Tại sao “virus” Brexit không lan đến phần còn lại của EU?

05:30' - 04/02/2020
BNEWS Bất chấp sự háo hức của các đảng phái chống châu Âu sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6/2016 về sự ra đi của Anh hay còn gọi là Brexit, sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU) đã không diễn ra.
Cờ Anh (phía trước) và cờ EU (phía sau) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 19/10/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Trên “lục địa già”, tình đoàn kết châu Âu thậm chí còn được tăng cường sau đó, theo đánh giá của tờ Les Echos ra ngày 2/2.

Sự “lây nhiễm” đã không diễn ra, cho dù nỗi lo sợ về hiệu ứng domino của “virus Brexit” tràn ngập các diễn đàn phân tích chính trị sau ngày 23/6/2016. Châu Âu khi đó dường như chao đảo vì những yêu cầu tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân tương tự ở Anh, tại khắp 27 quốc gia thành viên còn lại.

Ba năm rưỡi sau cuộc bỏ phiếu, và Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1 vừa qua, làn sóng chống châu Âu dường như đã giảm nhiệt. Cho dù thái độ nghi ngờ châu Âu vẫn còn tồn tại, bằng chứng là sự đột phá của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc bầu cử vừa qua, không có quốc gia nào liều mình vì một "cuộc ra đi".

"Nghịch lý là Brexit đã tăng cường sự gắn kết của nhóm 27", theo ông Thierry Chopin, Giáo sư khoa học chính trị tại Trường khoa học chính trị và xã hội châu Âu, cố vấn đặc biệt của Viện Jacques Delors. "Các quốc gia thành viên đã thể hiện sự thống nhất trong các cuộc đàm phán Brexit, như một đối trọng với sự chia rẽ và hỗn loạn ở Anh", nhà nghiên cứu lưu ý.

Điều này cũng khá khó hiểu, theo các nhà phân tích. Giữa các quốc gia phía Bắc như Hà Lan, Thụy Điển và thậm chí cả Đức, nơi có chung tư tưởng thương mại tự do của người Anh, và một số thành viên khác như Hungary thường bày tỏ “ác cảm chung” đối với tính siêu quốc gia và hội nhập sâu rộng hơn vào EU, Vương quốc Anh không thiếu các đồng minh dù lộ diện ít hay nhiều.

Vậy mà tất cả các quốc gia đều đoàn kết, ông Thierry Chopin nhấn mạnh. Đã có một nhận thức về sự cần thiết tuyệt đối phải duy trì tính toàn vẹn của thị trường duy nhất và bốn quyền tự do lưu chuyển liên quan đến của cải, vốn tài chính, dịch vụ và con người.

Ngay cả ở các nước do lực lượng dân túy theo chủ nghĩa dân tộc lãnh đạo, người ta cũng nhận ra rằng việc rời khỏi EU đồng nghĩa với việc phải thanh toán một hoá đơn khổng lồ. Trong khi đó, các nước Đông Âu đang hưởng lợi lớn từ chính sách nông nghiệp chung châu Âu cũng như các quỹ khu vực.

“Chủ nghĩa thực dụng đã chiếm ưu thế", ông Thierry Chopin khẳng định. Ông cũng nhắc lại rằng dư luận nói chung trở nên thuận lợi hơn đối với việc tham gia EU, kể cả ở những nước do lực lượng dân túy lãnh đạo.

Các cuộc điều tra dư luận, do Ủy ban châu Âu thường xuyên tiến hành tại các quốc gia thành viên, không có nhiều chỗ cho sự nghi ngờ. Trong nghiên cứu cuối cùng được thực hiện vào tháng 10/2019, 59% người châu Âu coi tư cách thành viên EU của họ là một điều tốt, so với 11% cho là xấu. Tỉ lệ này là 53% so với 16% vào tháng 9/2016, thậm chí 49% so với 18% vào năm 2010.

Theo ông Thierry Chopin, không quốc gia nào có phần lớn dân chúng đồng ý rời khỏi EU. Sự trì hoãn của tầng lớp chính trị Anh, tác động xấu của Brexit đến sự tăng trưởng quốc gia trong 3 năm qua có thể đã làm người dân các quốc gia khác e ngại.

"Ngay cả về nhập cư, một điểm quan trọng trong luồng tư tưởng chống châu Âu, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng việc điều phối dòng người di cư đòi hỏi các biện pháp ở cấp châu lục chứ không phải cấp quốc gia", ông Thierry Chopin giải thích.

Cảm thấy "gió đổi chiều", việc rời khỏi EU trở nên ít có lợi, các đảng phái theo chủ nghĩa nghi ngờ châu Âu ở Pháp, Đức và Italy lần lượt từ bỏ mọi ý định vận động cho sự ra đi.

Cách đây một năm, đảng Dân chủ Thụy Điển (bảo thủ và chống nhập cư) cũng đã dừng kêu gọi cho Swexit, đồng thời tuyên bố rằng cách tốt nhất để cải tổ EU là thay đổi từ bên trong. Hiện những người ủng hộ cuối cùng cho việc rời EU chủ yếu thuộc các đảng phái nhỏ mà tiếng nói cử tri ít có trọng lượng.

Frexit, Nexit, Swexit hay thậm chí là Czechxit đều không xảy ra. Tuy nhiên, giai đoạn thứ hai sau Brexit liên quan đến xác định lại quan hệ thương mại EU-Anh, sẽ rất quan trọng trong việc tái khẳng định sự gắn kết của EU. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson tiếp tục gây áp lực lên các nhà đàm phán EU.

"Thách thức của các cuộc đàm phán, là EU không thể để cho một nước láng giềng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh pháp lý", ông Thierry Chopin giải thích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục