Nở rộ xu hướng ẩm thực chay giả mặn tại châu Á

14:47' - 23/03/2020
BNEWS Mặc dù các sản phẩm thịt làm từ thực vật vẫn còn mới mẻ tại châu Á, song nhu cầu đối với sản phẩm này đã tăng 30%/năm.

Từ hải sản được sản xuất trong phòng thí nghiệm cho đến há cảo được làm từ hoa quả nhiệt đới thay vì thịt lợn, nhu cầu ngày càng tăng đối với các món ăn thay thịt tại châu Á đã góp phần tạo nên các sản phẩm đầy sáng tạo cho ẩm thực địa phương.

Việc tiêu thụ thịt và hải sản tại châu Á đang có xu hướng tăng lên với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại các nền kinh tế phát triển mạnh.

Tuy nhiên, các nhà môi trường cảnh báo việc ăn thịt sẽ gây ra mối đe dọa với môi trường do gia súc sẽ sản sinh ra khí mêtan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, trong khi việc chặt cây để chăn nuôi sẽ phá hủy hàng rào tự nhiên giúp chống lại biến đổi khí hậu.

Các khu rừng tự nhiên được xem là lá phổi của hành tinh khi giúp hấp thụ bớt khí CO2 trong khí quyển. Trong khi đó, việc ăn hải sản có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này.

Đại diện công ty Country Foods, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm thay thịt của Impossible Foods (Mỹ) tại Singapore, nhận định người tiêu dùng ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và khu vực châu Á cùng không nằm ngoài xu hướng này.

Mặc dù các sản phẩm thịt làm từ thực vật vẫn còn mới mẻ tại châu Á, song nhu cầu đối với sản phẩm này đã tăng 30%/năm và đang phát triển mạnh tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Các nhà sản xuất đồ ăn thay thế thịt tại Mỹ đã nhanh chóng nhận ra cơ hội tại châu Á, khi Impossible Foods định thâm nhập vào Trung Quốc, trong khi công ty đối thủ Beyond Meat, chuyên sản xuất bánh burger có nhân làm từ thực vật, dự định mở một cơ sở sản xuất trong khu vực.

Tuy nhiên, các công ty này cũng vấp phải sự cạnh tranh từ các công ty khởi nghiệp địa phương, khi họ không chỉ đơn thuần sản xuất burger chay, mà còn nắm bắt thị hiếu khách hàng tốt hơn tại châu Á, khu vực vốn luôn tự hào về truyền thống ẩm thực đa dạng và đặc sắc.

Các doanh nghiệp địa phương đang lên kế hoạch sản xuất nhiều sản phẩm từ há cảo hấp theo phong cách Trung Hoa, với nhân mít giả thịt lợn, hay các viên giả nhân cua, cá. Đây cũng là những món ăn vặt từ hải sản được ưa chuộng trên khắp châu Á.

Với ý tưởng làm nhân há cảo từ mít, công ty khởi nghiệp Karana đã lên kế hoạch ra mắt sản phẩm trong năm nay. Công ty cũng đang phát triển món bánh bao giả nhân thịt lợn quay. Đây vốn món ăn chủ đạo trong các nhà hàng "dim sum" và được thực khách rất yêu thích.

Đồng sáng lập công ty Karana, Blair Crichton hy vọng sẽ tạo ra được những sản phẩm thân quen, giành được cảm tình của những người hay ăn thịt.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp BioNutrients tại Singapore lại đang hợp tác với các nhà khoa học tại một trường đại học địa phương phát triển vi tảo trong bã đậu tương giàu dinh dưỡng, nguyên liệu được thải ra từ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Công ty định biến tảo này thành bột protein, nguyên liệu sau đó sẽ được dùng để làm giả các sản phẩm từ hải sản như viên cá, cua.

Quá trình này sẽ không làm cạn kiệt nguồn hải sản, hay gây hại đến môi trường, như việc đánh bắt thủy hải sản truyền thống.

Một số công ty khởi nghiệp sản xuất thực phẩm bền vững cũng đã chọn kinh doanh tại thị trường Singapore, và coi đây làm trụ sở để xuất hàng hóa sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên, họ sẽ phải mất thời gian mới có thể thuyết phục khách hàng ưa thích hương vị truyền thống thay đổi thói quen.

Chuyên gia ẩm thực Seow Chin Juen nhận định sự mới lạ đang là nhân tố chính thúc đẩy doanh số các sản phẩm giả thịt, song điều này không là chưa đủ để khiến phần đông người tiêu dùng ăn chúng thường xuyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục