Nỗ lực mới của EU trong cuộc chiến chống rửa tiền

07:44' - 20/01/2024
BNEWS Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên vừa đạt được thỏa thuận về giới hạn thanh toán bằng tiền mặt trong Liên minh châu Âu (EU) ở mức 10.000 euro, trong khuôn khổ đạo luật chống rửa tiền.

Điều khoản này nhằm chống lại việc tài trợ cho khủng bố tốt hơn, được thông qua sau hai năm rưỡi đàm phán và sẽ có hiệu lực trong năm nay. Mục tiêu là tập hợp các quy định hiện hành rất khác nhau ở 27 quốc gia thành viên EU để phát hiện và hạn chế các giao dịch đáng ngờ.

 

Một số quốc gia, chẳng hạn như Pháp, đã có những quy định chặt chẽ hơn các quy định mới của châu Âu về thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ở các quốc gia khác, như Áo hay Đức, thanh toán bằng tiền mặt cho đến nay vẫn không giới hạn.

Theo Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem, quốc gia hiện đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong 6 tháng, với thỏa thuận này, các đối tượng lừa đảo, tội phạm có tổ chức và khủng bố sẽ không còn khả năng hợp pháp hóa lợi nhuận của chúng thông qua hệ thống tài chính.

Việc áp dụng các quy tắc cũng sẽ được áp dụng đối với tiền điện tử, buôn bán các  xa xỉ phẩm như kim loại quý, đồ trang sức, đồng hồ, cũng như xe hơi cao cấp, máy bay phản lực tư nhân hay du thuyền để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc. Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và người đại diện cũng sẽ phải tuân theo các quy định, nhưng vào cuối giai đoạn chuyển tiếp 5 năm sau khi văn bản có hiệu lực, tức là từ năm 2029.

Luật mới cũng sẽ hài hòa và thắt chặt các quy định chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt đối với các ngân hàng, bất động sản và sòng bạc. Các thực thể này sẽ cần có khả năng xác định khách hàng của họ hoặc chủ sở hữu tài sản đằng sau các thỏa thuận tài chính không rõ ràng.

Trước đó, hồi tháng 12 vừa qua, EP và các quốc gia thành viên đã thông qua việc thành lập cơ quan chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của EU. Cơ quan chống rửa tiền (AMLA) sẽ chịu trách nhiệm giám sát và điều phối các cơ quan chức năng ở các nước nhằm phát hiện và chống các hoạt động đáng ngờ xuyên biên giới.

Theo Ủy viên châu Âu về dịch vụ tài chính, ông Mairead McGuinness, đây là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống tiền bẩn ở châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục