Nợ xấu vẫn "chực chờ" bào mòn lợi nhuận ngân hàng

19:31' - 03/05/2023
BNEWS Kết thúc quý I/2023, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng kèm theo đó nợ xấu cũng đang phình to.
Đơn cử tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận trong quý đầu năm dù vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn ngành nhưng chất lượng tín dụng đã có sự suy giảm.

Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank quý I/2023 tăng gần 13% so với cùng kỳ, đạt 11.221 tỷ đồng trước thuế và 8.992 tỷ đồng sau thuế. Với mục tiêu tăng tối thiểu 15% lợi nhuận trước thuế so với năm 2022, ước khoảng 43.000 tỷ đồng, Vietcombank đã hoàn thành 26% kế hoạch năm 2023.

 
Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng tính đến thời điểm ngày 31/3/2023 cũng tăng mạnh hơn 27% so với hồi cối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết tuy diễn biến chất lượng tín dụng trong quý I có suy giảm, nợ xấu tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng đều nằm trong dự báo của hệ thống ngân hàng và đã được nhận diện từ trước.

Điều này được phản ánh qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ mức 319% hồi đầu năm lên gần 321% tại thời điểm kết thúc quý I, tức với mỗi 100 đồng nợ xấu, ngân hàng có 321 đồng dự phòng rủi ro. Đây cũng là mức bao phủ cao nhất ngành ngân hàng hiện nay.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một trong những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng mạnh đến 84% chỉ trong 3 tháng đầu năm lên mức 2.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỷ đồng.

Lợi nhuận của TPBank trước và sau thuế lần lượt đạt 1.765 tỷ đồng và 1.413 tỷ đồng, tăng 8,7% so với quý I/2022.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận và số dư nợ xấu cùng tăng vọt. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Số dư nợ xấu tại BIDV cũng lên tới 24.728 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cuối năm 2022; trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất với mức 127% lên thành 7.145 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% lên 4.283 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13% lên 13.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Cũng tăng mạnh tới 68% so với năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận số dư nợ xấu lên tới 8.452 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm trước.

Không chỉ nợ xấu tăng mạnh, hầu hết các mảng kinh doanh của MB đều "cài số lùi" trong quý I với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước xuống còn 689 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 20% xuống còn 370 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 62,6% xuống còn 37 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn giảm từ 1.024 tỷ đồng hồi quý I/2022 xuống còn gần 135 tỷ đồng.

Dù vậy, thu nhập lãi thuần tại MB quý này vẫn tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ giúp tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt trên 11.900 tỷ đồng, tăng 2,5%. Thêm nữa, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ giảm 13% so với cùng kỳ. Do đó, MB vẫn lãi trước thuế gần 6.512 tỷ đồng và sau thuế là hơn 5.205 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với quý I/2022.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong khi hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit không sinh lời.

Đối với ngân hàng mẹ, thu nhập từ phí tiếp tục gia tăng trong cơ cấu doanh thu trong nhiều quý liên tiếp, khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý I tăng tới 44% so với cùng kỳ với động lực tăng trưởng chính đến từ nguồn thu từ thẻ tăng 31% so với cùng kỳ; trong đó, doanh số giao dịch thẻ tín dụng tăng hơn 70% so với cùng kỳ và số lượng thẻ phát hành tăng hơn 46%.

Về tình hình nợ xấu, tại Đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, tình hình khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp thời gian qua đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Nợ xấu của VPBank trong quý I/2023 tăng từ 2,19% của cuối năm 2022 lên mức 2,6%. Ngân hàng dự kiến nợ xấu tiếp tục tăng trong quý II nhưng sẽ dưới 3% và giảm trong quý III và quý IV.

"Đến cuối năm 2023, VPBank đặt mục tiêu nợ xấu đưa về khoảng 2,2%", ông Vinh nhấn mạnh.

Cùng với đó, VPBank đã gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro cho các kịch bản bất lợi, với chi phí dự phòng tăng so với cùng kỳ khoảng 21% tại ngân hàng mẹ và gần 55% tại ngân hàng hợp nhất. Khoản chi phí này dự kiến sẽ được bù đắp khi thị trường chuyển biến tích cực, cải thiện năng lực trả nợ của khách hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) báo lãi hơn 5.980 tỷ đồng trước thuế và hơn 4.800 tỷ đồng sau thuế, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 7,8% so với cuối năm trước, vượt 17.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại VietinBank tăng gấp đôi so với cuối năm 2022, từ mức 2.261 tỷ đồng lên hơn 4.565 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I với số dư nợ xấu tăng cao. Lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tại NCB đạt 45,6 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt hơn 983 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Số dư nợ xấu tăng gần 50% so với cuối năm 2022, lên trên 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%.

Theo ông Nguyễn Đùng Tùng, Tổng Giám đốc OCB, tỷ lệ nợ xấu tăng cao một phần do cách phân loại nợ mới. Do đó, sang đến năm 2023, kế hoạch đặt ra là kiểm soát nợ xấu nhỏ hơn 3% để phù hợp với bối cảnh thực tế, nhưng Ban điều hành sẽ nỗ lực hết sức để làm tốt hơn. Ngay từ đầu năm, Ban điều hành đã chỉ đạo sát sao xử lý nợ xấu nên sẽ phấn đấu kéo tỷ lệ nợ xấu xuống thấp.

Tuy chỉ là một vài lát cắt nhỏ trong bức tranh kinh doanh ngân hàng quý đầu năm nhưng những số liệu trên đây phần nào đã phản ánh chất lượng tài sản ngân hàng đang có tín hiệu suy giảm, nợ xấu vẫn "chực chờ" bào mòn lợi nhuận ngân hàng.

Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng dự báo giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Cùng quan điểm, báo cáo từ Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng môi trường lãi suất cao, rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp vẫn là thách thức lớn với ngành ngân hàng trong năm nay, dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành chỉ ở mức 16%.

Dù vậy, áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng trong năm 2023 đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức được ban hành vào cuối tháng 4 vừa qua.

Theo đó, các ngân hàng có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích lập dần trong 2 năm.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV nhận định Thông tư 02 là một trong những hoạt động cho thấy quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ; tiếp tục tiếp cận được khoản vay mới để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ngân hàng cũng giảm áp lực về nợ xấu, áp lực dự phòng rủi ro. Những điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.

"Đối với BIDV, ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ, phân loại, các điều kiện cơ cấu dựa trên nguyên nhân khách hàng không trả được nợ. Chúng tôi đã hướng dẫn các chi nhánh, thực hiện các điều kiện phân cấp phân quyền thực hiện đúng quy định của Thông tư 02", ông Tú cho hay.

Đánh giá tác động của Thông tư 02, Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.

Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý rằng các nút thắt pháp lý trong ngành bất động sản vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ qua Thông tư 02./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục