Những vết nứt trong bức tranh kinh tế Trung Quốc

15:51' - 17/07/2025
BNEWS Nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 5,2% trong quý II/2025, vượt qua dự báo và cho thấy khả năng chống chịu đáng ngạc nhiên trước thuế quan của Mỹ.
Sau kết quả này, ít nhất chín ngân hàng Mỹ và quốc tế, trong đó có Morgan Stanley, Goldman Sachs và ANZ đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2025 của Trung Quốc lên quanh ngưỡng 5%.

Bề ngoài, đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhờ xuất khẩu bền bỉ và các chính sách hỗ trợ tiêu dùng, đầu tư. Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực này là những vết nứt ngày càng lớn và những thách thức dai dẳng.

 
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng đà tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ suy yếu trong những tháng tới do sự sụt giảm dự kiến của các đơn hàng xuất khẩu và tâm lý tiêu dùng yếu trong nước.

Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất là tình trạng giảm phát ngày càng trầm trọng. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa - có tính đến thay đổi giá cả - chỉ đạt 3,9% trong quý II/2025. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1993 nếu không tính giai đoạn đại dịch COVID-19. Các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo rằng giảm phát vẫn là thách thức vĩ mô chính của Trung Quốc.

Thách thức này bắt nguồn từ mô hình "nền kinh tế hai tốc độ" mà Trung Quốc đang vận hành: ngành công nghiệp và sản xuất rất mạnh mẽ, nhưng tiêu dùng nội địa lại yếu ớt. Việc liên tục mở rộng công suất trong lĩnh vực chế tạo và công nghệ đã dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận thấp và áp lực giảm phát đối với giá xuất xưởng.

Sau cùng, chính người lao động phải gánh chịu hậu quả khi các công ty cắt giảm chi phí. Tình trạng cắt giảm lương đang diễn ra, buộc nhiều người, kể cả nhân viên nhà nước, phải làm thêm các công việc phụ như giao đồ ăn để trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy tình trạng chậm thanh toán các khoản phải thu đang gia tăng. Cụ thể, tính đến tháng 5/2025, nợ quá hạn trong lĩnh vực máy tính, truyền thông và thiết bị điện tử cùng với lĩnh vực sản xuất ô tô - hai ưu tiên của các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc - đã tăng lần lượt 16,6% và 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Nợ quá hạn trong lĩnh vực nước và khí đốt cũng tăng lần lượt 17,1% và 11,1%. Những con số này đều nhanh hơn mức trung bình 9% của toàn ngành.

Nhìn về phía trước, các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 4,5% trong nửa cuối năm. Về chính sách, Goldman Sachs cho rằng các nhà hoạch định chính sách không vội vàng tung ra các gói kích thích lớn và trên diện rộng trong ngắn hạn. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào các biện pháp "nới lỏng có mục tiêu" để hỗ trợ thị trường bất động sản và giảm bớt áp lực cho thị trường lao động.

Trong khi đó, ANZ dự báo sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất 20 điểm cơ bản trong những tháng còn lại của năm, còn Morgan Stanley ước tính Trung Quốc sẽ đưa ra một gói kích thích tài khóa khiêm tốn có quy mô từ 500 - 1.000 tỷ NDT (khoảng 89,56-179,12 tỷ USD).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục