Những thống kê thiệt hại ban đầu do cơn bão số 12

14:37' - 05/11/2017
BNEWS Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 8 giờ ngày 5/11, đã có 27 người chết; 22 người mất tích; 626 nhà sập đổ...

Để tiếp tục khắc phục thiệt hại sau bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm túc các Công điện số 1659 ngày 1/11, 1680 ngày 4/11 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 86 ngày 3/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tháo dỡ một căn nhà tạm trôi dạt vào bờ biển Nha Trang. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; đảm bảo khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.

Kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Tổ chức dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực thiệt hại do thiên tai, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với lũ lớn sau bão.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.

Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 8 giờ ngày 5/11, đã có 27 người chết (Bình Định 3, Khánh Hòa 16, Lâm Đồng 3, Đăk Lắk 1, 4 người sự cố tàu vận tải); 22 người mất tích (Bình Định 4, Phú Yên 1 và 17 người do sự cố tàu vận tải); 626 nhà sập đổ (Bình Định 81, Phú Yên 113, Khánh Hòa 302, Đăk Lắk 113, Đắk Nông 14, Lâm Đồng 3); 39.704 nhà tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi 57, Bình Định 95 , Phú Yên 12.577, Khánh Hòa 25.495, Ninh Thuận 46, Gia Lai 44, Đắk Lắk 1.321, Đắk Nông 12, Lâm Đồng 66); 4.425 ha lúa bị ngập, trong đó (Bình Định 379, Phú Yên 52, Khánh Hòa 3.748, Gia Lai 25, Đắk Lắk 60, Lâm Đồng 100); 25.212 ha rau mầu thiệt hại (Bình Định 22, Phú Yên 16.707, Khánh Hòa 119, Gia Lai 557, Đắk Lắk 7.699, Đắk Nông 110); 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng (Bình Định 2, Phú Yên 114, Khánh Hòa 112); thiệt hại 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản (Bình Định 10, Phú Yên 24, Khánh Hòa 1.457).

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương cho hay, tính đến 6 giờ ngày 5/11, tại các khu vực: Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ tăng, Bắc Bộ dao động nhẹ, mực nước các hồ xấp xỉ hoặc thấp hơn mực nước dâng bình thường, các hồ vận hành xả qua tràn cụ thể như sau: Khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ: A Lưới: 761/766m3/s, Bình Điền: 73/781m3/s, Chi Khê 176/210m3/s, A Roàng: 90/100m3/s.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên giúp ngư dân thị xã Sông Cầu cứu hộ các tàu bị chìm. Ảnh: Thế Lập – TTXVN.

Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 14 hồ: An Khê: 350/398m3/s, Krông H’năng: 1255/1184m3/s, Sông Hinh: 800/2630m3/s, Sông Ba Hạ: 1400/1820m3/s, Sông Tranh 2: 2491/3753m3/s, Đak Mi 4a: 3534/3302m3/s, Sông Bung 4: 506/852m3/s, Sông Bung 5: 97/323m3/s, Sông Bung 6: 500/730m3/s, Sông Giang 2: 23/29m3/s, Đak Mi 4c: 397/509m3/s, Ea Krong Rou: 80/78m3/s, Thượng Sông Ông: 41/64m3/s, La Hiêng 2: 120/120 m3/s.

Khu vực Tây Nguyên 17 hồ: Buôn Tua Srah: 403/1902m3/s, Đa Nhim: 350/625 m3/s, Đại Ninh: 150/253m3/s, Đồng Nai 3: 70/285m3/s, Đồng Nai 4: 70/237 m3/s, Đồng Nai 5: 112/412 m3/s, Đak R’tih b1: 22/75 m3/s, Đa Dâng 2: 139/206 m3/s, ĐakSrông: 50/111 m3/s, Đăk Sin 1: 10/16 m3/s, Đăk Ru: 11/22 m3/s, Hchan: 11/38 m3/s, Đrây H’linh 1: 200/440 m3/s, Bảo Lộc: 62/107 m3/s, Đăk Psi 3: 230/260 m3/s, Đăk Psi 4: 208/242 m3/s, ĐăkSrông 3A 2700/2825 m3/s, ĐăkSrông 3B 3080/3210 m3/s.

Khu vực Đông Nam Bộ có 1 hồ: Srok Phu Miêng 172/280 m3/s.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 17 giờ ngày 4/11, các hồ chứa đang vận hành xả lũ gồm Khu vực Bắc Trung Bộ: Hồ Tả Trạch xả 540m3/s (Thừa Thiên Huế), hồ Thác Chuối xả 10m3/s (Quảng Bình).

Khu vực Nam Trung Bộ: Hồ Vĩnh Trinh xả 60m3/s, Hồ Định Bình xả 566m3/s, Hồ Đá Bàn xả 140m3/s, hồ Suối Dầu xả 50m3/s, hồ Tà Rục xả 20m3/s, hồ Cam Ranh xả 50m3/s, hồ Hoa Sơn xả 60m3/s, Am Chúa 20, hồ Láng Nhớt xả 10m3/s, Hồ Bà Râu xả 10m3/s, Cho Mo 25 m3/s, Trà Co 10m3/s, Hồ Sông Quao xả 60m3/s, hồ Sông Lòng Sông xả 45m3/s.

Khu vực Tây Nguyên: Hồ Ea Soup Thượng xả 20 m3/s, hồ Krông Buk Hạ xả 70m3/s (Đắk Lắk); hồ Ayun Hạ xả 70 m3/s, hồ Ia M’La xả 45m3/s (Gia Lai).

Thông tin từ Văn phòng thường trực Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại toàn bộ trạm biến áp 110kV tại tỉnh Bình Định đã được khôi phục và cấp điện.

Đối với sự cố lưới điện trung hạ thế, tỉnh Phú Yên hiện đang mất điện toàn tỉnh, tỉnh Khánh Hòa đang mất điện toàn tỉnh, trừ thanh phố Nha Trang.

Tỉnh Bình Định mất điện toàn bộ, trừ huyện Tam Quan. Tỉnh Đăk Lăk mất điện khu vực Eakar, Krong Pak, Ma Drak. Tỉnh Quảng Ngãi mất toàn bộ huyện Sơn Hòa, Sơn Tây, Ba Tơ và một phần huyện Trà Bồng.

Tỉnh Kon Tum có 8 xã là Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút, Ngọc Tem, Hiếu, Pờ E thuộc khu vực huyện Kon Plong.

Tỉnh Đăk Nông có một phần huyện Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong, Cư Jut bị mất điện.

Tại tỉnh Bình Định (trên Quốc lộ 1D) có 10 vị trí sạt lở taluy dương (trong đó có 1 vị trí tràn lấp ½ mặt đường khoảng 700 m3).

Trên Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên có 5 vị trí nước tràn mặt đường, ngập sâu từ (0,3 – 0,5)m: Km1299, Km1300, Km1302, Km1304, Km1306+700.

Hiện đơn vị quản lý bảo trì đang điều tiết để xe lưu thông 2 chiều bên trái tuyến và tiến hành tháo dỡ tạm dải phân cách giữa để thoát nước.

Tại Km1294+570, móng mặt đường đã bị sụt sâu với bề rộng 3m, đã được xử lý đảm bảo giao thông bước 1; đến nay phần bù 3m tiếp tục lún sâu thêm 0,4m; hiện đang triển khai lắp đặt hệ thống biển báo rào chắn.

Tỉnh Khánh Hòa đá rơi tại 1367+400 1368+710, 1371+1210 (đoạn qua đèo Cả QL.1), sụt trượt tại 1367+820. QL26: Sạt trượt km 30+500 khối lượng 200 m3 làm tắc đường; hiện đang khắc phục để đảm bảo giao thông 1 làn; QL27C sụt ta luy dương gây tắc đường tại Km 53+900 lúc 14 giờ 30.

Tỉnh Quảng Nam, tại Km 1404+100 đường Hồ Chí Minh, sạt taluy dương gây ách tắc hoàn toàn với chiều dài 50m.

Hiện các đơn vị đang khắc phục và điều tiết giao thông để đảm bảo giao thông một làn.

Hiện nay nhiều chuyến tàu bị ách tắc do tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Khánh Hòa bị phong tỏa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục