Ninh Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3

16:32' - 19/07/2025
BNEWS UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công điện số 35/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lớn diện rộng.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công điện số 35/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lớn diện rộng.

 

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

UBND các xã, phường thực hiện nghiêm công tác thường trực, tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều khi xuất hiện lũ theo cấp báo động trên hệ thống các sông đi qua địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai thực tế các phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ. Tiếp tục tổ chức duy trì hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân trên cơ sở địa giới hành chính mới; Kiểm tra, rà soát tình trạng xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ các bến bãi vật liệu, các doanh nghiệp hoạt động ven đê cam kết không sử dụng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê. Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình cầu, cảng, các công trình đang thi công trên tuyến đê biển; các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ.

Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua, kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ".

Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công, sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động ứng phó với bão và mưa lớn diện rộng. Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi trong tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường chủ động phương án tiêu úng, đảm bảo an toàn cho lúa mới cấy và hoa màu; triển khai đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thuỷ lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục