Nikkei: Dự báo các đề xuất ngân sách mới của Nhật Bản sẽ cao kỷ lục

10:02' - 26/08/2021
BNEWS Cho đến nay, Tokyo đã triển khai các gói kích thích khổng lồ với tổng trị giá 3.000 tỷ USD để ứng phó với đại dịch, điều này đã làm gia tăng thêm “núi nợ” của Nhật Bản.

Tờ Nikkei ngày 26/8 đưa tin Nhật Bản được dự báo sẽ nhận được các đề xuất về ngân sách mới từ các bộ trưởng cho năm tài chính tới (bắt đầu vào tháng 4/2022) cao kỷ lục, vượt 1.000 tỷ USD do các chi phí nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong các đề xuất ngân sách trên, có một khoản tiền trị giá 30.000 tỷ yen (273 tỷ USD) do Bộ Tài chính yêu cầu, dùng để thanh toán nợ. Trong khi đó lượng trái phiếu chính phủ chưa thanh toán dự kiến ở mức 990.000 tỷ yen tính đến cuối tháng Ba của năm tài chính hiện tại.

Các đề xuất trên đã nêu bật gánh nặng mà đại dịch đang gây ra đối với nền tài chính của Nhật Bản, vốn đang phải chịu sức ép từ chi phí phúc lợi xã hội cho dân số già hóa nhanh chóng gia tăng. Các yêu cầu này sẽ được Bộ Tài chính, cơ quan sẽ đưa ra dự thảo ngân sách cho năm tài chính tới thường vào khoảng tháng 12, xem xét kỹ lưỡng.

Ngày 25/8 Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đầu năm 2020.

Đây là lần thứ 3 Chính phủ Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp kể từ đầu tháng Bảy. Các tỉnh được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp lần này gồm Hokkaido ở phía Bắc, Miyagi, Gifu, Aichi ở miền Trung và Mie, Shiga, Okayama, Hiroshima ở phía Tây.

Tình trạng khẩn cấp ở 8 tỉnh này sẽ có hiệu lực đến ngày 12/9 giống như 13 tỉnh, thành khác đang áp dụng, trong đó có thủ đô Tokyo. Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa thêm 4 tỉnh khác vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm, gồm Kochi, Saga, Nagasaki và Miyazaki.

Tiến độ tiêm chủng và việc xử lý đại dịch chậm đã tác động đến mức độ ủng hộ đối với Thủ tướng Yoshihide Suga, người đang chịu sức ép phải triển khai một gói cứu trợ khác để kêu gọi các cử tri trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối năm nay.

Cho đến nay, Tokyo đã triển khai các gói kích thích khổng lồ với tổng trị giá 3.000 tỷ USD để ứng phó với đại dịch, điều này đã làm gia tăng thêm “núi nợ” của Nhật Bản, vốn đã cao “ngất ngưởng” trong số các nền kinh tế lớn./. 

>>>WB và Nhật Bản tài trợ 2,75 triệu USD cho Việt Nam tăng cường khả năng chống dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục