Xuân về trên những bản, làng tái định cư ở Thanh Hóa

12:16' - 09/02/2024
BNEWS Dù còn nhiều khó khăn nhưng đời sống của người dân tại các khu tái định cư ở Thanh Hóa đang từng bước ổn định, gắn bó với nơi ở mới.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các dự án xây dựng các khu tái định cư, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng trăm hộ dân, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét về khu tái định cư mới an toàn.

 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng đời sống của người dân ở các khu tái định cư đang từng bước ổn định, gắn bó với nơi ở mới. Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và nỗ lực của người dân, kinh tế - xã hội ở các khu tái định cư đang ngày càng khởi sắc. Đồng bào đang phấn khởi đón một mùa Xuân mới đủ đầy, ấm áp hơn.

Bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) hiện có 145 hộ dân với khoảng 700 nhân khẩu. Năm 2022 trở về trước, bản nằm ngay dưới chân ngọn núi Pom Dưới, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, bản được dời về khu tái định cư mới. So với nơi ở cũ, điều kiện tại nơi ở mới tốt hơn hẳn.

Đường bê tông, đường điện sáng, nước sạch và những ngôi nhà mới khang trang được quy hoạch gọn gàng, quy củ, diện mạo bản Lở thêm tươi sáng. Không chỉ được đến nơi ở mới an toàn, những người dân bản Lở còn  được chính quyền hỗ trợ về sinh kế để cuộc sống sớm ổn định, no đủ. Tết Nguyên đán năm nay, niềm vui của người dân như được trọn vẹn hơn. Nỗi lo thiên tai không còn nữa, bà con yên tâm sinh sống, tích cực lao động sản xuất, xây dựng bản làng.

Tất bật dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón một cái Tết an vui, đầm ấm, chị Lương Thị Xuân, bản Lở, xã Nam Động cho biết, năm nay, cuộc sống tại nơi ở mới đã ổn định, mọi người trong bản chuẩn bị cho Tết từ sớm. Đường làng ngõ xóm đã được vệ sinh sạch sẽ, treo cờ…

Trong từng nếp nhà đã có những cành đào, cành mận khoe sắc. Năm nay, bản cũng sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu thể dục thể thao, văn hóa… Những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy chính là động lực để mỗi người dân tiếp tục chung tay vươn lên xây dựng bản ngày càng tươi đẹp.

Quan Hóa là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do lũ ống, lũ quét gây ra. Để bảo vệ con người và tài sản, ngoài việc chủ động phòng tránh, huyện đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để di dân khỏi vùng sạt lở.

Đến nay, huyện đã bố trí, sắp xếp ổn định được 245 hộ đến 8 khu tái định cư tập trung: Xã Trung Sơn với 4 điểm là bản Bó (8 hộ), bản Co Me (68 hộ), bản Pạo (21 hộ), bản Chiềng (42 hộ); xã Trung Thành có 1 điểm tại bản Chiềng (21 hộ); xã Nam Tiến có một điểm tại bản Lếp (12 hộ); bản Lở, xã Nam Động có 34 hộ; bản Tang, xã Trung Thành có 39 hộ với tổng kinh phí thực hiện là hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ trực tiếp các hộ dân 6 tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 57 tỷ đồng.

Huyện Quan Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ bố trí, sắp xếp ổn định 8 khu tái định cư cho hơn 200 hộ. Những khu vực chưa thể di dời, huyện sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai, đồng thời luôn sẵn sàng phương án sơ tán dân khẩn cấp, tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai của người dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Các hộ dân sau khi chuyển đến nơi ở mới đều phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, cách làm của huyện… Kết quả này cho thấy sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân.

Năm 2018, bản Poọng (chủ yếu là người dân tộc Thái), xã Tam Chung, huyện Mường Lát tan hoang sau cơn lũ dữ; đa phần nhà cửa bị lũ ống, lũ quét cuốn trôi. Thế nhưng, chỉ 4 tháng sau, một khu tái định cư an toàn đã được hoàn thiện. Người dân dọn đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống, nỗi lo thiên tai không còn ám ảnh, bản dần hồi sinh.

Năm nay là năm thứ 5 đồng bào Thái tại bản Poọng được đón Tết Nguyên đán trong sự an tâm, phấn khởi. Trong từng nếp nhà, mỗi người đều tất bật trang hoàng nhà cửa bằng những cành đào, cành mơ, đèn nháy… gạo nếp, lá dong đã chuẩn bị sẵn sàng để gói bánh chưng Tết… Người dân thu hoạch được măng rừng, lá dong, đào đá... chủ động sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi để bán ra thị trường dịp Tết nên có thêm thu nhập.

Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, năm 2023, kinh tế - xã hội của huyện đạt nhiều kết quả khả quan, là năm đầu tiên huyện không phải xin hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là nhờ năm nay người dân được mùa, được giá sắn. Trong khi đó, các hộ nghèo và cận nghèo tham gia bảo vệ, phát triển rừng được nhận hỗ trợ gạo theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Đảng bộ và chính quyền huyện đang tập trung chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo… với phương châm “nhà nào cũng có Tết”. Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Lát chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc huyện và các cấp chính quyền quan tâm đặc biệt đến đời sống của bà con ở 7 khu tái định cư.

Huyện chỉ đạo các địa phương cấp các chế độ chính sách kịp thời cho người dân trước Tết với mong muốn bà con vùng cao nói chung và bà con ở các khu tái định cư nói riêng có một cái Tết đầm ấm, tạo khí thế, động lực tiếp tục lao động sản xuất, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo…

Giai đoạn 2021-2025, các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang thực hiện kế hoạch sắp xếp ổn định cho 2.828 hộ dân tại 54 xã, trong đó có 1.118 hộ tái định cư xen ghép, 832 hộ tái định cư liền kề, 878 hộ tái định cư tập trung. Năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai và hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư 3 khu tái định cư tập trung sắp xếp, ổn định cho 112 hộ.

Năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, sắp xếp ổn định cho 389 hộ dân với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng là 97.950 triệu đồng, vận động 183 hộ dân thực hiện tái định cư xen ghép.

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự cố gắng của người dân, đến nay cuộc sống mới tốt đẹp hơn đã thực sự hiện hữu tại các bản tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh. Bức tranh các bản tái định cư Xuân này rực rỡ hơn không chỉ bởi sắc hoa đào, hoa mận và núi rừng trùng điệp, mà còn bởi tương lai tươi sáng và khát vọng vươn lên…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục