Niên vụ sắn 2024-2025: Giá thu mua thấp hơn so với cùng kỳ

18:18' - 05/12/2024
BNEWS Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích sắn lớn nhất cả nước với gần 80.000 ha. Đầu niên vụ sắn 2024-2025, giá sắn giảm, cộng với việc mất mùa đã khiến người dân trồng sắn thất thu.

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích sắn lớn nhất cả nước với gần 80.000 ha. Đầu niên vụ sắn 2024-2025, giá sắn giảm, cộng với việc mất mùa đã khiến người dân trồng sắn thất thu.

Sắn được trồng chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, từ tháng 10, sắn đã vào mùa thu hoạch. Chị Rcom H’Re, buôn Mi Hoan, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện cho hay, gia đình chị đang thu hoạch 2 ha sắn, chi phí đầu tư cho giống, phân bón và công chăm sóc dao động từ 20-25 triệu đồng/ha. Giá sắn hiện tại chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, gia đình chị và bà con trồng sắn trong vùng năm nay bị lỗ vốn. Giá sắn xuống thấp, nếu thuê nhân công càng lỗ nên chị H'Re phải huy động người trong gia đình thu hoạch hoặc đổi công với hàng xóm để đỡ chi phí.

 

Cùng hoàn cảnh, ông Triệu Chằn Nần, thôn Pắc Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông chia sẻ, ông thuê 5 ha đất trồng sắn với giá 12-15 triệu đồng/ha. Thời điểm này năm ngoái, giá sắn tươi bán ra ở mức 3.200-3.400 đồng/kg tùy theo độ tinh bột. Năm nay, giá chỉ còn 1.700-2.000 đồng/kg.

"Vì đến độ thu hoạch nên gia đình tôi buộc phải nhổ bán 2 ha, sau khi trừ tạp chất còn khoảng 39 tấn, bán xô với giá 1.700 đồng/kg. Trừ chi phí thuê đất, nhân công thu hoạch và vốn đầu tư phân bón, tôi lỗ gần 20 triệu đồng. Gia đình tôi sẽ không thu hoạch 3 ha sắn còn lại với hy vọng sau Tết Nguyên đán giá sắn tươi có thể tăng thêm đôi chút", ông Nần cho biết.

Việc phát triển cây sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm gần đây đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, trên cây sắn xuất hiện một số sâu bệnh hại như bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá, bệnh thối củ, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ; trong đó, nổi cộm là bệnh khảm lá phát tán và lây lan nhanh nhưng chưa có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng giống sắn cũ nên năng suất không cao, cộng với giá sắn giảm như thời điểm này thì người dân không có lãi.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, cho biết, toàn huyện có khoảng 4.000 ha sắn đang bắt đầu thu hoạch. Đầu niên vụ, giá sắn bán ra giảm xuống chỉ còn từ 1.500-2.000 đồng/kg (thấp hơn 1.000 đồng/kg so với năm 2023), năng suất cũng thấp hơn 5-7 tấn/ha so với cùng kỳ. Theo ông Quý, năng suất sắn giảm năm nay là do nhiều yếu tố tác động, một trong những nguyên nhân chính là do người dân sử dụng giống sắn cũ, dễ bị bệnh khảm lá; bên cạnh đó, việc ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán kéo dài, mưa ít, sâu bệnh đã khiến cây sắn sinh trưởng và phát triển kém.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 1.250 tấn tinh bột/ngày và có 216 cơ sở thu mua sản phẩm sắn lát khô và củ tươi. Năm 2023, giá sắn tăng cao người trồng thu lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha. Năm 2024, giá sắn tươi trên thị trường bất ngờ giảm khiến nhiều nông dân cũng như các nhà máy rơi vào cảnh khó khăn.

Từ đầu vụ thu hoạch (tháng 10) đến nay, giá sắn nguyên liệu giảm mạnh, chỉ còn 2.300 đồng/kg sắn đạt 30 độ tinh bột, dưới 30 độ tinh bột thì dao động ở mức 1.800-2.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg. Theo ông Lâm Đức Chính, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn An Khê, nguyên nhân giá sắn nguyên liệu giảm là do thị trường Trung Quốc chưa thu mua tinh bột của các nhà máy chế biến. Dù khó khăn do thị trường sắn tươi giảm, song mỗi ngày, nhà máy vẫn thu mua khoảng 300 tấn sắn tươi cho người dân. Để chia sẻ khó khăn chung với bà con, trước mắt, nhà máy sẽ thu mua toàn bộ sản lượng sắn cho người dân trong vùng nguyên liệu.

Để tăng năng suất cây sắn trên địa bàn, tháng 9/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Gia Lai”. Hội nghị đã tập trung thảo luận một số vấn đề trong sản xuất, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh, các giải pháp đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu sắn, các mô hình sản xuất sắn hiệu quả, các giống sắn có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sắn trong vùng nguyên liệu giữa nhà máy với người dân.

Tại hội nghị này, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đề nghị các cấp, ngành cần kiểm soát các nguồn giống đầu vào tại các địa phương; hỗ trợ người dân đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt thay thế các giống cũ để hạn chế sắn nhiễm bệnh, tăng hiệu quả sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục