Những yếu tố "dẫn dắt" giá đồng tăng cao kỷ lục
Các chuyên gia phân tích dự đoán thị trường đồng sẽ tiếp tục đà phục hồi bền vững, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó Trung Quốc có vai trò dẫn dắt, đã phát đi những tín hiệu tích cực sau khi bị "suy sụp" vì sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn bày tỏ ý định kiên quyết tránh xa thị trường này.
Hồi đầu tháng 5/2021, giá đồng giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã đạt mức cao kỷ lục là 10.460 USD/tấn và kể từ đó vẫn duy trì trên ngưỡng 10.000 USD. Để đạt được “thành tích” đó, giá kim loại này đã phải tăng đến gần gấp đôi giá trị chỉ trong một năm qua và đây là lần đầu tiên trong vòng một thế kỷ, thị trường đồng được ghi nhận ở quanh ngưỡng 10.000 USD/tấn.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích thị trường lại không tỏ ra ngạc nhiên. Takayuki Honma, chuyên gia kinh tế trưởng tại tập đoàn nghiên cứu Sumitomo Corporation Global Research, cho rằng bước nhảy vọt này là diễn biến "đã được lường trước, bởi sớm muộn giá đồng cũng sẽ vượt mốc 10.000 USD/tấn".
Tác động của đại dịch hầu như không làm giảm nhu cầu đồng, vốn chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là quốc gia thu mua đồng lớn nhất thế giới, tiêu thụ đến 50% tổng sản lượng toàn cầu. Lượng đồng chưa gia công và các sản phẩm khác liên quan đến đồng được nhập khẩu vào nước này đã tăng đến 9,8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay so với một năm trước đó.
Tetsu Emori, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Nhật Bản Emori Fund Management, cho biết: “Không có lý do đẩy giá đồng đi xuống”. Giám đốc Emori lưu ý rằng đồng đang trở thành một mặt hàng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là khi các quốc gia lớn đẩy mạnh quá trình khử carbon. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với xe điện cũng như các trạm phát điện từ năng lượng gió và Mặt Trời.
Đồng được sử dụng chủ yếu để làm dây cáp điện và là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đồng còn được biết đến với khả năng dự đoán thể trạng của nền kinh tế thế giới.
Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã khiến giá nhiều mặt hàng tăng vọt bất chấp đại dịch. Chỉ trong một năm, giá quặng sắt đã tăng 78% và giá gỗ xẻ chuẩn tăng gấp ba lần. Ngoài ra, giá của các kim loại khác như niken và nhôm cũng đã đi lên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng giá đồng khó có thể giảm xuống dưới ngưỡng 8.000 USD/tấn. Chuyên gia kinh tế trưởng Honma của Sumitomo Corporation Global Research nhận định “giá đồng hiện đã khám phá ra một điểm cân bằng giá mới" và dự báo rằng "mặt bằng giá mới của kim loại này sẽ tăng lên một bậc".
Quan điểm lạc quan của ông Honma không phải là không có căn cứ. Trước đó, ngân hàng Goldman Sachs đã ước tính rằng nhu cầu đồng sẽ tăng gần 600% lên mức 5,4 triệu tấn vào năm 2030 do quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, thị trường có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng vào năm này do việc phát triển các mỏ mới đã bị hạn chế trong thập kỷ qua và các công ty khai thác vẫn thận trọng với việc đầu tư phát triển ngành trong bối cảnh chi phí tăng cao.
Các mỏ khai thác đồng đầy hứa hẹn được đặt ở những nơi mà các thiết bị lớn khó vận chuyển đến. Ngoài ra, nhận thức về môi trường được nâng cao cũng làm tăng chi phí. Ngay cả khi các công ty bắt đầu thăm dò các mỏ ngay tại thời điểm này, họ cũng sẽ mất ít nhất 5 năm để có thể bắt đầu thu lợi nhuận.
Trong khi đó, ở khắp châu Á, giá cổ phiếu của các công ty khai thác và trung tâm giao dịch đã tăng vọt do nhu cầu đồng tăng cao. Cổ phiếu của công ty Nhật Bản Marubeni Corp. đã tăng hơn 34% kể từ đầu năm nay, trong khi các nhà sản xuất kim loại màu như Dowa Holdings và Eneos Holdings đều ghi nhận mức tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Xu hướng tương tự có thể quan sát được ở các nước khác trong khu vực. Tại Hàn Quốc, cổ phiếu của nhà sản xuất đồng Poongsan Corp. đã tăng hơn 46% trong năm nay, trong khi cổ phiếu của Korea Zinc cũng tiến đến 16%.
Giá cổ phiếu của công ty khai thác đồng Trung Quốc Jiangxi Copper đã tăng 47% ở thị trường Hong Kong, trong khi giá của Zijin Mining Group cộng thêm 31%.
Tiền đã chảy vào cổ phiếu của các công ty với hy vọng một đợt tăng giá đồng kéo dài sẽ tạo ra thêm lợi nhuận cho những nhà đầu tư vốn ưa thích rủi ro. Đây cũng là một phần của xu hướng mà ở đó giới đầu tư đang xoay vòng vốn ra khỏi những nhóm cổ phiếu vốn đã tăng trưởng tốt và chuyển sang những nhóm được dự đoán sẽ thăng hoa khi các nền kinh tế phục hồi sau “cơn bão” COVID-19.
Kết quả là, cổ phiếu của lĩnh vực khai thác đã vượt xa nhóm cổ phiếu công nghệ trong những tháng gần đây. Cổ phiếu của các tên tuổi công nghệ lớn như Apple và Alibaba Group Holding vẫn ở mức âm so với đầu năm và cổ phiếu của Tập đoàn SoftBank Nhật Bản cùng Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC chỉ tăng khiêm tốn.
Chỉ số ngành kim loại và khai thác MSCI toàn cầu (ACWI), bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình tại 23 thị trường phát triển và 27 thị trường mới nổi, đã tăng 20% trong năm nay, cao hơn mức tăng 4% được ghi nhận ở nhóm các chỉ số công nghệ thông tin MSCI ACWI.
Trong khi đó, “bị ngợp” bởi các dòng vốn chảy vào, nhiều quỹ trao đổi hàng hóa (ETC) của đồng cũng đang chứng kiến dòng lợi nhuận tăng lên đáng kể. Quỹ WisdomTree Copper đã ghi nhận lợi nhuận khoảng 80% trong năm qua, với lượng tài sản quản lý có thời điểm tăng lên mức kỷ lục hơn 900 triệu USD. Trong khi đó, Quỹ Chỉ số Đồng của Mỹ cũng đã ghi nhận mức lợi nhuận trong một năm là hơn 80%.
Hồi năm ngoái, các trung tâm mua bán của Nhật Bản như Marubeni, Sumitomo Corp. và một vài nhà giao dịch lớn khác đã thu hút sự chú ý toàn cầu sau khi có thông tin tiết lộ rằng quỹ Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã mua hơn 5% cổ phần của những tập đoàn này.
Ông Buffett cho biết trong một tuyên bố rằng những trung tâm mua bán này vốn "có nhiều liên doanh trên khắp thế giới và sẽ có thêm nhiều hơn nữa”. Theo ông, vai trò của các trung tâm này trong nền kinh tế thực của Nhật Bản là rất lớn, bởi đây là những doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động giao thương xuyên biên giới, cung cấp các sản phẩm như năng lượng, kim loại, hàng hóa và nhiều loại sản phẩm khác cho một đất nước Nhật Bản nghèo tài nguyên.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư dài hạn vẫn tỏ ra thận trọng khi đổ tiền vào một lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế và chu kỳ thị trường. Masafumi Oshiden, người đứng đầu Công ty cổ phần Nhật Bản tại BNY Mellon Investment Management ở Tokyo, cho biết: "Việc đưa ra các đánh giá tích cực (về các công ty khai thác/ trung tâm mua bán đồng) dựa trên những tiêu chí về ESG (bao gồm môi trường, xã hội và quản trị) vẫn còn nhiều khó khăn”.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi các công ty đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các nhà hoạt động môi trường và các nhà đầu tư trong việc phải làm sao để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giữa lúc nhiều chính phủ trên thế giới đã bắt đầu công bố cam kết về việc phi carbon hóa.
Trong bối cảnh đó, các công ty khai thác đã được khuyến khích chuyển sang các quy trình sản xuất sạch hơn và đưa ra những cam kết minh bạch hơn để phù hợp với các giá trị về ESG. Chuyên gia Oshiden đã chỉ ra rằng những công ty khai thác này hiện chưa phù hợp với chiến lược, do đó, triển vọng thu nhập của những trung tâm mua bán kể trên là chưa thật sự rõ ràng./.
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
Alumin Nhân Cơ hiện thực hoá chủ trương phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm
08:20' - 18/05/2021
Sau 5 năm vận hành thương mại (2017-2021), dự án đã đóng góp trên 1.446 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; trực tiếp tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây nguyên nói chung.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc - thách thức đối với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới của Mỹ?
06:30' - 08/04/2021
Không chỉ vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa ở trong nước, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với một thách thức đến từ bên ngoài - đó là Trung Quốc.
-
Doanh nghiệp
50.000 việc làm trên toàn cầu bị đe doạ vì Greensill Capital sụp đổ
07:43' - 11/03/2021
Sự sụp đổ của Tập đoàn tài chính Greensill Capital (Anh) đã đe dọa 50.000 việc làm, đặc biệt là tại đế chế sản xuất thép GFG Alliance Group của tỷ phú người Anh gốc Ấn Sanjeev Gupta.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Thái Lan khởi sắc trong tháng 10/2024
18:49'
Sản xuất công nghiệp Thái Lan tăng theo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ngoại trừ ô tô. Thặng dư tài khoản vãng lai là 0,7 tỷ USD vào tháng 10, tăng nhẹ so với mức 0,6 tỷ USD của tháng 9.
-
Kinh tế Thế giới
Những lo ngại xung quanh ngân sách bổ sung hơn 90 tỷ USD của Nhật Bản
18:45'
Chính phủ Nhật Bản hôm 29/11 thông qua khoản ngân sách bổ sung, trị giá 13.900 tỷ yen (92,6 tỷ USD), hỗ trợ gói kinh tế mới nhằm giảm bớt áp lực tài chính do lạm phát gây ra cho các hộ gia đình.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc gia hạn miễn trừ thuế một số hàng hóa của Mỹ
15:50'
Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc hôm nay ra thông báo cho biết sẽ tiếp tục miễn trừ một số mặt hàng của Mỹ không bị áp thuế bổ sung cho đến cuối tháng 2/2025.
-
Kinh tế Thế giới
Canada chọn địa điểm lưu trữ nhiên liệu hạt nhân vĩnh viễn dưới lòng đất
11:15'
Tổ chức Quản lý Chất thải Hạt nhân Canada (NWMO) ngày 28/11 cho biết, nước này đã quyết định chọn một địa điểm ở phía Bắc tỉnh Ontario để làm kho lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
-
Kinh tế Thế giới
Việt Nam tăng cường quan hệ với Canada, Singapore trong khuôn khổ CPTPP
11:03'
Ngày 28/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore.
-
Kinh tế Thế giới
Đại sứ Mai Phước Dũng: Việt Nam-Singapore thúc đẩy quan hệ ngoại giao nghị viện thực chất, hiệu quả
10:14'
Trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam-Singapore đang hướng đến tầm cao mới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Singapore từ ngày 1-3/12.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẽ "hành động" nếu Mỹ tăng cường kiểm soát chip
10:12'
Ngày 28/11, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ thực hiện các “hành động cần thiết” để bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát chip.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ có thể gây áp lực lên nhiều nền kinh tế châu Á
21:55' - 28/11/2024
Những đe dọa thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ gây tổn hại cho nhiều quốc gia ở châu Á, vì các nước này phụ thuộc vào doanh số xuất khẩu sang Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế.
-
Kinh tế Thế giới
Tỷ phú Elon Musk kêu gọi giải thể Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng
16:18' - 28/11/2024
Tỷ phú Elon Musk, cố vấn quan trọng của chính quyền Mỹ sắp tới, đã kêu gọi giải thể Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB).