Những thách thức kinh tế trong "năm bầu cử" 2024

05:30' - 17/07/2024
BNEWS Báo Nikkei Asia nhận định “năm bầu cử” 2024 đã đi được hơn nửa chặng đường. Các kết quả bầu cử đến nay không phải tất cả đều nghiêng về bên hữu hay bên tả.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Đảng cực hữu đã đạt được những thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024, trong khi Công đảng trở lại nắm quyền ở Anh sau 14 năm với chiến thắng vang dội vào tháng 7/2024. Liên minh do Tổng thống Emmanuel Macron đứng đầu đã mất một số ghế đáng kể trong cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp tháng này.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy vào tháng 6/2024, điều chưa rõ là liệu nhiều nhà lãnh đạo đã tham dự hội nghị này có trở lại vào năm tới hay không. Chưa đầy một tháng sau, Thủ tướng Anh Rishi Sunak từ chức sau thất bại của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người sắp kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9/2024, đang có tỷ lệ tín nhiệm thấp.

"Thể trạng" của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, là một trong những trở ngại lớn nhất mà các nhà lãnh đạo đương nhiệm trên toàn thế giới phải đối mặt. Mặc dù giá cả không tăng nhanh như trước, nhưng khó có thể thay đổi nhận thức của công chúng về thực tế giá hàng hóa đã trở nên đắt đỏ hơn.

Tiền lương cũng tăng lên, nhưng người lao động có xu hướng cho rằng mức lương cao hơn là do nỗ lực của bản thân họ, trong khi đổ lỗi cho chính phủ về lạm phát. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng không thể làm tăng sự tín nhiệm đối với các chính trị gia đương nhiệm.

Dưới những sức ép như vậy, các nhà lãnh đạo sẽ thực hiện các chính sách dân túy đặt quốc gia của họ lên hàng đầu. Điều này diễn ra dưới hình thức các cuộc chiến thuế quan, các chính sách thương mại bảo hộ, cũng như các luận điệu chống người nhập cư ở Mỹ và châu Âu. Căng thẳng Mỹ-Trung và xung đột ở Ukraine đang góp phần vào nỗ lực tách chuỗi cung ứng dưới danh nghĩa an ninh kinh tế.

Sự phát triển của kinh tế toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh là nhờ sự di chuyển tự do của con người, hàng hóa và tiền bạc xuyên biên giới. Thế nhưng, sự di chuyển của con người và hàng hóa phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng. Dòng tiền cũng có thể gặp trở ngại trong bối cảnh rạn nứt ngày càng tăng giữa các quốc gia.

Nga đã bị chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD do xung đột tại Ukraine. Các khoản đầu tư vào Nga từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã bị đình chỉ và Sàn giao dịch Moskva hồi tháng Sáu vừa qua cho biết họ đã ngừng giao dịch bằng đồng USD và đồng euro.

Đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc trong quý I/2024 giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế.

Ngay cả Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu cũng đang cạnh tranh về đầu tư, bao gồm cả việc thông qua trợ cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn và các vật liệu chiến lược khác. Việc thu hút nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân sẽ rất quan trọng khi chính phủ của mỗi nước đang phải đối mặt với tình hình tài chính suy giảm.

Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã nối lại các cuộc đàm phán để thành lập liên minh thị trường vốn sau thời gian gián đoạn kéo dài gần một thập kỷ. Ông Christian Noyer, Chủ tịch danh dự của Ngân hàng trung ương Pháp, ủng hộ cơ chế gắn nhãn châu Âu cho các sản phẩm tiết kiệm nhắm vào đầu tư ở châu Âu.

Ông Noyer cho biết tiền tiết kiệm dư thừa của châu Âu được đầu tư chủ yếu ở nước ngoài. Ông nói EU cần tăng cường sự hội nhập của thị trường vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc định hướng những khoản tiết kiệm đó sang đầu tư ở châu Âu.

Theo một báo cáo do các chuyên gia biên soạn trong tháng này dưới sự chỉ đạo của ông Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, đầu tư trực tiếp vào nước này rất yếu trên toàn thế giới.

Báo cáo cho biết các hộ gia đình Nhật Bản đang đầu tư nhiều hơn vào các tài sản ở nước ngoài, một phần là do chương trình đầu tư Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA) được cải tiến.

Đầu tư ra nước ngoài lấn át đầu tư vào Nhật Bản. Theo số liệu năm 2022 từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, đầu tư vào nước này chỉ chiếm 5,3% GDP. Điều này khiến Nhật Bản đứng thứ 196 trong số 198 nước.

Báo cáo tháng 7/2024 cho rằng tình trạng thiếu đầu tư vào Nhật Bản khiến lợi nhuận kỳ vọng thấp và kêu gọi cải cách ổn định để thúc đẩy lòng tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số người vẫn lo ngại về dòng tiền chảy vào tài sản ở nước ngoài thông qua NISA và muốn giới hạn chương trình này ở vốn cổ phần và trái phiếu Nhật Bản để ngăn chặn tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục