Những yếu tố giúp nhân loại xóa sổ bệnh COVID-19

14:51' - 12/08/2021
BNEWS Vaccine, biện pháp y tế như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội cùng với quyết tâm toàn cầu chưa từng có tiền lệ có thể giúp nhân loại xóa sổ bệnh COVID-19.

Theo tờ Dailymail, các nhà nghiên cứu tại Đại học Otago ở New Zealand đưa ra tuyên bố trên trong một bài viết trên tại chí BMJ Global Health ngày 10/8.

Chuyên gia y tế công cộng Nick Wilson dẫn đầu nghiên cứu, nhận định: “Mặc dù phân tích của chúng tôi mới là nỗ lực sơ bộ với nhiều phần đánh giá chủ quan, nhưng dường như loại bỏ COVID-19 là điều có thể thành hiện thực”.

Các chuyên gia đã cân nhắc 17 yếu tố có thể giúp xóa sổ bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19 và bại liệt.

Các yếu tố này gồm có hiệu quả của vaccine, khả năng lây lan của từng loại virus và mối lo của người dân, chính phủ về căn bệnh.

Các chuyên gia đã đánh giá mỗi yếu tố dựa trên điểm từ 1 tới 3, trong đó điểm cao hơn nghĩa là yếu tố đó có khả năng hỗ trợ thanh toán căn bệnh đó.

COVID-19 có điểm trung bình là 1,6; đậu mùa có điểm là 2,7; còn bại liệt có điểm là 1,5. Dựa trên số điểm này, các nhà nghiên cứu cho rằng thanh toán COVID-19 dễ hơn bại liệt, nhưng khó hơn so với đậu mùa.

Các nhân tố thuận lợi để loại bỏ COVID-19 gồm căn bệnh này đã gây ra hậu quả to lớn với kinh tế, xã hội, sức khỏe; và mối quan tâm toàn cầu chưa từng có tiền lệ trong kiểm soát căn bệnh này.

Các nhà khoa học đánh giá rằng các biện pháp y tế công cộng như kiểm soát biên giới, giãn cách xã hội, rửa tay, thông khí, đeo khẩu trang và truy vết tiếp xúc có thể bổ sung cho tiêm chủng vaccine COVID-19, từ đó giúp loại trừ virus.

Trong khi đó, các yếu tố cản trở cuộc chiến loại bỏ COVID-19 gồm tâm lý ngần ngại tiêm vaccine và các biến thể dễ lây lan hơn, dễ kháng vaccine hơn.

Các khó khăn trong loại bỏ COVID-19 còn liên quan tới khả năng tiến hóa của virus, khi nào độc lực virus đạt đỉnh, khi nào vaccine hiện nay không có tác dụng, chi phí tiêm vaccine, chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Theo các nhà khoa học, một rủi ro nữa là động vật nhiễm và lây lan SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tới nay, rủi ro này dường như hiếm.

Các chuyên gia khẳng định kết quả nghiên cứu trên cho thấy cần phải làm nhiều hơn để xác định xem thế giới có cần đặt mục tiêu loại bỏ SARS-CoV-2 hay không.

Họ cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới cần dẫn đầu nỗ lực này, nhưng cũng có thể thực hiện dưới sự phối hợp của các cơ quan quốc gia.

Số liệu cho thấy 30% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 15,5% đã tiêm đầy đủ. Nhưng chỉ có 1,1% người dân ở nước thu nhập thấp đã được tiêm một liều vaccine.

Dù nghiên cứu trên cho thấy có thể xóa sổ COVID-19 như bệnh bại liệt, nhưng các chuyên gia khác lại cho rằng COVID-19 sẽ tồn tại nhiều thế hệ, thậm chí trở thành một loại bệnh giống cảm lạnh thông thường.

Giáo sư Paul Hunter, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, cho rằng căn bệnh này sẽ không bao giờ bị xóa sổ.

Trước đó, ngày 30/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do biến thể Delta.

WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 132 quốc gia, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, các vaccine được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “bảo vệ đáng kể đối với khả năng bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta”.

Chuyên gia của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.

Chuyên gia này cũng lưu ý, một số nước đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện cao hơn nhưng chưa có số liệu cho thấy biến thể Delta gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn ở các ca nhiễm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ từng cảnh báo biến thể Delta dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục