Nỗ lực vực dậy kinh tế Nhật Bản: Bài học từ lịch sử

05:30' - 11/10/2024
BNEWS Báo Japan Times ngày 8/10 đăng bài viết nhận định, vị thế toàn cầu của Nhật Bản đang đứng trước rủi ro và nước này cần các sáng kiến mới hơn là sức mạnh kinh tế đơn thuần để ngăn chặn sự suy giảm đó.

Theo bài viết, có rất ít nhà quan sát ngạc nhiên hay lo lắng khi Đức vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào đầu năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán sự thay đổi này vào tháng 10 năm ngoái và cho rằng Nhật Bản sẽ còn tụt hạng hơn nữa khi Ấn Độ sẽ chiếm vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng vào năm 2025.

Các nhà kinh tế học nhìn chung cho rằng, sự thay đổi này là do biến động tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và đồng euro. Một số người nhận thấy có những động lực sâu xa hơn: dân số già hóa, tài nguyên thiên nhiên hạn chế và sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng sự thay đổi thứ hạng xác nhận lập luận về “Đỉnh cao Nhật Bản”: Thế giới đang chứng kiến đỉnh cao sức mạnh của Nhật Bản và sẽ trên đà đi xuống trong tương lai. 

Học giả nổi tiếng nghiên cứu về vai trò quốc tế của Nhật Bản Akihiko Tanaka, người đang giữ chức Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lần thứ 2 không đồng tình với quan điểm này. Lưu ý đến sự sụt giảm thứ hạng, ông nhấn mạnh rằng “những tuyên bố như vậy về sự suy giảm của Nhật Bản không phản ánh thực tế của thế giới ngày nay và quan hệ quốc tế”.

 

Viết trên tờ Yomiuri Shimbun, ông Tanaka kết luận rằng “so với thời kỳ tiền bong bóng kinh tế, sự hiện diện quốc tế của Nhật Bản đã tăng lên đáng kể”. Ông ghi nhận chính sách đối ngoại của thời kỳ cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã mang lại những thắng lợi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khái niệm “dữ liệu lưu thông tự do với sự tin cậy” đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho quản trị dữ liệu toàn cầu và các sáng kiến của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong các lĩnh vực như y tế công cộng đã cứu sống hàng triệu người... Đó là những bằng chứng cho thấy Nhật Bản dù bị đánh giá thấp trên trường quốc tế nhưng vẫn giữ được quyền lực và ảnh hưởng đáng kể.

Tuy nhiên, rõ ràng là nhiều người khác đồng ý với quan điểm “Đỉnh cao Nhật Bản”, cho rằng quốc gia này đã đạt tới đỉnh cao và trong tương lai sẽ trên đà đi xuống.

Ngày 1/10, Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA), cơ quan nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, đã công bố ra mắt Nền tảng JIIA - một dự án kéo dài ba năm nhằm tạo điều kiện trao đổi ý tưởng giữa giới chính trị, Chính phủ, doanh nghiệp và học thuật để vạch ra con đường - phát triển chiến lược quốc gia - mà Nhật Bản nên thực hiện trong những hoàn cảnh này.

Nguồn gốc của dự án bắt nguồn từ “cảm giác cấp bách do vị thế suy giảm của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế”. JIIA nhấn mạnh sức mạnh kinh tế của đất nước này, vốn “đang trên đà suy giảm dài hạn”. Thị phần của Nhật Bản trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã giảm từ khoảng 18% trong thời kỳ hoàng kim của những năm 1980 xuống còn khoảng 4% hiện nay và dự kiến sẽ còn 3% vào năm 2050.

JIIA đã phác thảo một danh sách các chủ đề hóc búa mà họ sẽ nghiên cứu. Chính sách an ninh của Nhật Bản, rủi ro địa chính trị, Mỹ, Trung Quốc, và không gian mạng đều là một phần của ngoại giao và an ninh quốc gia. Năng lượng, môi trường, thực phẩm, nguồn nhân lực, sức cạnh tranh kinh tế, công nghiệp, xã hội số, khoa học-công nghệ, an ninh kinh tế, tài chính đều là các yếu tố của “quyền lực quốc gia”.

Yếu tố “quản trị” bao gồm các cấu trúc quản trị, chính quyền quốc gia và địa phương, hành chính, di dời những chức năng thủ đô, sửa đổi hiến pháp... JIIA nói thêm rằng các nhà nghiên cứu “cũng sẽ đào sâu vào những lĩnh vực quan trọng mới khi cần thiết, sao cho phù hợp với hoàn cảnh thay đổi”. Và các chiến lược phải đặt ra thứ tự ưu tiên cho việc đầu tư nguồn lực hạn chế.

Thật khó để đánh giá nhiệm vụ này bao quát đến mức nào. Chỉ ở một quốc gia như Nhật Bản, nơi có niềm tin lớn vào khả năng của giới tinh hoa trong việc tạo ra một tầm nhìn như vậy, thì điều đó mới có thể xảy ra. Và chỉ một quốc gia như Nhật Bản mới có thể tập hợp được năng lượng quốc gia để thực hiện được điều đó. Trên thực tế, họ đã làm được trong lịch sử.

Quyết định năm 1960 của Chính phủ Thủ tướng Hayato Ikeda về việc tăng gấp đôi thu nhập quốc dân tạo ra tiền lệ lịch sử. Được ban hành vào thời điểm bất ổn và khủng hoảng lan rộng, cuối cùng đây là một chiến lược thúc đẩy sức mạnh và thịnh vượng về chính trị và kinh tế. Chiến lược tập trung năng lượng quốc gia vào một dự án đổi mới quốc gia, mang lại cả lợi ích về chính sách đối nội và đối ngoại. Sự thành công của dự án đó đã tạo ra các đặc điểm của Nhật Bản đương đại mà sau đó nước này dựa vào để thành công.

Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập, như tên gọi chính thức của nó, cho thấy một thành phần quan trọng khác của bất kỳ chiến lược quốc gia nào. Đó phải là một dự án toàn xã hội, một dự án kết hợp quan điểm từ các khu vực công và tư nhân, học viện và doanh nhân, nhà tư tưởng và người thực hiện. Nhật Bản có nhiều tài năng và nguồn nhân lực đó là tài sản lớn nhất của họ. Nhưng, JIIA cảnh báo, “trí tuệ để chiến thắng được phân bổ không đồng đều giữa ngành công nghiệp, Chính phủ và học viện Nhật Bản, và chưa được tổng hợp thông qua thảo luận và hợp tác đầy đủ".

Đã từng có sự hợp tác có hệ thống giữa ba nhóm này nhưng đã không tồn tại lâu dài vì sự phản đối từ cả trong và ngoài nước. Kết quả là, các bên liên quan trong nước có ít cơ hội tham gia vào những cuộc thảo luận quan trọng của quốc gia về quyền lực và mục đích quốc gia. Nếu điều này tiếp tục, suy thoái của Nhật Bản sẽ tăng tốc.

Thành công về kinh tế đã định hình sức mạnh quốc gia của Nhật Bản trong hơn nửa thế kỷ và việc tạo ra một con đường mới đòi hỏi cả trí tưởng tượng lẫn sự quyết tâm. Hàng thập kỷ của thói quen, thực hành và quy trình hoạt động cần được khắc phục và định hướng lại. Điều quan trọng cuối cùng là phải có một thế hệ lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định khó khăn sau này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục