Những tranh cãi xung quanh đồng euro kỹ thuật số

06:30' - 01/12/2023
BNEWS ECB đang cân nhắc phát hành đồng euro kỹ thuật số, bên cạnh các loại tiền giấy và tiền xu quen thuộc. Kế hoạch này vấp phải không ít sự hoài nghi.

Theo bài viết của tác giả Jack Schickler trên trang euronews ngày 29/11, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết việc phát hành tiền kỹ thuật số sẽ giúp họ bắt kịp với công nghệ. Tuy nhiên, ý định của ECB đã vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP).

* Kế hoạch phát hành đồng euro kỹ thuật số

Một phiên điều trần tại EP ngày 27/11 đã khiến nhiều nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) phải suy nghĩ, trong đó một số người đã kêu gọi bác bỏ hoàn toàn kế hoạch phát hành đồng euro kỹ thuật số của ECB.

Trên thực tế, EU không phải là khu vực tài phán duy nhất xem xét việc phát hành một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), cùng tồn tại với tiền giấy và tiền xu truyền thống.

Những nước như Trung Quốc, Anh và Thụy Điển cũng có kế hoạch tương tự. Nhưng các nhà lập pháp EU hiện mới bắt tay vào xây dựng luật, nhằm đặt ra quy tắc trong các lĩnh vực mới mẻ này, như quyền riêng tư. Việc thiếu khung pháp lý đe dọa sự phát triển của loại tiền tệ CBDC.

Hầu hết người châu Âu đều quen với việc sử dụng các hình thức thanh toán kỹ thuật số - cho dù đó là thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến hay chuyển tiền cho bạn bè bằng ứng dụng ngân hàng. Về mặt kỹ thuật, các hình thức giao dịch này đều được thực hiện thông qua trung gian, bằng các tài khoản ngân hàng.

* Chấm dứt khủng hoảng ngân hàng?

Phát biểu với Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của EP, ông Miguel Fernández Ordóñez, cựu Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, thành viên Hội đồng điều hành ECB, nói: “Tiền gửi ngân hàng không phải là tiền, chúng là những lời hứa sẽ trả tiền”. Theo ông, đồng euro kỹ thuật số “sẽ chấm dứt vấn đề khủng hoảng ngân hàng” bởi cuộc khủng hoảng này “sẽ không xảy ra với một tài sản an toàn như đồng euro kỹ thuật số”.

Điều này có nghĩa là phần lớn các quy định ngân hàng và rủi ro về các gói cứu trợ của người nộp thuế có thể được loại bỏ. ECB đã dành nhiều năm để nghiên cứu một công nghệ mà họ cho rằng sẽ giúp bắt kịp thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đồng euro kỹ thuật số sẽ là sự can thiệp đáng lo ngại của nhà nước vào nền kinh tế thị trường, nơi các ngân hàng và nhà cung cấp thanh toán cạnh tranh với nhau.

Giáo sư Ignazio Angeloni tại Viện Đại học châu Âu ở Florence (Italy) cho biết: "Người giám sát/điều hành không nên là người tham gia thị trường. Sẽ giống như nếu trọng tài cũng là người chơi... đồng euro kỹ thuật số sẽ phá vỡ quy tắc này”.

Trong trường hợp thành công, dự án đồng euro kỹ thuật số có thể cung cấp một nơi giữ tiền không có rủi ro. Tuy nhiên, điều này lại làm suy giảm các khoản tiền gửi tiết kiệm cung cấp nguồn vốn cho các ngân hàng kinh doanh cho vay để phát triển nền kinh tế. ECB đã cố gắng giải quyết những lo ngại này bằng cách giới hạn số tiền euro kỹ thuật số mà một người có thể nắm giữ. Cơ quan này cũng nói rằng các trung gian như ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò trong việc giới thiệu khách hàng hoặc cung cấp ví tiền kỹ thuật số.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp châu Âu đánh giá những giải pháp của ECB chỉ làm gia tăng sự nhầm lẫn. Nhà lập pháp đảng Xã hội Joachim Schuster đặt vấn đề: “Bạn có nghĩ việc người tiêu dùng sở hữu đồng euro kỹ thuật số là hợp lý không, nếu họ thiết lập nhiều tài khoản để tránh vi phạm giới hạn nắm giữ? Điều này có ích lợi gì đối với người tiêu dùng… Bạn có nghĩ nó thực sự sẽ được sử dụng không?”.

* Sai lầm cơ bản

Những ý kiến khác thì cho rằng ý tưởng phát hành đồng euro kỹ thuật số nên bị loại bỏ ngay lập tức. Theo nghị sĩ Michiel Hoogeveen, ý tưởng này là "sai lầm cơ bản". Nghị sĩ Hoogeveen, một thành viên người Hà Lan thuộc nhóm Cải cách và Bảo thủ châu Âu cánh hữu tại EP, nói với Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ: “Đó là một sự thỏa hiệp mà không ai thích... Chúng ta có thể từ chối nó”.

Tuy nhiên, ông Stefan Berger - một nghị sĩ trung hữu người Đức chịu trách nhiệm soạn thảo quan điểm của EP về luật pháp - vẫn không hề nản lòng. Dù thừa nhận những lập luận quan trọng mà các đồng nghiệp của ông đưa ra “cần phải được thảo luận”, song ông khẳng định: “Tôi muốn tạo ra một tình huống trong đó Nghị viện châu Âu nói rõ rằng chúng tôi muốn có một đồng euro kỹ thuật số”.

Nghị sỹ Berger không đưa ra mốc thời gian chính xác nhưng cho biết ông có thể đưa ra báo cáo vào đầu năm tới, sau khi giải quyết các dự thảo luật có mức độ ưu tiên cao hơn, để bảo vệ vai trò của tiền mặt. Ông nói: “Chúng tôi cần một chút thời gian để xem xét đồng euro kỹ thuật số...Một vấn đề cơ bản cần có thời gian”.

* Những lời trấn an

Hồi cuối tháng 6/2023, Uỷ ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất cho phép mỗi người sở hữu tối đa 3.000 euro kỹ thuật số trong ví kỹ thuật số và sử dụng chúng cho cả thanh toán ngoại tuyến và trực tuyến. Trong khi đó, ECB muốn đồng euro kỹ thuật số có thể ra mắt vào năm 2027.

Trong vài năm qua, tiền tệ kỹ thuật số ngày cang được quan tâm hơn, khi các loại tiền điện tử như đồng Bitcoin trở thành xu hướng phổ biến. Nhưng không giống như Bitcoin, đồng euro kỹ thuật số sẽ là tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, một đồng tiền điện tử thiết yếu.

Theo EC, mục đích của đồng euro kỹ thuật số là cung cấp cho người tiêu dùng một giải pháp thanh toán thay thế trên toàn châu Âu, bên cạnh các lựa chọn hiện có. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nói: “Với đồng euro kỹ thuật số, mọi người sẽ có thể thanh toán bằng ‘một loại tiền công cộng’. Đặc biệt, họ sẽ có thể thanh toán cả trực tuyến và ngoại tuyến...Việc có một ví euro kỹ thuật số được nạp tiền trên điện thoại của bạn - hoặc thiết bị khác - sẽ giống như có tiền xu và tiền giấy trong túi của bạn. Bạn sẽ có thể thanh toán dễ dàng. Bạn thậm chí không cần phải có kết nối Internet”. Vị quan chức này nói thêm rằng, đồng euro kỹ thuật số “sẽ là hợp pháp, được ECB hỗ trợ để làm cho nó được chấp nhận rộng rãi trên toàn Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone)".

Theo dữ liệu khảo sát của EC, 55% công dân EU thích thanh toán không dùng tiền mặt, 22% thích dùng tiền mặt, trong khi 23% không đưa ra ý kiến. Liên quan tới những lo ngại về quyền riêng tư, ông Dombrovskis nói: "Dữ liệu cá nhân sẽ được bảo vệ hoàn toàn. Các ngân hàng, thậm chí cả ECB, sẽ không nhìn thấy hoặc không thể theo dõi thông tin cá nhân hoặc dữ liệu của mọi người. Thanh toán ngoại tuyến cũng sẽ cung cấp mức độ riêng tư tương tự như tiền mặt ngày nay".

Liên quan tới những lo ngại của các ngân hàng thương mại, quan chức EC này bổ sung thêm rằng một điều khoản sẽ giới hạn số tiền mọi người có thể nắm giữ bằng đồng euro kỹ thuật số. Ông nói: “Mặc dù mọi người có thể lưu trữ đồng euro kỹ thuật số trong ví kỹ thuật số của họ, nhưng số tiền này sẽ phải chịu mức trần như một cách để bảo vệ sự ổn định tài chính và tránh bất kỳ dòng tiền chảy ra đáng kể nào từ các ngân hàng”.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới tung ra đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2020. Các quốc gia khác như Jamaica, các nước khu vực Đông Caribe và Bahamas cũng đã triển khai những loại tiền kỹ thuật số tương tự. Trong khi dó, Mỹ, cường quốc lớn nhất thế giới, đang trong quá trình phát triển đồng USD kỹ thuật số và được dự báo sẽ phải mất vài năm nữa mới hoàn tất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục