốn ngày càng gay gắt vì lãi suất tăng và dự trữ giảm dần do liên tục mở rộng cho vay. Các yếu tố khác bao gồm xu hướng giảm chất lượng khoản vay, các quy định mới liên quan đến biến đổi khí hậu và cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Xu hướng huy động tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại dự kiến sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 5% vào cuối năm 2023, phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 3,4%.

Hệ thống đang chuẩn bị thanh khoản để hỗ trợ tăng trưởng cho vay dự đoán là từ 1-2% nhưng cạnh tranh huy động tiền gửi đặt ra thách thức cho việc quản lý chi phí tài chính, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ, vì việc chuyển các chi phí này sang lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả điều kiện kinh tế và sự sẵn sàng của khách hàng.

Chất lượng cho vay có xu hướng giảm sút sau khi các biện pháp xóa nợ hết hiệu lực. Mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi nhất quán, nhưng tốc độ phục hồi không đồng đều giữa các ngành do chi phí sản xuất tăng và xu hướng lãi suất tăng, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người đi vay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục