Nỗ lực đàm phán giữ slot quốc tế cho các hãng hàng không Việt

17:11' - 25/07/2023
BNEWS Liên quan đến việc giữ slot bay – “giờ hạ, cất cánh” ở nước ngoài, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, việc các hãng hàng không đang phải “bay để giữ slot” là có thật.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm của Cục Hàng không Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

Cụ thể, Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin: “Với các nhà chức trách hàng không nước ngoài, có bay mới giữ được slot. Đúng là thị trường xuống thấp, nhưng nếu năm nay chúng ta không bảo đảm số lượng chuyến thì năm sau họ sẽ cắt slot. Chúng tôi hiểu những khó khăn của các hãng hàng không, đã trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước để hỗ trợ theo nguyên tắc “có đi có lại”, họ bay đến mình thì phải cho mình bay đến họ. Nhưng thực tế, có những thị trường nước bạn không bay đến nước mình, như Australia, Ấn Độ, Vương quốc Anh".

Mặc dù vậy, ông Đinh Việt Thắng khẳng định sẽ nỗ lực tối đa trong việc đàm phán giữ slot cho các hãng hàng không Việt. Những trường hợp hết sức khó khăn, ngoài khả năng của Cục Hàng không Việt Nam, Cục sẽ đề nghị đàm phán ở những cấp cao hơn, qua đường ngoại giao.

Tại thị trường nội địa, ông Đinh Việt Thắng cho biết, có hãng hàng không bảo thị trường thấp, không bay hết slot, nhưng bảo trả lại cho hãng khác thì không chịu. Hơn nữa, Thông tư 29/2021/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay có hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam quy định rõ, slot lịch sử của một mùa lịch bay là chuỗi slot được sử dụng đúng với tỷ lệ ít nhất 80%. Các hãng hàng không muốn giữ được slot lịch sử thì phải đảm bảo tỷ lệ sử dụng theo quy định.

Người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận, có những tình huống cụ thể như khi thị trường xuống thấp như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cũng muốn linh hoạt cho các hãng, không phải đảm bảo đủ tỷ lệ slot sử dụng theo quy định vẫn giữ được slot lịch sử. Tuy nhiên như vậy cũng rất khó, có quy định của pháp luật rồi thì phải tuân theo. Muốn thay đổi thì phải sửa thông tư.

Cũng như vậy với việc hoán đổi slot, ông Đinh Việt Thắng cho biết, nhiều slot bay Trung Quốc không dùng hết, doanh nghiệp xin hoán đổi sang slot bay Hàn Quốc, tuy nhiên, quy định hiện hành không cho phép. Những kiến nghị này của doanh nghiệp là hợp lý. Cục Hàng không Việt Nam sẽ nghiên cứu sớm, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải có những sửa đổi Thông tư 29/2021/TT-BGTVT cho hợp lý”

Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019.

Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483 nghìn tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 405 nghìn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022. Hàng hóa nội địa đạt 77,6 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.”

Ông Đinh Việt Phương,Tổng giám đốc Vietjet Air cho hay, các hãng hàng không đang khó khăn bởi số chuyến bay tăng nhưng số khách không tăng. Hệ số sử dụng ghế giảm. Nguyên nhân là thị trường giảm, sức mua giảm. Lượng khách quốc tế so với năm 2022 thì tăng, nhưng so với 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19 vẫn không đạt như kỳ vọng.

Cũng theo ông Đinh Việt Phương, lượng khách quốc tế đến từ khu vực Đông Bắc Á rất khó khăn. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang tích cực khuyến khích du lịch trong nước. Thực tế, có chuyến bay từ Nhật về tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 40%.

Thông thường, cao điểm hè thường kéo dài đến khoảng 15/8, thậm chí là tuần thứ 3 của tháng 8. Tuy nhiên năm nay, mới đến 15/7 lượng khách đã giảm. Đáng nói hơn, khách giảm nhưng hãng vẫn phải bay đều. Nếu không bay thì sợ mất slot lịch sử.

“Giám sát chặt việc sử dụng slot nhưng phải hỗ trợ hãng hàng không. Slot là tài nguyên nhưng vận hành slot phải linh hoạt, hiệu quả, làm sao phục vụ phát triển, thúc đẩy hãng hàng không phát triển”, ông Đinh Việt Phương kiến nghị.

Còn  ông Trịnh Ngọc Thành,  Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam -Vietnam Airlines nhìn nhận, tại thị trường nội địa, lượng khách vượt so với năm 2019 khoảng 10% nhưng giảm hơn so với năm ngoái. Trong cao điểm hè, dù lượng khách tăng 14% tuy nhiên, giá bình quân lại giảm 14%. Nguyên nhân do cung vượt cầu (các hãng hàng không không bay được quốc tế nên dồn tải vào thị trường nội địa).

Những khó khăn khác được ông Trịnh Ngọc Thành liệt kê gồm sự tăng cao của giá nhiên liệu (hiện cao hơn 20 USD/thùng, đạt mức 103 USD/thùng, so với cùng kỳ 2019 chỉ khoảng 83-84 USD/thùng); sự mất giá của đa số các đồng tiền so với đồng USD.

Vietnam Airlines vẫn xác định phải cố gắng phục hồi. Thực tế là đã phục hồi cơ bản hết cả nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, như hệ số sử dụng ghế bình quân trên các đường bay quốc tế chỉ khoảng 67 - 68%. Thấp hơn 10% so với năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục