Những thách thức đối với "sức mạnh" của EU sau Brexit (Phần 2)

06:00' - 17/02/2020
BNEWS Các cuộc đàm phán liên quan tới Brexit là vấn đề nhiều sức ép nhất, nhưng có thể không phải là quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020.
Cờ Anh (phía trước) và cờ EU (phía sau) tại thủ đô London, Anh. Ảnh: THX/ TTXVN 

Theo tờ Financial Times, vị trí đó thuộc về hội nghị bàn về tương lai châu Âu sắp được triển khai. Đây là cơ hội hiếm hoi để tân trang lại bộ máy đã hoạt động kém hiệu quả trong lòng EU. Tuy nhiên, rất có thể cơ hội này sẽ bị bỏ lỡ.

Điều mà EU cần sửa đổi nhiều hơn bất kỳ vấn đề nào khác đó chính là sự chia rẽ giữa nhóm nòng cốt và nhóm ngoại vi. Brexit là sự thể hiện rõ ràng nhất của sự chia rẽ này, vốn đã có từ những năm 90 và khi Hiệp ước Maastricht ra đời.

Việc đưa đồng tiền chung vào lưu thông và sau đó là việc mở rộng khu vực đồng euro kết nạp cả các quốc gia chưa được chuẩn bị đầy đủ về mặt kinh tế đã tạo ra hai đường chia rẽ cơ bản: Giữa phía Bắc và phía Nam của Eurozone, và giữa phía Đông và phía Tây.

Điều này càng cho thấy rõ rằng những thiện chí tốt đẹp nhất dành cho châu Âu lại vô tình trở thành viên gạch lát đường dẫn tới địa ngục. Đồng euro bắt đầu như một dự án mang tính liên bang. Đây là một dự án thiếu hoàn chỉnh rất nguy hiểm. 

Nền chính trị hậu hiệp ước Maastricht đã đẩy EU vào tình trạng quá tập trung vào việc xây dựng một thị trường chung, và không đủ quan tâm tới việc xây dựng một liên minh tiền tệ.

Các quốc gia nòng cốt cần ưu tiên ba lĩnh vực của sự hợp nhất: Chính sách công nghiệp, chính sách ngoại giao và an ninh, và một liên minh tài chính đủ lớn để ổn định nền kinh tế. Chắc chắn rằng cả ba lĩnh vực này đều được nỗ lực thực hiện, song giống như ngân sách cho khu vực đồng tiền chung euro, chúng sẽ dần tan biến. Và rồi điều gì tiếp theo?

Một trong những rủi ro là sự tan rã - bắt đầu bằng Brexit - sẽ tiếp tục diễn ra. Nếu cuối cùng nền kinh tế Anh vẫn ổn thỏa, dư luận ở một số quốc gia thành viên trong nhóm ngoại vi có thể sẽ dần chuyển sang phản đối việc tiếp tục là thành viên EU.

Nếu nước Anh cho thấy rằng cuộc sống khi ra khỏi EU hoàn toàn có thể chịu đựng được, thì Brexit sẽ trở nên ít đáng sợ hơn. Đừng đánh giá thấp sự tức giận còn sót lại ở Hy Lạp và Italy đối với cách EU giải quyết cuộc khủng hoảng của họ và buộc họ phải thực hiện chính sách khắc khổ tài chính cho dù họ không muốn.

Nguy cơ lớn hơn là sự bất đồng. Tám trong số 27 quốc gia thành viên EU còn lại nằm ngoài khu vực đồng euro. Và các quốc gia nòng cốt cũng như ngoại vi có xu hướng chống lại những tham vọng của nhau.

Sự chia rẽ trong khu vực đồng tiền chung là một trong những lý do tại sao EU không thể nâng cấp đồng euro trở thành một công cụ chính sách ngoại giao giống như Mỹ đã làm. Và tại sau EU thấy khó có thể giải quyết những vấn đề dai dẳng như nhập cư, vốn cần tới hành động tập thể.

Giải quyết sự chia rẽ giữa nhóm nòng cốt và nhóm ngoại vi có thể sẽ dẫn tới sự chính thức công nhận một châu Âu hai tốc độ. Không còn cách nào khác ngoài cách đó. Điều này sẽ giúp các nước ngoại vi có thêm chủ quyền nhưng ít ảnh hưởng. Trong khi đó, các nước nòng cốt lại có thêm các công cụ chính sách.

Một trong số nhiều vấn đề mà một EU hùng mạnh hơn có thể giải quyết tốt hơn đó là chính sách năng lượng. "Dòng chảy phương Bắc 2", dự án đường ống dẫn khí đốt vẫn chưa hoàn thành ở Biển Baltic, là một dự án do Đức thúc đẩy. 

Nếu được hoàn thành, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga và gây ra bất đồng trong liên minh này. Một chính sách năng lượng của EU sẽ không cho phép điều đó xảy ra.

Hay như trường hợp của tập đoàn công nghệ Huawei. EU có hai nhà sản xuất cơ sở hạ tầng mạng di động 5G là Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan). EU sắp bỏ lỡ một trong số những cơ hội hiếm hoi để tạo ra một nhà vô địch châu Âu khác theo kiểu Airbus. Airbus thành công vì đã phá vỡ thế độc quyền của các nhà sản xuất máy bay của Mỹ. 

Trường hợp mạng 5G cũng tương tự. Sử dụng các nhà cung cấp viễn thông của châu Âu sẽ giúp EU không phải phụ thuộc vào một công ty của Trung Quốc vốn không được tín nhiệm về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU ủng hộ Huawei, bởi vì họ sợ Trung Quốc trả đũa.

Tương tự như vậy là cuộc tranh luận về mối quan hệ trong tương lai với Anh. Hiện có một khả năng rất thực tế là các cuộc đàm phán thương mại với Anh sẽ thất bại nếu EU tiếp tục khăng khăng buộc Anh phải có những quy định phù hợp với EU. 

Với tư cách là một liên minh, có thể không có lợi cho EU nếu EU có mối quan hệ không tốt với một nước láng giềng có ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và cùng với cách đồng minh châu Âu có mặt trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nói đến "lợi ích của EU" có nghĩa là nói đến lợi ích của toàn bộ các nước thành viên, chắc chắn không phải là nói tới mẫu số chung nhỏ nhất. Lợi ích của EU tồn tại ngay trong chính bản thân liên minh này.

EU có phương tiện để theo đuổi điều đó: Tiền, trật tự luật pháp, các thể chế hành chính và pháp lý, và lực lượng lao động có trình độ. Nếu không chăm lo tới lợi ích của chính mình, thì lỗi nằm ở chính bản thân.

EU sẽ không nhất thiết phải tan rã, nhưng liên minh này sẽ trở nên không phù hợp. Không gian để hoạt động chính trị đang dần thu hẹp. Các xu thế chính trị ở Italy và Pháp, cùng với chủ nghĩa vụ lợi của Đức, có thể khiến không gian này còn thu hẹp hơn nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục