Những tỷ phú "chân đất" với vốn rẻ

08:56' - 17/10/2018
BNEWS Chuyện những người nông dân biết tính toán, vươn lên làm giàu không còn mới lạ nhưng luôn có bóng dáng ngân hàng phía sau. Vốn cho khu vực "tam nông" cũng luôn được Chính phủ dành nhiều ưu đãi.

Đến Tây Nguyên vào mùa mưa, hẳn bạn phải đi trên những con đường đất đỏ lép nhép xình đất, nhưng bù lại là màu xanh ngút ngàn của cây lá tràn trề nhựa sống. Vườn hồ tiêu của anh Lê Hùng Huấn (Chư Sê - Gia Lai) nằm cuối con đường ngoằn ngoèo nhưng hút tầm mắt bởi màu xanh ngăn ngắt, giàu sức sống và no đủ. Theo lời anh Huấn thì màu xanh ấy có sự đóng góp không nhỏ của vốn rẻ.

Vườn tiêu rộng hơn 5 ha này đã gắn bó với gia đình anh Huấn gần 20 năm, cho thu nhập mỗi năm ngót nghét cả tỷ đồng. Khát vọng vươn lên làm giàu là động lực khiến anh Huấn không ngừng sáng tạo, bền bỉ với cây cao su, cây hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ. Giờ anh đã có trong tay hơn 30 ha cao su, hơn 5 ha hồ tiêu, ước tính lãi thu về không dưới 2 tỷ đồng/năm.

Bí quyết để vườn tiêu của anh giàu sức sống đến vậy chính là ở phương pháp trồng hữu cơ, tôn trọng sự tự nhiên của cây trái như những gì chúng vốn có. Chi phí ban đầu bón lót phân chuồng cho các loại cây khá cao, nhưng cây phát triển bền vững, tăng sức đề kháng, không nhiễm bệnh. Những cây tiêu hữu cơ của anh được trồng bên cây trụ sống, chứ không phải trên trụ gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua đi bán lại từ nhiều vườn tiêu khác; trong đó không ngoại trừ từ những vườn tiêu đã nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, thời điểm hồ tiêu được giá trên dưới 200 nghìn đồng/kg anh Huấn cũng không chạy đua theo phong trào để bón thúc phân hóa học và các loại thuốc kích thích khác cho cây phát triển mạnh, năng suất cao bởi có thể sẽ khiến cây bị kiệt sức, đổ bệnh.

Anh Lê Hùng Huấn(Chư Sê - Gia Lai). Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN
Anh Huấn là một trong khá nhiều hộ nông dân từ nhiều năm nay gắn bó và đi lên từ nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Hiện tại anh Huấn có dư nợ tại Agribank Chư Sê gần 7 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi anh Huấn cho biết dù thu nhập khá ổn định nhưng mong muốn mở rộng sản xuất chưa bao giờ dừng lại, anh sẽ tiếp tục gắn bó với Agribank. Giống như "bà đỡ" vốn ngân hàng luôn cần thiết và là động lực để làm việc, có nợ thì phải lao động để trả nợ, suy nghĩ này đã khiến anh Huấn luôn có động lực làm việc và làm giàu.

Vườn tiêu xen lẫn những loại cây trái khác đang độ “xuân thì” của anh Phan Văn Sơn ở xã Iadom, huyện Đức Cơ, Gia Lai cũng là một điểm đến đáng nhớ tại vùng đất Tây Nguyên nắng gió. Để đến được đây chúng tôi phải đi trên chiếc xe bán tải chuyên dụng, xóc nảy. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Sơn nói nửa đùa nửa thật: "Đi vườn giờ phải đi ô tô chứ đi bộ hay phương tiện khác thì cực lắm, rộng và xa không đủ sức đi. Trên đây chúng tôi mua ô tô đi rẫy nhẹ nhàng như các bạn mua xe máy đi chở hàng."

Nghe anh nói vậy nhóm phóng viên ai nấy đều tròn mắt nhưng sau đó chuyển sang trầm trồ khi nghe câu chuyện khởi nghiệp của anh Sơn. Người đàn ông ngoại ngũ tuần này không còn nhớ mình bắt đầu "bén duyên" với Agribank từ năm nào. Anh chỉ nhớ mình khởi nghiệp với 10 triệu đồng được vay từ Agribank và bắt đầu gắn bó với những cây trồng đặc trưng của vùng đất đỏ.

Với khát vọng thay đổi quan điểm và thói quen trồng trọt, anh Sơn vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đã có cách cho riêng mình. Khu vườn với khoảng hơn 60 ha, anh lựa chọn giải pháp trồng xen canh nhiều loại cây và trồng cây theo phương pháp hữu cơ để tránh rủi ro.

Anh Phan Văn Sơn (Đức Cơ - Gia Lai). Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN
Anh Sơn chia sẻ: "Xưa độc canh khỏe thì có khỏe nhưng rủi ro lớn, được giá được mùa thì tốt nhưng có năm mất giá trắng tay như chơi. Giờ trồng xen canh, đa canh, cao su giảm giá đã có tiêu đỡ, tiêu rớt có điều phụ trợ, còn chưa kể nhiều cây ăn quả nữa chung sức gánh nên doanh thu ổn định. Đa canh cũng có cái lợi nữa là thu hoạch quanh năm. Từ tháng 2 đến tháng 4 thu tiêu, tháng 5,6 hái điều, tháng 10,11 thu hoạch cà phê còn cao su thu lượm quanh năm (trừ mùa lá rụng)".

Anh Sơn cũng cho hay, đa canh cũng giúp đất đỡ bị cằn cỗi hơn. Giờ người dân sản xuất biết tiết kiệm nước, tiêu trồng trên cây sống thay vì trụ bê tông, sinh trưởng tốt, giữ đất và thoát nước, ít sâu bệnh, phân hóa học thuốc trừ sâu cũng ít dần.

"Hoa quả phun nhiều độc hại quá ai người ta mua. Người tiêu dùng khôn miệng rồi, mình giờ làm ăn không chú ý và theo yêu cầu thị trường là chết", anh Sơn nói.

Doanh thu hàng năm của anh Sơn hiện không dưới 5 tỷ đồng/năm nhưng anh vẫn tiếp tục đồng hành cùng ngân hàng. Dư nợ của anh Sơn tại Agribank Đức Cơ hiện tại khoảng 4,8 tỷ đồng và anh hoàn toàn hài lòng với những thủ tục vay vốn nhanh gọn, nhiều ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp.

Chuyện những người nông dân biết tính toán, vươn lên làm giàu không còn mới lạ nhưng luôn có bóng dáng ngân hàng phía sau. Vốn cho khu vực "tam nông" cũng luôn được Chính phủ quan tâm và dành nhiều ưu đãi.

Ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai cho biết, thực hiện chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, Agribank luôn có những giải pháp thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn cùng người nông dân, ngân hàng đã tập trung giải ngân cho những hộ đang cần vốn để tiếp tục đầu tư vào diện tích vườn cây đang có, đảm bảo đạt sản lượng khi vào vụ thu hoạch. Agribank luôn hướng vào đối tượng sản xuất, kinh doanh, chủ động, tích cực tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi giá rẻ giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo Agribank cho hay, nguồn vốn Agribank đầu tư “tam nông” chiếm trên 50% dư nợ của toàn ngành ngân hàng trong lĩnh vực này, có đóng góp tích cực tạo nên những thành tựu về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến 31/8/2018, tổng nguồn vốn Agribank đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng; trong đó, tiền gửi dân cư chiếm đến trên 82% vốn huy động; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 942 nghìn tỷ đồng; trong đó dư nợ đầu tư “tam nông” chiếm đến 73,5%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục