Những thách thức kinh tế đối với châu Âu

06:30' - 27/11/2024
BNEWS Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng góp phần cản đà phục hồi tăng trưởng của khu vực.
Nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng, do cú sốc năng lượng tái diễn từ những căng thẳng địa chính trị đáng chú ý, như xung đột Nga-Ukraine, sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng toàn cầu và áp lực lạm phát. Vậy châu Âu cần làm gì để giảm thiểu các rào cản kinh tế và đảm bảo tăng trưởng dài hạn. Trang mạng moderndiplomacy.eu vừa đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Sekarsari Sugihartono thuộc Đại học Gadjah Mada bình luận về vấn đề này như sau:

Cú sốc năng lượng và hậu quả kinh tế

Sự phụ thuộc lớn của châu Âu vào khí đốt và dầu mỏ của Nga đã khiến lục địa này phải chịu sự biến động giá năng lượng nghiêm trọng, kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Chỉ tính riêng năm 2022, lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng vọt, chủ yếu do chi phí năng lượng leo thang. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các cú sốc năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt tăng vọt, là một trong những nguyên nhân chính góp phần đáng kể vào chỉ số lạm phát cơ bản ở châu Âu.

Trong năm 2022, lạm phát của Eurozone đã tăng lên ngưỡng kỷ lục, khoảng 7,8% và bắt đầu giảm nhẹ vào năm 2023. Áp lực lạm phát gây căng thẳng cho thu nhập của các hộ gia đình và làm gián đoạn các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, chẳng hạn như sản xuất.

 
Cú sốc năng lượng do bất ổn địa chính trị gây ra đã dẫn đến chi phí năng lượng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cao và nguồn tài nguyên tái tạo hạn chế. Các nền kinh tế đầu tàu như Đức, với ngành sản xuất chiếm tỷ trọng đáng kể trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lưu ý, các cú sốc từ phía cung, liên quan đến năng lượng, chiếm gần 25% mức tăng lạm phát lõi, đánh dấu khoản biến thiên về giá chưa từng có so với các đợt lạm phát trước đây.

Gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm lại của ngành công nghiệp

Chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước những tác động gây gián đoạn, từ đại dịch COVID-19 đến nhân tố địa chính trị, làm gia tăng căng thẳng kinh tế ở châu Âu. Những gián đoạn này ảnh hưởng đến đầu vào và đầu ra của sản xuất, dẫn đến hiệu quả sản xuất giảm và thời gian giao hàng dài hơn. Ví dụ, các ngành như sản xuất ô tô, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, đã phải đối mặt với hạn chế về sản lượng do thiếu hụt các thành phần thiết yếu như chất bán dẫn (chip) và nguyên liệu thô. Theo báo cáo của Accenture, sự gián đoạn chuỗi cung ứng ước tính khiến GDP của châu Âu mất tới 920 tỷ euro (964,81 tỷ USD) vào năm 2023.

Ngoài ra, bản chất phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng cũng đã làm trầm trọng thêm những thách thức này. Chuỗi cung ứng của châu Âu phụ thuộc vào sự hội nhập xuyên biên giới, điều này làm tăng tính dễ bị tổn thương trước tình trạng tắc nghẽn toàn cầu và đòi hỏi phải thay đổi về mặt cấu trúc. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, chẳng hạn như Italy và Đức, đang tích cực đánh giá lại các chiến lược chuỗi cung ứng của mình, kết hợp các biện pháp phục hồi và đa dạng hóa các nhà cung cấp để giảm thiểu sự gián đoạn trong tương lai.

Lạm phát dai dẳng

Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi tác động kép từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, cũng tăng do áp lực chi phí rộng khắp đối với hàng hóa và dịch vụ. Các nhà phân tích cho rằng xu hướng này là do sự kết hợp phức tạp giữa nhu cầu cao sau khi các hạn chế do đại dịch COVID-19 được nới lỏng, giá hàng hóa tăng và hạn chế về nguồn cung kéo dài.

Để ứng phó, ECB đã duy trì lập trường tiền tệ thắt chặt. Động thái này giúp hạ nhiệt lạm phát, nhưng làm hạn chế đà phục hồi kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng giữa việc kích thích tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, vì lạm phát không được kiểm soát có nguy cơ làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và có thể làm giảm hoạt động kinh tế.

Phản ứng chiến lược và triển vọng tương lai

Để vượt qua những thách thức, châu Âu đang tập trung vào nhiều chiến lược chính. Thứ nhất, đó là độc lập năng lượng và chuyển đổi xanh. Với chiến lược này, châu Âu đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh để giảm sự phụ thuộc vào thị trường năng lượng biến động. Tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió và Mặt trời, là điều cần thiết để giảm bớt tác động kinh tế của các cú sốc năng lượng trong tương lai. Bằng cách củng cố an ninh năng lượng, châu Âu đặt mục tiêu giảm thiểu áp lực lạm phát bắt nguồn từ giá năng lượng tăng đột biến.

Thứ hai đó là nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Theo đó, việc giải quyết các lỗ hổng của chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hóa và tìm nguồn cung ứng tại địa phương hiện là ưu tiên hàng đầu. Các ngành công nghiệp trong khu vực đang áp dụng phương pháp tiếp cận "phòng ngừa", bao gồm phát triển các kênh phân phối linh hoạt và tăng cường giám sát chuỗi cung ứng kỹ thuật số. Phương pháp tiếp cận này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp duy nhất và giảm thiểu sự gián đoạn từ các sự kiện địa chính trị quốc tế.

Thứ ba đó là điều chỉnh tài chính và quy định. Các nhà hoạch định chính sách đang sử dụng các biện pháp tài chính để nhắm trực tiếp vào các nút thắt và hỗ trợ những ngành bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao và hạn chế nguồn cung. Ví dụ, các điều chỉnh quy định hợp lý hóa quy trình hải quan và hậu cần và thúc đẩy sự tham gia của thị trường lao động đang được xem xét, từ đó giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế dài hạn.

Cuối cùng đó là điều chỉnh lại chính sách tiền tệ. Việc ổn định kỳ vọng lạm phát trung hạn là rất quan trọng, vì lạm phát kéo dài có thể làm mất ổn định quá trình phục hồi kinh tế và ngăn cản đầu tư trên khắp châu Âu.

Sự tương tác giữa các cú sốc năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát tạo nên một môi trường đầy thách thức cho châu Âu. Trong khi các điều chỉnh về mặt cấu trúc trong chính sách năng lượng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng là then chốt, thì sự phối hợp chính sách và khả năng thích ứng bền vững là cần thiết để thúc đẩy ổn định kinh tế.

Sự nhấn mạnh chiến lược của châu Âu vào năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng đa dạng và chính sách tiền tệ thận trọng có thể cung cấp một con đường để giảm thiểu các rào cản kinh tế và đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục