Nở rộ công ty "ma" hợp thức hóa hàng lậu

18:57' - 08/11/2017
BNEWS Theo thống kê, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% số vụ vi phạm, hàng hóa tịch thu và tiền tổng thu nộp ngân sách của 21 tỉnh, thành phố phía Nam.
Thu giữ hàng lậu. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 8/11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo 389 Tp. Hồ Chí Minh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở ngành thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 thành phố tăng cường kiểm soát thị trường trong những tháng cuối năm. Đặc biệt là kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Quản lý doanh nghiệp "lỏng lẻo"

Theo thống kê, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% số vụ vi phạm, hàng hóa tịch thu và tiền tổng thu nộp ngân sách của 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp theo nhiều hình thức tinh vi như nhờ người thân đứng tên sở hữu, lập công ty “ma”, thuê người vận chuyển...

Theo Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, qua kiểm tra đã phát hiện và tạm thu giữ số lượng hàng giả, hàng nhái lên đến hàng ngàn sản phẩm các loại, từ hàng điện tử, gia dụng, hàng thời trang, giày dép, túi xách, mắt kính... Đơn cử, trong tháng 10/2017, lực lượng Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 1.990 vụ chuyên ngành và liên ngành, tăng 183 vụ so với tháng trước.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng hải quan thành phố kiểm tra và xử lý hiện 1.350 vụ, trị giá hơn 138 tỷ đồng.

Các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều phương thức tinh vi như vận chuyển mà tuý bằng đường chuyển phát nhanh, buôn lậu ma tuý tổng hợp từ châu Âu về Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau... Đồng thời, có sự dịch chuyển hàng hoá buôn lậu, hàng gian, hàng giả... từ Tp. Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ.

Riêng ở lĩnh vực xăng dầu, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện hàng chục vụ buôn lậu xăng dầu cũng như các hóa chất, dung môi với số lượng hàng triệu lít.

Qua điều tra đã phát hiện ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu kém chất lượng và các hóa chất, dung môi được sử dụng pha chế trong xăng dầu như tại Tp. Hồ Chí Minh có một doanh nghiệp, Cần Thơ hai doanh nghiệp...

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, đại diện Cục Thuế thành phố, cho rằng, hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp khá thông thoáng, nhưng việc hậu kiểm và giám sát còn hạn chế. Dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp “bỏ” địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn xuất hoá đơn và hợp thức hoá cho hàng nhập lậu.

Đây là “lỗ hỏng” cần nhanh chóng khắc phục để tăng cường thanh tra, kiểm tra và phòng chống rủi ro đối với các giao dịch liên doanh, liên kết; bán hàng đa cấp; thương mại điện tử...

Riêng đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nếu không đăng ký với cơ quan chức năng thì cần có biện pháp mạnh trong xử lý hành chính để tránh thất thu thuế và triển khai tốt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn thành phố.

Cần quy định xử lý hình sự

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp kiểm tra chuyên ngành trong hai tháng cuối năm.

Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh sẽ triển khai kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, tập trung đối với các lĩnh vực, ngành hàng trọng tâm như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang, điện tử; các sản phẩm hàng hóa nhóm bình ổn thị trường, hàng hóa thuộc hàng hóa cấm nhập khẩu…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp liên ngành để ngăn chặn đường dây liên tỉnh về buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố giáp ranh với Tp. Hồ Chí Minh.

Riêng đối với việc các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập công ty “ma” nhằm xuất nhập khẩu hàng hoá, né tránh sự kiểm tra và giám sát của cơ quan chức năng cần có quy định xử lý mạnh hơn quy định hiện hành.

Còn nhận định thách thức đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là đang bị “ắch tắt” về cơ chế chính sách và quy định pháp luật trong xử lý hành vi, vụ việc và đối tượng vi phạm.

Điển hình, đối với các vụ buôn lậu mặt hàng ngà voi, thuốc lá... chưa có quy định xử lý phù hợp cũng như cơ chế chế tài đủ tính răn đe. Chính vì vậy, lực lượng chức năng “lúng túng” trong xử lý các đối tượng và vụ việc vi phạm, đặc biệt là chưa xử lý hình sự.

Trước tình hình này, đại diện Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) đề xuất, trong thời gian tới, phải quyết liệt giải quyết vấn đề bất cập về “chính chủ” từ doanh nghiệp cho đến phương tiện vận chuyển; tiếp tục siết chặt quản lý hoá chất...; trong đó, phải quyết liệt ngăn chặn trường hợp các đối tượng lợi dụng "khe hở" của pháp luật như lợi dụng chủ trương một số hàng hoá trong thời gian chờ kiểm định, giám định được đưa hàng về kho để đánh tráo hàng; nhập lậu hàng hoá qua đường tiểu ngạch, tập kết kho và chia nhỏ để tiêu thụ...

Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, các sở ngành trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ phải siết chặt quản lý, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cụ thể, năm 2018, thương mại điện tử cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương, trong đó đẩy mạnh phối hợp với các sở ngành, ngân hàng, nhà mạng, mạng xã hội... để có giải pháp định hướng phát triển bền vững.

Theo đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 120.000 website kinh doanh thương mại điện tử, chiếm khoảng 80% tổng website kinh doanh thương mại điện tử trên cả nước.

Song song với các giải pháp phối hợp liên ngành, Sở Công Thương sẽ khẩn trương nghiên cứu và thay đổi cơ chế chính sách và phương thức quản lý phù hợp để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua kinh doanh thương mại điện tử.

>>>“Nóng” tình trạng buôn lậu vùng biên giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục