Những thách thức đối với nền kinh tế Cuba năm 2017

05:30' - 02/11/2017
BNEWS Dù chưa thể đưa ra thống kê đầy đủ và chính xác ảnh hưởng của siêu bão Irma đối với Cuba, tới thời điểm này đã có thể dự báo rằng rất khó để đảo quốc Caribe đạt mục tiêu tăng trưởng 1% của năm nay.
Người dân tại Cojimar, Cuba khắc phục hậu quả sau bão Irma ngày 10/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Mục tiêu này ban đầu là 2%, nhưng sau đó đã được điều chỉnh xuống thành 1% sau khi Cuba chỉ đạt tăng trưởng 0,9% sau sáu tháng đầu năm. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Cuba sẽ tiếp tục tình trạng sa sút hoặc chỉ đạt mức tăng trưởng rất thấp, và dự báo lạc quan nhất cũng chỉ ở mức 0,6 – 0,8% trong năm nay.

Thông thường, nửa đầu năm luôn là khoảng thời gian ghi nhận tăng trưởng kinh tế cao hơn, do phần lớn vụ thu hoạch mía rơi vào thời kỳ này, thêm vào đó là 3 tháng cao điểm du lịch (nửa cuối năm chỉ có hơn 1 tháng cao điểm). Như vậy, xét tới chỉ số tăng trưởng khiêm tốn 0,9% trong nửa đầu năm, cần phải có một nỗ lực phi thường trong nửa cuối năm để Cuba đạt được con số trên 1%. 

Và trong bối cảnh đó, sự đổ bộ của trận bão lịch sử cùng tác động to lớn của nó tới du lịch, nông nghiệp, công nghiệp mía đường và nhiều ngành kinh tế khác, cộng với việc cắt giảm ngân sách nhập khẩu dự báo trước cho nửa cuối năm nay và việc luồng khách Mỹ tới Cuba có thể sụt giảm do tác động từ các biện pháp mang tính trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã đặt mọi tham vọng của La Habana về việc thoát khỏi tình trạng suy giảm kinh tế đã kéo dài hơn 1 năm qua vào vòng rủi ro.

Kiều hối, một nguồn thu nhập tối quan trọng khác của Cuba, vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những tháng qua, đặc biệt là do mục đích giúp đỡ các thân nhân bị thiệt hại do bão và cấp vốn cho các hoạt động kinh doanh tư nhân, mặc dù nhiều loại hình đã bị ngừng cấp giấy phép mới từ tháng 8 vừa qua.

Tuy nhiên nguồn tài chính này có thể bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2017, do những phí tổn mà những kiều dân Cuba tại Mỹ, chủ yếu định cư tại bang Florida, phải trang trải cho việc tu sửa nhà cửa của chính mình khi cũng phải hứng chịu tác động từ siêu bão nói trên. 

Mặt khác, hoạt động gửi tiền này cũng bị tác động tiêu cực do việc cắt giảm các chuyến thăm thân của nhiều người Cuba tới Mỹ, sau khi Washington ngừng việc cấp thị thực tại Đại sứ quán của mình tại La Habana.

Tháng 9 vừa qua, số lượng du khách tới Cuba giảm 50%.Đây là tình trạng khá điển hình của mùa thấp điểm của ngành “công nghiệp không khói” tại Cuba, cộng với yếu tố mưa bão.

Trong sáu tháng đầu năm, đảo quốc Caribe đã tiếp nhận 2,668 triệu du khách, tăng tới 23,2% so với cùng kỳ năm 2016; và trong bối cảnh này, dù việc vượt mốc đón 4 triệu du khách của năm ngoái đã rất gần kề thì mục tiêu đề ra trong năm nay là đón 4,7 triệu lượt người nước ngoài lại khó trở thành hiện thực.

Trong dự toán ngân sách 2017, Chính phủ Cuba từng hoạch định mức thâm hụt lên tới 12% GDP. Nhưng với những chi phí phát sinh do việc trợ cấp nhân dân xây dựng lại, sửa sang nhà cửa và khôi phục hoạt động kinh tế sau khi khắc phục hậu quả của bão Irma, mức thâm hụt được đánh giá là rất cao trên có thể còn tăng hơn nữa.

Nguồn thu từ hoạt động trao đổi, cả hàng hóa lẫn dịch vụ với đối tác chiến lược Venezuela, cũng như mức sụt giảm nói chung của một số ngạch xuất khẩu chủ yếu của Cuba, đã khiến La Habana đi tới quyết định cắt giảm tới 1,5 tỷ USD ngân sách nhập khẩu trong nửa cuối năm 2017. 

Cần nhấn mạnh rằng trao đổi thương mại với Venezuela (thường dưới hình thức hàng đổi hàng, hoặc hàng đổi dịch vụ) đã sụt giảm từ mức 8,5 tỷ USD năm 2014 xuống mức 2,2 tỷ USD trong năm 2016, và năm 2017 không cho thấy xu hướng phục hồi. Tình trạng bất ổn của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ nhiều dầu mỏ này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới Cuba.

Mặt khác, đầu tư nước ngoài đã không mang lại những kết quả như mong đợi, khi không cung cấp đủ nguồn vốn và hạ tầng kỹ thuật như kỳ vọng. Theo một số nguôn tin, một số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào Đặc khu phát triển Mariel đã triển khai khá chậm chạp, phần nhiều do các thủ tục quan liêu của La Habana. 

Mặc dù trong Hội chợ triển lãm quốc tế La Habana (hoạt động thương mại thường niên lớn nhất của Cuba) lần tới, Chính phủ Cuba hẳn sẽ công bố thêm một số thỏa thuận mới, nhưng cho tới nay nhìn chung các dự án trong mảng này vẫn chưa có nhiều tiến triển. Nhiều doanh nghiệp khách sạn có mặt tại Cuba, đối tác với tập đoàn du lịch Gaviota (do Quân đội Cuba kiểm soát) đã thoái vốn do bất đồng quan điểm về những hợp đồng mới.

Căng thẳng xuất hiện xung quanh những tổn thương sức khỏe giả định của các quan chức ngoại giao Mỹ tại Cuba, việc Washington cắt giảm nhân sự tại cả hai đại sứ quán cũng như ngừng cấp thị thực cho công dân Cuba tới Mỹ để “trả đũa” vụ việc này, đã đẩy nhanh xu hướng tổn hại quan hệ song phương, và thậm chí có thể tạo ra những xung đột ngoại giao mới. 

Tuy vậy, cho tới thời điểm này, những trao đổi kinh tế thưa thớt giữa hai nước vẫn được duy trì, với các tuyến bay thương mại thông thường và các chuyến cập cảng Cuba của các tàu biển du lịch cỡ lớn từ Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động, trong khi tập đoàn Sheraton vẫn tiếp tục triển khai dự án của mình tại một khách sạn của Cuba.

Nhiều chuyên gia kinh tế Cuba cũng đã thẳng thắn chia sẻ đánh giá rằng nền kinh tế của “đất nước hình cá sấu” này trong năm nay sẽ tiếp tục đà suy giảm hoặc tăng trưởng không đáng kể. Chỉ cần lướt qua các kệ hàng tại các siêu thị bằng đồng peso chuyển đổi (nơi được ưu tiên cung cấp hàng hóa tại Cuba) trước và sau cơn bão Irma, cũng có thể mang lại cảm giác và kết luận tương tự.

Tình hình kinh tế trong quý cuối của năm 2017, căng thẳng và phức tạp hơn nhiều so với chờ đợi, chính là một thách thức thực sự cho Chính phủ và toàn xã hội Cuba./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục